Các chuyên gia phân tích đều dự báo sai về thị trường tài chính Trung Quốc
Những ai bán khống cổ phiếu Trung Quốc, mua đồng Nhân dân tệ và thu vào trái phiếu Chính phủ Trung Quốc đã bất ngờ thắng lớn tính tới thời điểm này trong năm 2018.
Các chiến lược gia trên toàn thế giới đều đã dự đoán sai về thị trường tài chính Trung Quốc trong năm nay, và quốc gia này đang sở hữu cả tài sản có thành quả tốt nhất cũng như tệ nhất trên thế giới. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite hiện giảm 16% so với mức mục tiêu kết thúc năm đã đề ra trong tháng 12/2017, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm thì thấp hơn 108 điểm cơ bản so với dự báo trước đó. Đáng chú ý nhất là đồng Nhân dân tệ tăng mạnh và vượt qua hầu hết dự báo trước đó của các chuyên gia phân tích.
Nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc xung đột thương mại với Mỹ sẽ giáng một đòn nặng nề tới nền kinh tế vốn đã tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Chính nỗi lo này đã thúc đẩy nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản an toàn kể từ cuối tháng 1/2018, qua đó châm ngòi cho làn sóng bán tháo những cổ phiếu vốn dao động ở giá cao nhất kể từ năm 2015. Rủi ro lạm phát ngày càng mờ nhất và số liệu tăng trưởng tệ hơn dự báo đã giúp trái phiếu trở thành kênh trú ẩn tương đối của nhà đầu tư, qua đó cung cấp bằng chứng ủng hộ cho chuyên gia đi ngược thị trường như Jean-Charles Sambor – người đã tỏ ra lạc quan về trái phiếu Chính phủ Trung Quốc khi lợi suất trái phiếu nước này đạt đỉnh hồi tháng 11/2017.
“Nhà đầu tư đã dự báo sai về Trung Quốc khi họ cho rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh, áp lực lạm phát gia tăng cùng với một chiến lược giảm bớt đòn bẩy quyết liệt hơn và khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ”, ông Sambor – Phó Trưởng phòng trái phiếu thị trường mới nổi của BNP Paribas Asset Management ở Luân Đôn – nhấn mạnh. “Rõ ràng, chẳng có điều nào trong đây trở thành hiện thực cả”.
Trong tuần này đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy hành vi thị trường có thể thay đổi ở Trung Quốc. Mặc dù nhà đầu tư cổ phiếu hoan nghênh các dấu hiệu cho thấy Chính phủ Mỹ sẵn lòng nới lỏng chiến dịch thắt chặt tiền tệ, nhưng cổ phiếu Trung Quốc vẫn xóa bớt phần lớn đà tăng. Đồng Nhân dân tệ vẫn dao động gần với mức cao nhất kể từ đợt phá giá tiền tệ năm 2015, ngay cả khi các nhà vạch ra chính sách hôm thứ Tư (25/04) nới lỏng biện pháp kiểm soát vốn, cho phép vốn chảy ra khỏi quốc gia này nhiều hơn. Và mặc dù lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đã gia tăng trong tuần này, nhưng chúng ghi nhận tháng giảm mạnh nhất trong gần 2 năm.
Hôm thứ Sáu (27/04), chỉ số Shanghai Composite tiến 0.2%, sau khi mất 0.8% trong phiên giao dịch trước đó.
Những vụ đặt cược mang tính một chiều là thường thấy ở Trung Quốc, nhất là khi những cổ phiếu được giao dịch nhiều thường có xu hướng giảm nhanh như lúc tăng vậy. Đối với nhà đầu tư dài hạn với ngưỡng chấp nhận rủi ro cao, việc ngó lơ những tín hiệu nhiễu đó là một thách thức quá đỗi quen thuộc.
“Biến động là điều thường thấy ở Trung Quốc – thị trường nước này thường phóng đại diễn biến có tính 1 chiều (hoặc là tăng, hoặc là giảm)”, Howard Wang, Chuyên gia quản lý quỹ của JPMorgan Asset Management ở Hồng Kông, cho hay. “Bạn cần phải xem xét kỹ lưỡng những điều này và tìm kiếm các công ty đang hoạt động tốt. Chúng tôi nghĩ, nếu đúng thì các cổ phiếu loại A sẽ tăng ở mức 2 con số trong năm nay”.
Đó là một mức tăng trưởng quá cao và khó đạt được đối với các chỉ số cổ phiếu Trung Quốc hiện nay. Cụ thể, Shanghai Composite, CSI 300 Index và FTSE A50 Index đều đang giảm ít nhất 6.5% trong năm nay. Mức giảm này kết hợp với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại đã khiến các chiến lược gia của Morgan Stanley hạ bớt mục tiêu chỉ số cổ phiếu Trung Quốc vào đầu tháng này.
Góp phần gia tăng lo ngại của nhà đầu tư là rào cản của dòng tiền tổ chức – có khả năng dòng tiền này đang tháo chạy khỏi cổ phiếu và đổ vào các tài sản an toàn như trái phiếu, khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát đòn bẩy, theo lời của các chiến lược gia từ Morgan Stanley. Mặc dù bị trì hoãn, nhưng các quy định mới – vốn sẽ quản lý các sản phẩm quản lý tài sản trị giá 16 ngàn tỷ USD của Trung Quốc – sẽ tập trung vào kìm hãm rủi ro và có thể dẫn tới việc rút vốn, các chiến lược gia này cho hay.
“Rất khó để nói rằng bao nhiêu phần trăm của các diễn biến cổ phiếu và trái phiếu gần đây phản ánh các yếu tố kinh tế cơ bản và bao nhiêu phần trăm phản ánh sự thay đổi về quy định”, Jonathan Garner, Trưởng Bộ phận Chiến lược châu Á và thị trường mới nổi của Morgan Stanley ở Hồng Kông, cho hay. “Một bộ số liệu kinh tế tháng 4 rõ ràng sẽ nói cho chúng ta biết về tình hình thực sự của nền kinh tế Trung Quốc”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
- Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Chiến lược của Temu đang hủy hoại thương hiệu nội địa (28/04/2018)
- Temu gây bão toàn cầu nhưng công ty mẹ PDD vẫn chìm trong sóng gió (28/04/2018)
- Dow Jones tăng hơn 450 điểm (28/04/2018)
- Nvidia: Doanh thu tăng vọt 94%, nhưng cổ phiếu vẫn giảm (28/04/2018)
- S&P 500 gần như đi ngang chờ báo cáo lợi nhuận của Nvidia (28/04/2018)
- Nasdaq Composite tăng hơn 1% nhờ cú bứt tốc của Nvidia (28/04/2018)
- Google có thể phải bán “viên ngọc quý” Chrome (28/04/2018)
- Tesla giúp Nasdaq Composite tăng điểm (28/04/2018)
- Chứng khoán châu Á ở thế giằng co khi chính sách lãi suất của Fed khó đoán định (28/04/2018)