Thế giới ngày càng rời xa các chính sách thương mại tự do
Ngày càng có nhiều nước ủng hộ các biện pháp tăng cường tính độc lập và an ninh chuỗi cung ứng của họ, một xu hướng mà các nhà kinh tế cảnh báo sẽ hạn chế thương mại tự do và kìm hãm tăng trưởng toàn cầu.
EU đang triển khai Kế hoạch công nghiệp Thỏa thuận xanh nhằm bảo đảm khối này không thất thế trong cuộc đua công nghệ xanh và có thể cạnh tranh với các chương trình trợ cấp khổng lồ của Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực này. Ảnh: EFE-EPA |
Làn sóng chính sách công nghiệp
Trong cuộc họp ở Paris vào tuần trước, các bộ trưởng kinh tế và tài chính của Pháp, Đức và Ý cam kết phối hợp chính sách về công nghệ xanh và kỹ thuật số trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU). Điều này với mục đích chống lại những nỗ lực đang gia tăng của Washington và Bắc Kinh nhằm bảo hộ các doanh nghiệp trong nước.
Ba nước châu Âu này đang gia nhập làn sóng trên toàn cầu về chính sách công nghiệp, thuật ngữ chung ám chỉ đến các biện pháp như trợ cấp có mục tiêu, ưu đãi thuế, thắt chặt quản lý và hạn chế thương mại nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa.
Theo một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hôm 12-4, các nước trên thế giới triển khai 2.500 chính sách can thiệp công nghiệp vào năm ngoái. Con số này cao gần 3 lần so với năm 2019. Điều đáng chú ý là hầu hết các chính sách này được áp đặt bởi các nền kinh tế giàu và tiên tiến nhất. Một số nhà lãnh đạo quốc tế và nhà kinh tế lo ngại, những biện pháp can thiệp kinh tế như vậy có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới.
Tại hội nghị mùa xuân thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) khại mạc ở Washington hôm 17-4, đây là chủ đề tranh luận gay gắt.
“Có nhiều cách khác nhau để tự bắn vào chân mình. Đây là một cách để làm điều đó”, M. Ayhan Kose, phó kinh tế trưởng của WB nói về xu hướng các nước giàu theo đuổi chính sách công nghiệp.
Và trong một bài phát biểu hồi tuần trước, Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc của IMF cảnh báo, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, cơ sở áp đặt chính sách công nghiệp của các chính phủ là rất yếu.
Liệu các chính phủ có nên nỗ lực kiểm soát nền kinh tế hay không và kiểm soát bằng cách nào là vấn đề tranh luận gay gắt kể từ thời kỳ Cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, làn sóng chính sách công nghiệp hiện nay hoàn toàn tương phản với tư tưởng thị trường mở mà nhiều nước theo đuổi trong những thập niên vừa qua.
Niềm tin vào tính ưu việt của các chính sách thị trường tự do lung lay trong những năm gần đây do một loạt biến động toàn cầu gồm đại dịch Covid-19, khủng hoảng chuỗi cung ứng, lạm phát và lãi suất tăng cao, xung đột Nga-Ukraine hay căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tại nhiều nước, các vấn đề như an ninh và khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng cũng như năng lực tự cung ứng được đẩy lên nằm hàng đầu trong danh sách các mục tiêu chính sách kinh tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất bán dẫn và công nghệ sạch ở Mỹ bằng các chương trình trợ cấp quy mô lớn. Ảnh: Ảnh: Getty
|
Mỹ, châu Âu sao chép “lối chơi” của Bắc Kinh
Sau nhiều năm phàn nàn về các khoản trợ cấp của Trung Quốc dành cho các ngành công nghiệp thuộc khu vực tư nhân và nhà nước, Mỹ và châu Âu đang sao chép “lối chơi” của Bắc Kinh, thực hiện các chính sách công nghiệp trị giá hàng tỉ đô la tập trung vào công nghệ quan trọng và biến đổi khí hậu.
Năm 2022, Mỹ đã thông qua 2 dự luật với chương trình trợ cấp khổng lồ để củng cố ngành bán dẫn và lĩnh vực năng lượng tái tạo trong nước. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Kế hoạch công nghiệp Thỏa thuận xanh (Green Deal Industrial Plan) vào năm ngoái để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực bằng cách tăng tốc đầu tư và tài trợ cho sản xuất công nghệ sạch ở châu Âu. Ngay sau đó, Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật K-Chips để hỗ trợ hoạt động sản xuất bán dẫn của nước này.
