Theo báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tín dụng Việt Nam đã tăng tới 18% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng GDP danh nghĩa.
Để giải quyết những quan ngại gia tăng về tác động tiêu cực của tình trạng tăng trưởng nóng tín dụng và chất lượng món vay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn với kỳ vọng giảm nhẹ các rủi ro hệ thống và kìm hãm bớt tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, chất lượng tài sản và rủi ro mất vốn liên quan đến tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, mặc dù phần lớn nợ xấu đã được chuyển sang Công ty Quản lý nợ Việt Nam (VAMC).
Bình luận về chỉ số tăng trưởng tín dụng cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, ông Sebastian Eckardt – Chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam cho rằng: Về nguyên tắc, nếu đầu tư vào ngành sản xuất được phân bổ một cách hiệu quả thì tăng trưởng tín dụng mạnh không phải là quan ngại.
“Nhưng đây sẽ là quan ngại nếu đổ vào những ngành đầu tư mang tính đầu cơ và không vào ngành sản xuất, không mang lại sinh lời về tăng trưởng, không đảm bảo tính bền vững”, ông Sebastian nói.
Việc mở rộng tín dụng vượt hơn rất nhiều tăng trưởng GDP danh nghĩa đặt ra câu hỏi tăng trưởng tín dụng nhanh này có thể kéo dài được bao lâu mà không gây ra những quan ngại ngày càng tăng về chất lượng của tài sản và vấn đề nợ xấu .
“Chúng tôi nghĩ cần theo dõi sát sao việc tăng trưởng tín dụng nhanh chóng này. Nó gợi ra rằng chúng ta đang tăng mức huy động nợ trong nền kinh tế. Đây là điểm rất quan trọng”, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank khuyến nghị.
Một quan ngại nữa về vấn đề tăng trưởng tín dụng nhanh, theo ông Alwaleed Alatabani - chuyên gia lĩnh vực tài chính của World Bank tại Việt Nam, là động cơ tạo ra trong khu vực ngân hàng.
“Phải theo dõi xem các ngân hàng cho vay khu vực nào, ngành nào, vì có thể dẫn tới bong bóng tài sản. Tình trạng bong bóng tài sản có tiềm năng xảy ra trong những cái giai đoạn tín dụng tăng trưởng nhanh”, ông Alwaleed cho hay.
Bình luận về những rủi ro của nền kinh tế, World Bank cũng khuyến nghị: Chậm giải quyết nợ xấu và thắt chặt tài khóa là những rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong tương lai.
Theo dự báo của World Bank, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 chỉ ở mức 6%, cách xa chỉ tiêu 6,7% mà Quốc hội đề ra. Trong khi đó, nợ công của Việt Nam sẽ lên tới hơn 64% GDP, vượt xa mức 117 tỷ USD vào hồi cuối năm ngoái.
“Viễn cảnh trung hạn của kinh tế Việt Nam vẫn tích cực, nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khóa và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng trường tăng trưởng trong trung hạn”, báo cáo của World Bank nhận định.
Infonet
- Nhiều ưu đãi hấp dẫn khi giao dịch thanh toán quốc tế tại SHB (06/10/2016)
- Gói tín dụng lớn chưa từng có (06/10/2016)
- Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm xuống vùng 1%, chạm mức thấp nhất 8 tháng (06/10/2016)
- Chủ tịch Vietlott sang làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (06/10/2016)
- Big4 tung gói ưu đãi lãi suất 370.000 tỷ và 500 triệu USD cho doanh nghiệp và cá nhân vay sản xuất, kinh doanh (06/10/2016)
- Doanh nghiệp ngại vay vốn ưu đãi vì sợ thanh tra? (06/10/2016)
- Lienvietpostbank gia tăng tính năng bảo mật trong giao dịch trực tuyến (06/10/2016)
- Vì sao có tình trạng lãi suất huy động 6 tháng cao hơn 24 tháng? (06/10/2016)
- FED tăng lãi suất 0,25 điểm % - hàm ý và dự báo tiếp theo? (06/10/2016)