Châu Á đặc biệt dễ tổn thương trước những rủi ro địa chính trị và vĩ mô, từ việc đồng USD mạnh lên cho tới các chính sách của tổng thống đắc cử Donald Trump. Báo cáo của Deutsche Bank chỉ ra rằng những rủi ro này ngày càng lớn.
1. Đồng USD mạnh hơn
Kể từ sau chiến thắng của tổng thống đắc cử Donald Trump đầu tháng 11, đồng USD không ngừng tăng giá khi thị trường phản ứng với những chính sách của ông. Giá USD thậm chí còn tăng cao hơn khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất lần thứ 2 trong 10 năm qua.
Dù USD mạnh hơn là đấu hiệu cho thấy sức khỏe tốt của nền kinh tế nước này nhưng lại có tác động tiêu cực với phần còn lại của thế giới bởi đây là tiền tệ dự trữ toàn cầu. Nạn nhân đầu tiên là các công ty ở các thị trường mới nổi đã vay nợ bằng đồng USD.
"Lãi suất vay đồng USD tăng, đặc biệt là khi kết hợp với tình trạng “khan hiếm USD” chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự thịnh vượng của kinh tế toàn cầu”, nhà chiến lược Hans Redeker của Morgan Stanley nhận định hồi tháng 11.
2. Nguy cơ từ làn sóng tháo vốn
Từ đầu năm 2016, tại nhiều nước châu Á diễn ra làn sóng tháo vốn đầu tư, buộc giới chức trách phải có động thái phản ứng.
Tại Trung Quốc, chính phủ siết chặt hơn các chính sách kiểm soát vốn để ngăn việc các cá nhân và công ty đưa đồng nhân dân tệ ra nước ngoài, theo một báo cáo của Cameron McKnight và Robert J. Shore thuộc Wells Fargo.
Làn sóng tháo vốn này là hệ quả của nhiều yếu tố bao gồm việc giảm giá đồng nhân dân tệ và tiền tệ của các nước châu Á khác so với đồng USD. Điều này khiến người gửi tiết kiệm nhanh chóng chuyển sang loại tiền tệ thay thế để tránh thiệt hại do tiền tệ nước mình giảm giá.
Những dự đoán về việc Fed sẽ tăng lãi suất hai hoặc ba lần nữa trong năm 2017 càng đẩy làn sóng tháo vốn khỏi châu Á bởi những hấp dẫn đến từ nước Mỹ.
3. Cú sốc về cầu
Năm 2017, nếu chủ nghĩa bảo hộ thắng thế trước thương mại tự do, điều này có thể dẫn tới những thay đổi vô cùng lớn trong nhu cầu hàng hóa và dịch vụ. Và điều này có thể gây tổn thương cho châu Á.
"Châu Á là châu lục phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới với tỷ lệ xuất khẩu chiếm khoảng 50% GDP”, báo cáo của Deutsche Bank cho biết. "5 trong số 10 nước đóng góp nhiều nhất vào thâm hụt thương mại Mỹ đến từ châu Á – Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan”. Trung Quốc là trường hợp quá rõ ràng khi chiếm tới 50%, tương đương 348 tỷ USD, thâm hụt của Mỹ năm 2016”.
4. Chính quyền mới của tổng thống Trump
Ngay trong kế hoạch đưa ra để vận động trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, Donald Trump đã liệt Trung Quốc là một đối thủ kinh tế. Ông luôn cho rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ và buộc tội nước này “ăn cắp” việc làm của người Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là liệu Trump có làm theo những chính sách đã đề ra, làm thay đổi hoàn toàn cách Mỹ quan hệ kinh tế với Trung Quốc và phần còn lại của châu Á. Theo website của Trump, ông ủng hộ việc áp thuế suất thương mại, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ “đàm phán cứng rắn và khôn ngoan để đấu tranh cho người lao động Mỹ”.
"Những nguy cơ từ cách tiếp cận thương mại của Trump ngày càng tăng khi nội các của tổng thống đắc cử cho biết ông sẽ kiên trì với những chính sách đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử”, Deutsche Bank cho biết. “Châu Á sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất”.
5. Bất ổn tại Trung Quốc
2017 là năm biến động lớn với Trung Quốc khi có tới 11 ghế trống trong 25 ghế của Bộ chính trị trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19. Trong đó có tới 5/7 ghế thuộc Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, những vị trí chủ chốt của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích của Credit Suisse, đứng đầu là Vincent Chan, Đại hội đảng toàn quốc “sẽ quyết định những vị trí lãnh đạo chủ chốt quanh chủ tịch Tập Cận Bình và việc ông củng cố quyền lực tới đâu. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho ông mở rộng các chính sách của mình tới năm 2022”.
"Hội nghị này sẽ quyết định cục diện chính trị của Trung Quốc trong thập kỷ tới”, nhóm này cho biết thêm.
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực để chuyển đổi từ nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang nền kinh tế phụ thuộc người tiêu dùng.
Theo BMI Research, chính phủ Trung Quốc sẽ phải tìm cách vượt qua những “rào cản về cấu trúc” trên còn đường chuyển đổi này. Để làm được điều đó, nước này phải giảm bớt sự bành trướng của các doanh nghiệp quốc doanh, đây là một quá trình dài hơi và nhạy cảm chính trị.
Theo Trí thức trẻ/Business Insider
- Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Chiến lược của Temu đang hủy hoại thương hiệu nội địa (12/01/2017)
- Temu gây bão toàn cầu nhưng công ty mẹ PDD vẫn chìm trong sóng gió (12/01/2017)
- Dow Jones tăng hơn 450 điểm (12/01/2017)
- Nvidia: Doanh thu tăng vọt 94%, nhưng cổ phiếu vẫn giảm (12/01/2017)
- S&P 500 gần như đi ngang chờ báo cáo lợi nhuận của Nvidia (12/01/2017)
- Nasdaq Composite tăng hơn 1% nhờ cú bứt tốc của Nvidia (12/01/2017)
- Google có thể phải bán “viên ngọc quý” Chrome (12/01/2017)
- Tesla giúp Nasdaq Composite tăng điểm (12/01/2017)
- Chứng khoán châu Á ở thế giằng co khi chính sách lãi suất của Fed khó đoán định (12/01/2017)