Heineken nâng công suất thêm 500 triệu lít/năm ở nhà máy Vũng Tàu, ai hưởng lợi?
Công ty TNHH Nhà Máy bia Heineken Việt Nam – Vũng Tàu công bố về nhà máy công suất 1.6 tỷ lít/năm, tăng thêm 500 triệu/lít so với dự án được cấp phép năm 2020.
Báo cáo công bố mới đây vào tháng 06/2024 của Heineken cho biết, năm 2007, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội đầu tư thực hiện dự án “Xây dựng Nhà máy bia công suất 50 triệu lít/năm” tại KCN Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên diện tích 61,600m2. Sau khi đã thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục BVMT, dự án đã được Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT) vào tháng 01/2014.
Tháng 08/2016, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam (chủ dự án) đã tiến hành mua lại dự án nhà máy bia công suất 50 triệu lít/năm nói trên và đổi tên thành CTCP Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu và hiện nay là Chi nhánh số 2 - Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu (gọi tắt là Heineken Việt Nam - Vũng Tàu).
Năm 2017, Công ty Heineken Việt Nam - Vũng Tàu thực hiện dự án “Đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy Bia Heineken (nâng công suất bia từ 50 triệu lít/năm lên 585 triệu lít/năm, bổ sung dây chuyền nước trái cây lên men công suất 25 triệu lít/năm)” với phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn: giai đoạn 110 triệu lít/năm, giai đoạn 510 triệu lít/năm và giai đoạn 610 triệu lít/năm. Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt báo cáo ĐTM vào tháng tháng 02/2018.
Ngày 08/08/2019, dự án được Bộ TN&MT xác nhận hoàn thành các công trình BVMT cho giai đoạn 110 triệu lít/năm (gồm 85 triệu lít bia và 25 triệu lít nước trái cây lên men) và đi vào vận hành chính thức từ năm 2019.
Năm 2020, chủ dự án triển khai dự án “Mở rộng, nâng công suất Nhà máy bia Heineken từ 610 triệu lít/năm lên 1.1 tỷ lít/năm” và được Bộ TN&TM phê duyệt báo cáo ĐTM vào tháng 04/2020.
Nguồn: Heineken
|
Căn cứ theo kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn, chủ dự án tiếp tục cho triển khai đầu tư dự án “Nhà máy bia công suất 1,600 triệu lít/năm” và được Ban quản lý các Khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Khu đất thực hiện có tổng diện tích hơn 393,551m2 trong KCN Mỹ Xuân A, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự án được triển khai để nâng công suất sản xuất sản phẩm của nhà máy bia hiện hữu từ 1.1 tỷ lít/năm lên công suất 1.6 tỷ lít/năm, trong đó tăng công suất sản xuất bia thêm 500 triệu lít/năm, không tăng công suất nước trái cây lên men và thức uống đại mạch. Dự án được triển khai trên diện tích 257.6m2 của khu sản xuất số 1 và phần diện tích 26,973m2 của khu sản xuất số 2.
Các hạng mục công trình sẽ gồm xây thêm 1 nhà nấu mới với công suất 500 triệu lít/năm với khả năng nấu 12 mẻ nấu/ngày và sản xuất được các loại sản phẩm bia khác nhau; Mở rộng khu nhà silo hiện hữu, phục vụ lắp đặt các thiết bị phục vụ cho dây chuyền sản xuất bia 500 triệu lít/năm lắp đặt mới.
Mở rộng nhà bồn lên men và bồn chứa hiện hữu: bổ sung thêm 12 bồn lên men, thể tích mỗi bồn là 11.000hl (khả năng lưu chứa 9.770 hl); Mở rộng khu bồn chứa bã hèm hiện hữu: bổ sung 1 bồn chứa men và bố trí lại vị trí đặt các bồn chứa men thải hiện hữu.
Xây dựng khu nhà đóng gói mới: lắp đặt 01 dây chuyền đóng chai công suất 60,000 chai/giờ và 2 dây chuyền đóng lon với công suất mỗi dây chuyền đạt 90,000 lon/giờ; cùng với 1 dây chuyền đóng gói thành phẩm…
Ngoài ra, tiến hành di dời vị trí khu nhà rác lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại sang vị trí khác, để phục vụ công tác thi công mở rộng các khu vực sản xuất hiện hữu.
Vị trí khu đất của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Vũng Tàu trong KCN Mỹ Xuân A. Nguồn: Heineken
|
Hiện trạng khu đất của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam – Vũng Tàu (tháng 05/2023)
|
Theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 18, tổng vốn đầu tư dự án công suất 1.6 tỷ lít/năm là gần 12.6 ngàn tỷ đồng (tương đương 540.6 triệu USD) và được lấy toàn bộ từ vốn góp bằng tiền từ nhà đầu tư, trong đó Công ty đã góp đủ, hoàn tất tính đến năm 2022 là 7,033 tỷ đồng, còn lại sẽ hoàn tất góp trong 2024-2026.
