Trong những cánh rừng của nước Lào, những công nhân và kỹ sư người Trung Quốc đang đào hàng trăm đường hầm và xây những cây cầu để hỗ trợ cho dự án đường sắt dài 260 dặm có giá trị 6 tỷ USD sẽ giúp kết nối 8 quốc gia châu Á với nhau.
Dòng vốn đầu tư của Trung Quốc cũng tạo nên những nhà máy điện ở Pakistan, giúp nước này giải quyết vấn đề thiếu điện vào mùa cao điểm. Theo dự tính Trung Quốc sẽ đầu tư vào quốc gia này 46 tỷ USD.
Trung Quốc còn lên kế hoạch cho tuyến đường sắt đi từ thủ đô Budapest của Hungary đến Belgrade, Serbia, tạo ra một con đường mới để hàng hóa Trung Quốc chảy vào châu Âu, thông qua một bến cảng ở Hy Lạp mà Trung Quốc đã mua lại.
Trên đây là một vài trong số hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang triển khai ở trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu, tạo thành xương sống của tham vọng nâng tầm ảnh hưởng cả về mặt kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi.
Có tên gọi "Một vành đai, một con đường", sáng kiến mà ông Tập công bố năm 2013 được đánh giá là có quy mô chưa từng có trong lịch sử hiện đại với lời hứa sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia. Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón 28 nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo Chính phủ các nước tới Bắc Kinh để tham dự sự kiện kỷ niệm sáng kiến này.
Đây là sự kiện thu hút được nhiều nguyên thủ quốc gia đến Bắc Kinh nhất kể từ năm 2008, khi Thế vận hội Olympics diễn ra ở đây. Nhưng có khá ít lãnh đạo châu Âu tới tham dự sự kiện và có vẻ như châu Âu cũng không mặn mà với sáng kiến này.
“Một vành đai, một con đường” cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quyết tâm thay đổi chính sách đối ngoại của ông Tập. Trước đây, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng quả quyết rằng “Trung Quốc sẽ che giấu tiềm năng và chờ đợi thời cơ, không bao giờ ngồi vào vị trí dẫn đầu”. Trong khi đó, Diễn đàn The Belt and Road Forum (BARF) là sự kiện lớn thứ hai kể từ đầu năm đến nay chứng kiến tham vọng dẫn đầu thế giới của Trung Quốc. Hồi tháng 1, tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Tập đã có bài phát biểu kêu gọi thế giới đoàn kết trước làn sóng chủ nghĩa bảo hộ.
Năm 2014, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng sáng kiến này là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình. Mục tiêu của nó là hình thành một khu vực kinh tế và thương mại Á – Âu để cạnh tranh với hiệp định xuyên Thái Bình Dương.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước khác cũng là một cách để Trung Quốc tìm ra nơi sinh lợi cho kho dự trữ ngoại hối khổng lồ (mà chủ yếu đang đầu tư vào Trái phiếu Kho bạc Mỹ). Bên cạnh đó cũng là kỳ vọng có thể tạo ra những thị trường mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp đang bị dư thừa công suất như xi măng, sắt thép… Ông Tập Cận Bình cho rằng, dòng vốn đầu tư cũng có thể giúp ổn định phần nào tình hình ở những nước Trung Á vốn khá bất ổn về chính trị.
Theo Trí thức trẻ/Economist
- Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Chiến lược của Temu đang hủy hoại thương hiệu nội địa (15/05/2017)
- Temu gây bão toàn cầu nhưng công ty mẹ PDD vẫn chìm trong sóng gió (15/05/2017)
- Dow Jones tăng hơn 450 điểm (15/05/2017)
- Nvidia: Doanh thu tăng vọt 94%, nhưng cổ phiếu vẫn giảm (15/05/2017)
- S&P 500 gần như đi ngang chờ báo cáo lợi nhuận của Nvidia (15/05/2017)
- Nasdaq Composite tăng hơn 1% nhờ cú bứt tốc của Nvidia (15/05/2017)
- Google có thể phải bán “viên ngọc quý” Chrome (15/05/2017)
- Tesla giúp Nasdaq Composite tăng điểm (15/05/2017)
- Chứng khoán châu Á ở thế giằng co khi chính sách lãi suất của Fed khó đoán định (15/05/2017)