Quá khó khăn, SDP rao bán Khoáng sản Sotraco với giá chỉ 100 đồng/cp
Ngày 05/07, lãnh đạo SDP phê duyệt thoái toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Khai thác Khoáng sản Sotraco (Sotraco) với hy vọng vớt vát “được đồng nào hay đồng đó” vì tình hình kinh doanh quá khó khăn.
SDP muốn được ưu tiên thu hồi công nợ từ phía Sotraco
Quyết định này dựa trên tờ trình gửi HĐQT của Tổng Giám đốc CTCP SDP (UPCoM: SDP) vào ngày 19/06, với mong muốn không để tình hình tài chính của Sotraco ảnh hưởng đến tình hình chung của SDP cũng như để thu hồi một phần vốn góp.
HĐQT ủy quyền cho Tổng Giám đốc Phạm Trường Tam tìm kiếm khách hàng, đối tác để chuyển nhượng được phần vốn góp này làm sao để tối đa hóa lợi ích của Công ty đồng thời đối tác nhận chuyển nhượng phải chấp thuận thực hiện ký biên bản thỏa thuận để Sotraco ưu tiên khoản thanh toán công nợ phải trả đầu tiên cho SDP khi thu hồi được công nợ.
Tính đến cuối năm 2023, vốn điều lệ đăng ký của Sotraco 50 tỷ đồng nhưng thực góp chỉ khoảng 17.7 tỷ đồng (100% của SDP), còn vốn chủ sở hữu âm 12 tỷ đồng. Giá trị khoản đầu tư của công ty mẹ khoảng 33.6 tỷ đồng.
Lãnh đạo chỉ kỳ vọng đơn giá thoái vốn không thấp hơn 100 đồng/cp do giá trị sổ sách đang âm 6,800 đồng/cp, qua đó có thể thu về số tiền không thấp hơn 177 triệu đồng.
Công ty con cũng là nguyên nhân khiến BCTC năm 2023 của SDP phải nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Theo kiểm toán A&C, do Sotraco đã dừng hoạt động từ nhiều năm trước nên không thể đưa ra ý kiến về số liệu kiểm toán được hợp nhất.
Giải trình về vấn đề này, SDP nói nguyên nhân chính khiến Sotraco ngừng hoạt động nhiều năm nay do việc khai thác mỏ đá gặp quá nhiều khó khăn như trữ lượng đất bóc phủ để thực hiện khai thác đá là quá lớn nên tốn rất nhiều chi phí, chưa kể còn vướng mắc về mặt bằng để trữ đất vì đất bóc phủ không được vận chuyển ra khỏi khu vực mỏ.
Khó khăn còn đến từ đường vận chuyển đá từ mỏ ra thị trường vì chỉ chạy được xe vận tải loại nhỏ, giá thành cao,…nên không cạnh tranh được với giá bán các đơn vị khác. Việc khai thác không hiệu quả, bị thua lỗ nên đã dừng từ năm 2014.
Từ năm 2017, Sotraco không có sản lượng và doanh thu từ các hoạt động kinh doanh khác nên Chi cục thuế quận Hà Đông đã cưỡng chế vì nợ đọng tiền cấp quyền khai thác, tiền thuê đất, tiền chậm nộp lên tới 16.2 tỷ đồng. Số tiền nợ này đến năm 2023 đã “phình” tới 30.2 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư Khai thác Khoáng sản Sotraco thành lập từ năm 2009, hiện có trụ sở tại thành phố Hà Nội. Hoạt động chính của Sotraco là khai thác mỏ đá tại mỏ đá thuộc xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Hơn 10 năm trước, SDP từng trích hơn 17.7 tỷ đồng để bù trừ toàn bộ giá trị nguồn vốn kinh doanh đang được ghi nhận trên sổ sách của công ty con. Giá trị còn lại được ghi nhận bù đắp từ nguồn dự phòng đầu tư tài chính của SDP đã trích lập năm 2012 là 16 tỷ đồng vì Sotraco không còn vốn chủ sở hữu. Lỗ lũy kế của công ty con đến cuối năm 2012 đã là 28.5 tỷ đồng.
Riêng các khoản công nợ phải thu, phải trả khách hàng liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của trạm nghiền đá Phú Mãn thời điểm này được lãnh đạo SDP yêu cầu giữ nguyên tại Sotraco để có trách nhiệm thu hồi và giải quyết. Công nợ mà SDP phải thu công ty con đến cuối quý 1/2024 khoảng 35 tỷ đồng.
Khó chồng khó
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng đề cập một số khoản phải thu và công nợ phải trả của công ty mẹ SDP chưa được đối chiếu, xác nhận với các đối tượng liên quan.
Theo Công ty, các khoản công nợ này tỷ lệ ký đối chiếu, xác nhận còn thấp là do hầu hết đối tác gặp khó khăn trong vài năm trở lại đây, thậm chí tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chờ giải thế hoặc đã phá sản,…nên khách hàng không ký đối chiếu hoặc kéo dài việc ký đối chiếu, xác nhận nợ và chây ỳ trong việc thanh toán.
SDP thừa nhận bản thân đang gặp nhiều khó khăn từ các dự án đã thi công dẫn tới tình trạng khó khăn trong sản xuất, khiến kết quả sản xuất kinh doanh vài năm trở lại đều thua lỗ. Công ty khó tiếp cận công việc mới vì bị suy giảm năng lực tài chính, khó khăn trong thu hồi vốn, trong quan hệ với tổ chức tín dụng,…
Một số khách hàng nắm rõ SDP đang khó khăn về tài chính nên cũng không gửi đối chiếu, xác nhận nợ phải thu tới Công ty để ký đối chiếu, xác nhận nợ và cũng không ký gửi đơn vị kiểm toán nên tỷ lệ chưa ký xác nhận công nợ phải trả còn cao.
Hiện SDP còn đang bị xếp hạng nợ nhóm 5 (mức xấu nhất) nên ngân hàng ngày càng thắt chặt việc cho vay và bảo lãnh nên muốn khai thác công việc mới mà có phát hành bảo lãnh thì phải có 100% tài sản thế chấp, ký quỹ.
Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp xây lắp còn đang thực hiện nghĩa vụ thi hành 2 bản án dân sự của Công ty thép Phú Thắng và Công ty Eurowindow tại Chi cục thi hành án Hà Đông với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng nên rất rủi ro trong việc quản lý dòng tiền và tài sản.
SDP còn thẳng thắn rằng với công nợ hiện tại thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn đối mặt với nhiều vụ kiện như vậy. Đơn cử như Công ty xây dựng Minh Đức đã có bản án sơ thẩm, Công ty Colavi đã gửi hồ sơ khởi kiện ra tòa án.
Tổng tài sản đến cuối năm 2023 của SDP khoảng 232 tỷ đồng, riêng phải thu từ khách hàng 225 tỷ đồng; trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 60 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 57 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến nay 203 tỷ đồng. Phía kiểm toán cũng e ngại khả năng hoạt động liên tục khi mà nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn.
Diễn biến tình hình tài chính của SDP giai đoạn 10 năm | ||
Tử Kính
- Bidiphar: Kỳ vọng tăng trưởng từ nền tảng vững mạnh (06/07/2024)
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (06/07/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (06/07/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (06/07/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (06/07/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (06/07/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (06/07/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (06/07/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (06/07/2024)