Riêng vốn đầu tư của Công ty Heineken Việt Nam – Vũng Tàu sẽ sử dụng nguồn vốn tự có để thực hiện dự án với gần 3 ngàn tỷ đồng. Khi đi vào vận hành sản xuất, Hội đồng thành viên và Ban Giám đốc Công ty Heineken Việt Nam - Vũng Tàu quản lý.
Tổng hợp chi phí đầu tư dự án do Heineken Việt Nam – Vũng Tàu góp
|
Sau hoàn thành tổng công suất 1.6 tỷ lít/năm gồm sản xuất bia công suất 1,525 triệu lít/năm, nước trái cây lên men với công suất 25 triệu lít/năm, thức uống đại mạch với công suất 50 triệu lít/năm. Tiến độ dự án dự kiến từ tháng 06/2024-10/2025.
Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam thành lập năm 2008, hiện có vốn điều lệ gần 1,157 tỷ đồng, trong đó Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (Singapore) sở hữu 60%, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) nắm 40%. Ngày 21/06, UBND tỉnh Quảng Nam đã nhận được văn bản của Công ty Heineken Việt Nam về việc tạm dừng hoạt động của dự án nhà máy bia Heineken Việt Nam - chi nhánh Quảng Nam. Được biết, đây là nhà máy có quy mô nhỏ nhất trong số 6 nhà máy của Heineken Việt Nam. Việc dừng nhà máy này đã được Công ty dự kiến từ năm 2022 trong bối cảnh hậu COVID-19 ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế, sức mua của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng dẫn đến những thay đổi trong hành vi và hình thành thói quen mới của người tiêu dùng. Ngoài ra, con số 500 triệu lít/năm công suất tăng thêm cho nhà máy ở Vũng Tàu gấp đôi công suất của nhà máy tại Quảng Nam vừa đóng cửa. |
Doanh nghiệp nào hưởng lợi?
Đối với việc nâng công suất bia thêm 500 triệu lít/năm, theo báo cáo của Heineken, các hạng mục công trình phụ trợ tại dự án sẽ có nhà thu hồi CO2 lắp đặt thêm 1 hệ thống thu hồi CO2 công suất 2,000 kg/giờ nâng tổng công suất hệ thống thu hồi CO2 lên 4,700 kg/giờ, và đã đủ công suất đáp ứng.
Đối với lò hơi, chủ dự án tiếp tục sử dụng hơi được cung cấp bởi CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (HNX: DDG) thông qua hợp đồng mua bán hơi đã ký vào tháng 07/2018 cho quá trình sản xuất, do đó Heineken sẽ không lắp đặt thêm công trình nào về lò hơi. Hệ thống cung cấp hơi – nhiệt của DDG được đầu tư, lắp đặt trong khu đất thuê của KCN Mỹ Xuân A và đã được Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Quyết định phê duyệt ĐTM vào năm 2019 cho dự án nhà máy sản xuất hơi và sấy hèm. Được biết, tại nhà máy sấy hèm, DDG có hệ thống thu hồi hóa lỏng khí CO2 từ khói thải lò hơi đốt biomas, công suất 80 tấn/ngày.
Về nguồn điện, Heineken Việt Nam – Vũng Tàu tiếp tục sử dụng nguồn điện cấp từ KCN Mỹ Xuân A để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nhà máy đã trang bị 4 máy phát điện 2000KVA tại khu 2 để phục vụ hoạt động sản xuất của nhà máy khi có sự cố về điện. Đồng thời nhà máy cũng sử dụng nguồn điện tạo ra từ nhiên liệu sinh khối do DDG cung cấp. Với việc công suất tăng thêm của nhà máy bia, ước tính doanh thu của DDG có thể tăng lên gấp rưỡi
Đối với nguồn nước, Công ty tiếp tục sử dụng nguồn nước cấp từ KCN Mỹ Xuân A do Chi nhánh Tổng Công ty IDICO - CTCP tại Miền Đông cung cấp.
Tiến Vũ
- NCB hoàn thành kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ, lên gần 11,800 tỷ đồng (28/06/2024)
- VDP chốt quyền tạm ứng cổ tức tỷ lệ 10% (28/06/2024)
- AAT muốn nâng sở hữu công ty con lên 95% (28/06/2024)
- Bidiphar: Kỳ vọng tăng trưởng từ nền tảng vững mạnh (28/06/2024)
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (28/06/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (28/06/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (28/06/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (28/06/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (28/06/2024)