VRE ghi nhận khoản đặt cọc hơn 3.5 ngàn tỷ sau khi khai trương 4 trung tâm thương mại
Nhờ khoản lợi nhuận khác, CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE) tránh được kết quả lợi nhuận đi lùi trong quý 2/2024, thay vào đó là mức tăng trưởng 2%.
Trong kỳ, VRE ghi nhận gần 2.5 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu cho thuê bất động sản vẫn ổn định với hơn 1.9 ngàn tỷ đồng, riêng doanh thu chuyển nhượng bất động sản và cung cấp dịch vụ lần lượt gấp 2.4 lần và 2.2 lần cùng kỳ, với gần 467 tỷ đồng và 72 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu thuần quý 2/2024 của VRE
Nguồn: VRE
|
Theo thông tin từ VRE, trong tháng 6/2024, Công ty đã khai trương đồng loạt 4 trung tâm thương mại (TTTM), bao gồm 3 TTTM mới là Vincom Mega Mall Grand Park tại TPHCM (khai trương kỹ thuật), Vincom Plaza Điện Biên Phủ, Vincom Plaza Hà Giang và khai trương trở lại Vincom Plaza 3 tháng 2 tại TPHCM sau thời gian cải tạo, với tỷ lệ lấp đầy đạt từ 85-92% tại thời điểm khai trương, nâng tổng số TTTM lên 86 TTTM tại 46/63 tỉnh thành trên cả nước, với hơn 1.81 triệu m2 diện tích sàn bán lẻ (GFA) trên toàn hệ thống.
Hoạt động tài chính cũng mang đến doanh thu đáng kể cho VRE với hơn 420 tỷ đồng, tăng 51%, chủ yếu là lãi tiền gửi, cho vay và các khoản đặt cọc.
Doanh thu tăng tích cực nhưng chi phí phát sinh thêm của VRE cũng không ít, chi phí tài chính và quản lý đều trên dưới gấp 2.2 lần cùng kỳ, còn chi phí bán hàng cũng tăng đến 27%.
Dù vậy, VRE ghi nhận khoản lợi nhuận khác gần 42 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ khoản mục này. Nhờ đó, Công ty lãi ròng hơn 1 ngàn tỷ đồng trong quý 2/2024, tăng trưởng 2%.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của VRE. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kết quả của VRE cũng tương tự quý 2 khi doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt tăng 15% và 4%, lên hơn 4.7 ngàn tỷ đồng và hơn 2.1 ngàn tỷ đồng.
So với kế hoạch lãi sau thuế 4.42 ngàn tỷ đồng đề ra cho năm 2024, kết quả nửa đầu năm của VRE đã thực hiện được 47.6%.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của VRE tại thời điểm 30/06/2024 hơn 52.3 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, tổng khoản phải thu gấp gần 3.7 lần cuối năm trước với gần 6 ngàn tỷ đồng, đáng chú ý là sự xuất hiện của khoản phải thu hoàn cọc hơn 1.3 ngàn tỷ đồng (trước đó không ghi nhận khoản mục này).
Ở chiều ngược lại, lượng tiền nắm giữ và chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm lần lượt 78% và 24%, còn hơn 1.1 ngàn tỷ đồng và hơn 782 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản giảm, chủ yếu do không còn ghi nhận gần 284 tỷ đồng từ Vincom Plaza Điện Biên sau khi dự án được đưa vào khai thác.
Mặt khác, nợ phải trả tăng 26% lên gần 12.4 ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân tăng chủ yếu do khoản phải trả dài hạn về đặt cọc theo hợp đồng hợp tác kinh doanh lên tới hơn 3.5 ngàn tỷ đồng, đầu năm chỉ có 180 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ vay đi ngang ở mức gần 4 ngàn tỷ đồng.
Hà Lễ
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (22/07/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (22/07/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (22/07/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (22/07/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (22/07/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (22/07/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (22/07/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (22/07/2024)
- Thủy điện Thác Mơ sẽ tạm ứng cổ tức 126 tỷ, sắp “chia tay” một đơn vị liên kết (22/07/2024)