“Một vài năm trước, khi tôi mới bắt đầu đảm nhận cương vị Bộ trưởng Tài chính, tôi không nghe ai nói đến các cụm từ như ‘chính sách kinh tế châu Âu’ hay ‘chính sách công nghiệp châu Âu’”, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire nói vào tuần trước sau cuộc họp với những người đồng cấp và Ý và Đức.
Những đánh giá tích cực về cách tiếp cận này tăng lên trong những năm gần đây. Joseph E. Stiglitz, giáo sư của Đại học Columbia, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 gọi chính sách công nghiệp là điều “không cần bàn cãi”.
Nhưng nhiều nhà kinh tế như M. Ayhan Kose của WB vẫn hoài nghi và cho rằng hầu hết các chính sách công nghiệp rốt cục sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng chung.
IMF đã soạn thảo các hướng dẫn mới về thời điểm và cách thức đúng đắn để thực hiện các chính sách công nghiệp.
Theo IMF, nếu được thực hiện đúng cho mục đích giải quyết một thất bại nghiêm trọng của thị trường, chẳng hạn như những mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra, chính sách công nghiệp sẽ tạo ra tác động tích cực.
Era Dabla-Norris, Phó Giám đốc bộ phận phụ trách các vấn đề tài khóa của IMF cho biết, điểm nổi bật của các chính sách công nghiệp mới trỗi dậy là dựa vào các khoản trợ cấp tốn kém, thường “kết hợp với các loại biện pháp phân biệt đối xử khác đối với các công ty nước ngoài”. Bà cảnh báo, khi các biện pháp bảo hộ bóp méo dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu, “nền kinh tế toàn cầu sẽ thua thiệt”.
Bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa
Các chính phủ can thiệp vào thị trường vì đủ loại lý do: ngăn ngừa tình trạng mất việc làm, thúc đẩy đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể hoặc cản trở một đối thủ địa chính trị.
Theo một nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác của IMF, trong số 2.500 biện pháp can thiệp thị trường được các nước áp dụng năm ngoái, mục đích bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tiếp theo là chống biến đổi khí hậu hoặc củng cố chuỗi cung ứng. Các biện pháp dựa vào lý do an ninh quốc gia chiếm tỷ trọng nhỏ nhất.
Dữ liệu cũng cho thấy, khi một nước áp dụng trợ cấp cho một sản phẩm, có 75% khả năng trong vòng một năm thì một nước khác sẽ triển khai trợ cấp tương tự cho cùng một sản phẩm.
Khi mối lo ngại về khả năng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc gia tăng, EU dường như quyết tâm tiến tới các biện pháp can thiệp kinh tế mang tính phối hợp hơn.
Pháp đã đề xuất các biện pháp quyết liệt nhất, bao gồm dành một nửa chi tiêu mua sắm công cho các dịch vụ và sản phẩm do châu Âu sản xuất. Trong khi đó, Đức tỏ ra hoài nghi hơn về cách tiếp cận mua hàng hóa châu Âu này.
Vào tháng 2, Nghị viện châu Âu nhất trí thỏa thuận tạm thời về quy định thiết lập các biện pháp củng cố hệ sinh thái sản xuất sản phẩm công nghệ Net-Zero của châu Âu hay còn gọi là Đạo luật công nghiệp Net-Zero. Đến tháng 3, Hội đồng châu Âu thông qua quy định thiết lập một khuôn khổ nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng an toàn và bền vững, hay còn được gọi là Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA). Các thành viên EU cũng lần đầu tiên đề xuất một chiến lược công nghiệp quốc phòng chung.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, giờ đây chính sách công nghiệp không còn là đề tài cấm kỵ nữa. Châu Âu cần thể hiện quyết tâm bảo vệ ngành công nghiệp của khu vực.
Khánh Lan (Theo New York Times)
- Nasdaq Composite lần đầy vượt ngưỡng 20,000 điểm (18/04/2024)
- Trụ sở của Adidas bị khám xét (18/04/2024)
- Dow Jones giảm 4 phiên liên tiếp (18/04/2024)
- Chuyên gia cảnh báo chứng khoán Mỹ có thể giảm 35% trong nửa đầu năm 2025 (18/04/2024)
- Phố Wall nhuốm sắc đỏ vì cổ phiếu công nghệ (18/04/2024)
- "Vua trái phiếu" cảnh báo về cơn sốt đầu cơ trên Phố Wall (18/04/2024)
- S&P 500 tăng 3 tuần liên tiếp (18/04/2024)
- Cơn sốt Bitcoin và chính sách tiền tệ dễ dãi (18/04/2024)
- Phố Wall giảm điểm chờ báo cáo việc làm của Mỹ (18/04/2024)