Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, tòa đề nghị hơn các nhà đầu tư trái phiếu kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân và theo dõi thông tin xét xử vụ án trên cổng thông tin điện tử của TAND TPHCM.
Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Tòa thông báo tới 35.000 nhà đầu tư trái phiếu
Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, tòa đề nghị hơn các nhà đầu tư trái phiếu kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân và theo dõi thông tin xét xử vụ án trên cổng thông tin điện tử của TAND TPHCM.
Ngày 31/7, TAND TPHCM cho biết đến nay đã tiếp nhận hồ sơ, thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới do Trương Mỹ Lan cùng 33 bị can khác thực hiện.
Theo danh sách các bản phụ lục kèm theo bản kết luận điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ công an đã xác định được hơn 35.000 người mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần đầu tư Sunny World, Công ty Cổ phần đầu tư Quang Thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại TPHCM (Setra).
Để phục vụ cho công tác xét xử, TAND TPHCM đề nghị các cá nhân sở hữu các lô trái phiếu do 4 công ty nêu trên phát hành kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân và theo dõi thông tin xét xử vụ án trên cổng thông tin điện tử của TAND TPHCM.
Bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Nguyễn Huế
|
Đối với các trường hợp sở hữu trái phiếu nhưng chưa có tên trong danh sách kèm theo, tòa đề nghị làm đơn gửi về TAND TPHCM để giải quyết theo quy định.
Tòa lưu ý chỉ nhận đơn yêu cầu qua đường bưu điện, và sẽ không tiếp nhận đơn của các cá nhân sở hữu trái phiếu không phải do 4 công ty nêu trên phát hành.
Theo truy tố của VKS, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, có tổng giá trị hơn 30.869 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo. Đến nay, các gói trái phiếu này còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư, không có khả năng thanh toán.
Để che giấu nguồn tiền có được từ việc phát hành trái phiếu và 415.000 tỷ đồng có được từ hành vi “Tham ô tài sản” từ nguồn tiền của Ngân hàng SCB, bà Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp phối hợp, lên phương án rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng, sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Đối với hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, theo cáo buộc, từ năm 2012-2022, mỗi khi cần sử dụng tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, bà Trương Mỹ Lan giao cho Trịnh Quang Công (Tổng giám đốc Công ty SPG) phối hợp cùng Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty SPG), Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư được giao quản lý các công ty nước ngoài) lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài (đều là các công ty “ma”).
Thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB.
Tổng số tiền bà Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới là hơn 4,5 tỷ USD, tương đương 106.000 tỷ đồng.
Trước đó, ở giai đoạn 1, bà Trương Mỹ Lan bị TAND TPHCM tuyên phạt tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Chồng bà Lan là ông Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square) bị tuyên phạt 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Cháu gái là Trương Huệ Vân (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị tuyên phạt 17 năm tù về 2 tội "Tham ô tài sản" và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
83 đồng phạm cũng bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến tù chung thân.
Sau phiên sơ thẩm, bà Trương Mỹ Lan cùng chồng, cháu gái và 19 bị cáo đã có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
|
Thanh Phương
VietNamNet