Hôm 1/2, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng phàn nàn sau khi ông Trump tấn công Trung Quốc và Nhật Bản vì “phá giá thị trường”. Đáp trả lại nhận định này, ông Abe phát biểu trước quốc hội Nhật Bản: “Những chỉ trích về việc thao túng đồng yen là không chính xác.”
Một ngày trước đó, thủ tướng Đức Angela Merkel cũng phủ nhận luận điểm Đức đang tìm cách gây ảnh hưởng tới việc định giá euro. Đây là nhận định của một cố vấn hàng đầu của ông Trump trong một buổi phỏng vấn với Financial Times.
Những nhận định trên của chính quyền Trump là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Trump đang nỗ lực tách khỏi những chủ trương trước đây của nước Mỹ. Động thái này đã bắt đầu từ năm ngoái khi ông Trump chạy đua vào Nhà Trắng. Khi đó, ông từng khẳng định USD mạnh gây nhiều tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ.
Các Tổng thống Mỹ từ lâu đã không còn bình luận về giá trị của đồng USD hay của các loại tiền tệ khác, thay vào đó, họ thể hiện niềm tin của mình vào sức mạnh của đồng bạc xanh. Theo truyền thống, nhiệm vụ giải quyết các vấn đề tiền tệ là trách nhiệm của bộ trưởng tài chính. Sau bộ trưởng Robert Rubin của những năm 1990, những bộ trưởng kế nhiệm ông đều mặc định rằng đồng đô mạnh cho thấy sức mạnh của nền kinh tế.
Ông Stephen Mnuchin, cựu nhân viên của Goldman Sachs và cũng là bộ trưởng tài chính do ông Trump đề cử, đã công khai đề xuất một kế hoạch cẩn trọng hơn so với tân tổng thống. Tháng trước, trước các nghị sĩ, ông Mnuchin phát biểu ông tin rằng sức mạnh lâu dài của đồng đô là rất quan trọng.
Tuy nhiên, sau khởi đầu khá hỗn hoạn của chính quyền mới cũng như một lịch trình đậm chất bảo hộ, nhiều người lo ngại rằng chính quyền Trump sẽ không chỉ châm ngòi chiến tranh tiền tệ, mà còn có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại tai hại cho kinh tế thế giới.
Các nhà kinh tế học cho biết kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ của ông Trump với những nội dung như giảm thuế và tăng chi cho cơ sở hạ tầng, cũng như đề nghị áp dụng mức thuế quan mới với các sản phẩm nhập khẩu của Đảng Cộng Hoà sẽ khiến giá USD tăng và tăng cường thâm hụt thương mại Mỹ.
Họ lo ngại rằng trước tình hình này, ông Trump sẽ phản ứng bằng những hành động thương mại hiếu chiến hơn, bởi ông luôn chỉ trích sức mạnh của USD và thâm hụt thương mại với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Mexico.
Sau khi nhận định về euro của ông Peter Navarro, giám đốc Uỷ ban Thương mại Quốc gia mới của chính quyền Trump, khiến thị trường chao đảo, nhà phân tích Ulrich Leuchtmann cảnh báo khách hàng nên chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tranh tiền tệ có khả năng diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Ông cho biết: “Với nhận định của mình, trên thực tế, [ông Navarro] đã gạt bỏ lý do thoái thác tiếp theo trong cuộc chiến tranh tiền tệ mà chính quyền Mỹ hiện đang tiến hành chống lại toàn thế giới.”
Tuy nhiên, đến nay, ông Trump vẫn chưa thực hiện lời hứa quan trọng trong chiến dịch tranh cử của mình, đó là chính thức tuyên bố Trung Quốc đã thao túng tiền tệ. Đây có khả năng sẽ là một bước tiến đột phá.
Nhiều chuyên gia hiện cũng đang chờ đợi quan điểm rõ ràng hơn của chính quyền mới trong hội nghị của các bộ trưởng tài chính trong khối G20 vào tháng ba tới.
Hầu hết các ngân hàng trung ương nhận định rằng sự suy yếu tiền tệ là hậu quả, thay vì là mục tiêu, của một chính sách dễ dãi nhắm tới lạm phát trong nước. Theo quan chức tiền tệ hàng đầu Nhật Bản, ông Masatsugu Asakawa, những biến động gần đây của đồng yen là do thị trường và chính sách nước này nhắm tới mục tiêu thoát khỏi tình trạng giảm phát. Ông khẳng định: “Nhật Bản không hề can thiệp vào vấn đề này trong những năm gần đây.”
Nhật Bản từng mạnh tay can thiệp nhằm giảm giá đồng yen vào đầu những năm 2000, trong năm 2008 khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, và gần đây nhất là vào năm 2011 sau thảm hoạ động đất và sóng thần ở Tohoku. Tuy nhiên, trước những đồn đoán về vấn đề Nhật Bản can thiệp khiến giá đồng yen tăng lên mức Y100 vào năm ngoái, quốc gia này đã phủ nhận dù phải chịu nhiều áp lực từ chính quyền Obama.
Trung Quốc cũng không can thiệp trong vấn đề định giá đồng tệ trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc hay Đài Loan đều đang mạnh tay “chỉnh đốn” đồng tiền của mình.
Theo Trí thức trẻ/FT
- Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Chiến lược của Temu đang hủy hoại thương hiệu nội địa (07/02/2017)
- Temu gây bão toàn cầu nhưng công ty mẹ PDD vẫn chìm trong sóng gió (07/02/2017)
- Dow Jones tăng hơn 450 điểm (07/02/2017)
- Nvidia: Doanh thu tăng vọt 94%, nhưng cổ phiếu vẫn giảm (07/02/2017)
- S&P 500 gần như đi ngang chờ báo cáo lợi nhuận của Nvidia (07/02/2017)
- Nasdaq Composite tăng hơn 1% nhờ cú bứt tốc của Nvidia (07/02/2017)
- Google có thể phải bán “viên ngọc quý” Chrome (07/02/2017)
- Tesla giúp Nasdaq Composite tăng điểm (07/02/2017)
- Chứng khoán châu Á ở thế giằng co khi chính sách lãi suất của Fed khó đoán định (07/02/2017)