Trong thập kỷ qua, sản lượng dầu khai thác của Mỹ đã tăng gấp đôi lên 12,3 triệu thùng/ngày, Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Nhưng cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển dầu thô ra khỏi các mỏ dầu ở Texas tới thị trường thế giới vẫn đang thiếu hụt.
Tháng 8 đánh dấu một sự thay đổi lớn cho ngành công nghiệp này với đường ống dẫn dầu mới Cactus II của công ty Plains All American Pipeline, có công suất 670.000 thùng/ngày, kết nối bể Permian với Corpus Christi, Texas. Đường ống này chỉ là khởi đầu, nhiều đường ống sẽ được xây dựng tiếp nối sau đó, đưa thêm dầu thô Texas đến Duyên hải vịnh Mexico và từ đó vận chuyển ra nước ngoài. Nhưng thị trường thế giới hiện đang thừa cung và việc bổ sung thêm nguồn cung dầu Mỹ có thể gây sức ép lên giá dầu, đặc biệt nếu chiến tranh thương mại tiếp diễn khiến nhu cầu giảm sút.
Các đường ống mới có thể giúp tăng xuất khẩu dầu của Mỹ từ mức 3 triệu thùng/ngày thêm 1 triệu thùng vào cuối năm nay và thêm một triệu thùng vào năm tới. Xuất khẩu đã tăng trung bình 970 thùng/ngày so với năm ngoái.
Lượng dầu xuất khẩu của Mỹ sẽ là 4 triệu thùng/ngày trong 6 hoặc 8 tháng tới, hơn rất nhiều so với lượng dầu trên toàn bộ Biển Bắc. Lượng dầu thô đó sẽ đi khắp các châu lục Á, Âu. Nếu xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt 6 triệu thùng/ngày trong 3 năm, thì đó sẽ là chuẩn của thế giới.
Sự gia tăng công suất đường ống dẫn dầu sẽ giúp giải phóng điểm nghẽn dầu trong khu vực bể Permian, nơi được dự báo có thể tăng gấp đôi sản lượng lên khoảng 8 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Khi các đường ống đang được xây dựng, sẽ cần tăng công suất xuất khẩu. Các cơ sở vận chuyển đang được mở rộng dọc theo Duyên hải vịnh Mexico, ở Texas và Louisiana. Xuất khẩu dầu của Mỹ sẽ sớm đạt 6 triệu thùng/ngày và thậm chí còn cao hơn. Khả năng vận chuyển toàn bộ lượng dầu đó sẽ được cải thiện trong vòng 18 tháng tới.
Trật tự thế giới mới?
Toàn bộ loại dầu mới này tạo ra một vấn đề nan giải cho OPEC. Ả Rập Saudi, lãnh đạo không chính thức của OPEC, và đối tác Nga, đã cắt giảm sản lượng dầu để ổn định giá. Ngay cả khi mất rất nhiều dầu Venezuela và 2 triệu thùng/ngày từ Iran, thị trường dầu vẫn dư cung với sản lượng dầu của Mỹ tăng hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm nay và dự báo tiếp tục tăng với tốc độ tương tự. OPEC đã mất 1% thị phần mỗi năm trong 7 năm qua.
Giá dầu vẫn dao động, với giá dầu thô WTI giao sau từ mức cao nhất trong năm qua là 75 USD/thùng giảm xuống mức thấp 42 USD/thùng cuối năm ngoái, khi thị trường rủi ro bị bán tháo, và hiện đang giữ ở mức trên 50 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau, chuẩn quốc tế, giao dịch trên dưới 60 USD/thùng trong tháng này.
OPEC đã chủ đích kiềm chế khai thác, kìm hãm sự tăng trưởng sản xuất của Mỹ. Các công ty đang cắt giảm hoạt động và đầu tư. Số lượng giàn khoan của Mỹ đã giảm 12% so với mức tháng Tám năm trước.
Nguồn cung sẽ tiếp tục dư thừa trong hai đến ba năm tới. Giá dầu Brent sẽ ở mức thấp 50USD/thùng và giá dầu WTI ở mức 40USD/thùng.
Dầu thô Mỹ thay thế dầu Brent trở thành chuẩn mực thế giới?
Giới phân tích dự báo vai trò của Mỹ trên thị trường dầu mỏ thế giới sẽ ngày một tăng lên, khi nước này bắt đầu xuất khẩu dầu từ Duyên hải vịnh Mexico. Sự nổi lên của Mỹ với tư cách là nhà xuất khẩu dầu lớn hơn có thể thay đổi trọng tâm thị trường thế giới và giá dầu thô tại Duyên hải vịnh Mexico có thể trở thành chuẩn mực toàn cầu trong tương lai, thay thế cho dầu Brent.
Chênh lệch giữa giá dầu Brent và WTI thu hẹp lại khi Mỹ cung cấp nhiều dầu hơn cho thị trường thế giới. Mỹ đang trên đường trở thành nhà xuất khẩu ròng. Nước này đã xuất khẩu dầu diesel, xăng và nhiều nhiên liệu khác. Theo dữ liệu hàng tuần của chính phủ, hai tuần trước, Mỹ đã xuất khẩu 5,3 triệu thùng sản phẩm lọc dầu và 2,8 triệu thùng dầu/ngày.
Cùng với đó là xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Mỹ trở thành trung tâm giao dịch năng lượng lớn nhất trên thế giới. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với đồng USD. Không ít người nghi ngờ tương lai đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Nhưng trong kịch bản mà Mỹ phát triển thành một cường quốc năng lượng, thì vai trò của đồng USD sẽ ngày càng được củng cố.
Mỹ đã từng là nhà sản xuất dầu thống trị thế giới, trước Thế chiến II. Điều này sẽ sớm trở lại trong tương lai. Một lần nữa, Duyên hải vịnh Mexico của Mỹ trở thành nơi cung cấp nguồn dầu thô và sản phẩm từ dầu lớn nhất thế giới.
Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế. Hàn Quốc là quốc gia mua dầu thô lớn nhất của Mỹ với 650.000 thùng/ngày. Theo sau là châu Âu, Canada, Ấn Độ và Trung Quốc.
- Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Chiến lược của Temu đang hủy hoại thương hiệu nội địa (30/08/2019)
- Temu gây bão toàn cầu nhưng công ty mẹ PDD vẫn chìm trong sóng gió (30/08/2019)
- Dow Jones tăng hơn 450 điểm (30/08/2019)
- Nvidia: Doanh thu tăng vọt 94%, nhưng cổ phiếu vẫn giảm (30/08/2019)
- S&P 500 gần như đi ngang chờ báo cáo lợi nhuận của Nvidia (30/08/2019)
- Nasdaq Composite tăng hơn 1% nhờ cú bứt tốc của Nvidia (30/08/2019)
- Google có thể phải bán “viên ngọc quý” Chrome (30/08/2019)
- Tesla giúp Nasdaq Composite tăng điểm (30/08/2019)
- Chứng khoán châu Á ở thế giằng co khi chính sách lãi suất của Fed khó đoán định (30/08/2019)