Temu gây bão toàn cầu nhưng công ty mẹ PDD vẫn chìm trong sóng gió
Temu đang tạo nên cơn sốt mua sắm toàn cầu với chiến lược giá rẻ và marketing rầm rộ. Nền tảng thương mại điện tử này vừa có màn chào sân ấn tượng tại Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt tải ứng dụng với lời quảng bá "giá rẻ không tưởng", “mua sắm như tỷ phú” đi kèm với miễn phí vận chuyển.
Tại thị trường Mỹ, nơi Temu bắt đầu hành trình chinh phục toàn cầu từ năm 2022, nền tảng này đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất. Với chiến lược định giá siêu cạnh tranh và danh mục sản phẩm đa dạng từ thời trang đến đồ gia dụng, Temu đã tạo nên cuộc cách mạng trong cách người tiêu dùng mua sắm trực tuyến, thậm chí đủ sức thách thức cả Amazon trong nhiều phân khúc sản phẩm giá rẻ.
Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển thần tốc của Temu, công ty mẹ PDD Holdings lại đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức đáng lo ngại. Cổ phiếu PDD vừa lao dốc 10% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Cụ thể, doanh thu đạt 99.4 tỷ Nhân dân tệ (13.7 tỷ USD), không đạt mục tiêu 102.8 tỷ Nhân dân tệ mà các nhà phân tích đề ra. Lợi nhuận ròng 25 tỷ Nhân dân tệ cũng thấp hơn dự báo 26.6 tỷ Nhân dân tệ.
Zhao Jiazhen, đồng CEO của PDD, đã thẳng thắn thừa nhận những khó khăn nội tại trong cuộc họp với các nhà phân tích: "Đội ngũ của chúng tôi hiện đang bị hạn chế bởi kinh nghiệm trong quá khứ và thiếu một số năng lực nhất định. Chúng tôi sẽ thấy tác động tài chính lớn hơn vì sẽ gặp bất lợi so với đối thủ cạnh tranh trong một thời gian tới”.
Temu cũng đang phải đối mặt với những thách thức riêng trên hành trình toàn cầu hóa. Liên minh châu Âu (EU) vừa mở cuộc điều tra về nền tảng này, đặt ra câu hỏi về việc kiểm soát hàng hóa bất hợp pháp theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số mới. Đồng thời, viễn cảnh về các chính sách thuế quan mới dưới thời Trump có thể gây áp lực lên mô hình kinh doanh xuyên biên giới của Temu.
Theo nhận định của Bloomberg Intelligence, PDD có thể phải đối mặt với kịch bản lợi nhuận giảm ít nhất 10% đến năm 2025. Các nhà phân tích Catherine Lim và Trini Tan cảnh báo rằng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ như Alibaba, Amazon và TikTok Shop sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của công ty.
PDD cũng ra những cảnh báo nghiêm trọng về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới. Ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ chậm lại đáng kể, một phần do áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường Trung Quốc. Đây là lần thứ hai trong vòng ba tháng PDD đưa ra cảnh báo về triển vọng kinh doanh, sau cảnh báo bất ngờ về sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc vào tháng 8.
"Khả năng sinh lời của chúng tôi sẽ có xu hướng giảm theo thời gian", ban lãnh đạo PDD nhấn mạnh trong cuộc họp với các nhà phân tích.
Nhà phân tích Alicia Yap từ Citigroup cũng bày tỏ lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn: "Dù Temu vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng những bất ổn về thuế quan và sự phản đối ngày càng tăng từ nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược giá rẻ của nền tảng này".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
- Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Chiến lược của Temu đang hủy hoại thương hiệu nội địa (22/11/2024)
- Dow Jones tăng hơn 450 điểm (22/11/2024)
- Nvidia: Doanh thu tăng vọt 94%, nhưng cổ phiếu vẫn giảm (22/11/2024)
- S&P 500 gần như đi ngang chờ báo cáo lợi nhuận của Nvidia (22/11/2024)
- Nasdaq Composite tăng hơn 1% nhờ cú bứt tốc của Nvidia (22/11/2024)
- Google có thể phải bán “viên ngọc quý” Chrome (22/11/2024)
- Tesla giúp Nasdaq Composite tăng điểm (22/11/2024)
- Chứng khoán châu Á ở thế giằng co khi chính sách lãi suất của Fed khó đoán định (22/11/2024)
- Tỷ phú giàu nhất châu Á tham gia cuộc đua phát triển robot hình người (22/11/2024)