Trái chủ Trung Nam thống nhất chuyển nhượng tài sản bảo đảm của gói trái phiếu 2.1 ngàn tỷ
Theo nghị quyết trái chủ ngày 05/07 của CTCP Điện Mặt trời Trung Nam – thành viên thuộc Trungnam Group (CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam), các trái chủ đã thông qua nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản đảm bảo cho gói trái phiếu gồm 12 lô, tổng huy động 2.1 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, 12 lô trái phiếu trong gói có mã: TBSCH1926002, TBSCH1928012, TBSCH1926005, TBSCH1928006, TBSCH1928007, TBSCH1928008, TBSCH1928009, TBSCH1928010, TBSCH1926003, TBSCH1926004, TBSCH1928011, TSP119001. Tổng cộng 12 lô trái phiếu có giá trị huy động 2.1 ngàn tỷ đồng, thời gian đáo hạn từ 2026 - 2028.
Theo nghị quyết, trái chủ của 12 lô trái phiếu đã thông qua nhiều nội dung về chuyển nhượng tài sản đảm bảo liên quan. Đầu tiên là thống nhất cho CTCP Năng lượng Tái tạo Trung Nam (công ty con của Trungnam Group, cũng là bên đảm bảo của gói trái phiếu) được chuyển nhượng toàn bộ 19.9 triệu cổ phần Điện Mặt trời Trung Nam. Bên nhận cổ phần là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Năng lượng Tái tạo Á Châu (18 triệu cp) và ông Nguyễn Thanh Bình (1.9 triệu cp).
Nhà máy điện Mặt trời Trung Nam - Thuận Nam
|
Thứ 2, ông Vũ Nhật Thành cùng bà Đào Thị Minh Huệ – cũng là một bên bảo đảm của gói trái phiếu – được chuyển nhượng tương ứng 10 ngàn cp và 90 ngàn cp Điện Mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa.
Qua đó, Năng lượng Tái tạo Á Châu, ông Bình và ông Khoa trở thành bên bảo đảm cho gói trái phiếu, sử dụng lần lượt 18 triệu cp, 1.9 triệu cp, và 100 ngàn cp Điện Mặt trời Trung Nam làm tài sản bảo đảm. Cả 3 sẽ ký hợp đồng thế chấp với tổ chức quản lý.
Đáng chú ý, trong số các bên bảo đảm mới, ông Đăng Khoa từng là đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Năng Lượng Á Châu, sau đó chuyển giao cho ông Phạm Đình Thắng vào năm 2020. Ông Khoa hiện cũng là đại diện pháp luật Điện Mặt trời Trung Nam.
Năng lượng Tái tạo Á Châu thành lập vào đầu năm 2019, với tên gọi ban đầu là CTCP Kỹ thuật Điện Công nghệ cao Á Châu; hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất dây, cáp điện và điện tử khác, sau đó chuyển thành sản xuất thiết bị điện khác. Vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng, nâng lên 128 tỷ đồng vào năm 2020. Năm 2021, vai trò đại diện pháp luật được chuyển cho ông Trịnh Thanh Giảng – Chủ tịch HĐQT.
Tháng 06/2023, Doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Năng lượng Tái tạo Á Châu. Vai trò đại diện pháp luật chuyển sang cho bà Trần Thị Ngoan. Vốn điều lệ nâng từ 128 tỷ đồng lên 1,000 tỷ đồng. Tháng 06/2024 vừa qua, vốn tăng lên gần 1.47 ngàn tỷ đồng.
Bà Ngoan cũng từng là bên bảo đảm gói trái phiếu của Trung Nam. Cuối tháng 08/2023, hội nghị trái chủ đã đồng ý cho Năng lượng Tái tạo Trung Nam được chuyển nhượng toàn bộ tài sản đảm bảo là 31 triệu cổ phần CTCP Điện Mặt trời Trung Nam cho bà Ngoan, và đồng ý cho bà Ngoan sử dụng số cổ phần này để góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Năng lượng Tái tạo Á Châu, với điều kiện bà Ngoan phải cam kết thế chấp toàn bộ số cổ phần này sau khi nhận chuyển nhượng.
Châu An
- Bidiphar: Kỳ vọng tăng trưởng từ nền tảng vững mạnh (06/07/2024)
- TNH chốt ngày phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 15% (06/07/2024)
- Tân Chủ tịch HĐQT BIM Group là ai? (06/07/2024)
- Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con (06/07/2024)
- Lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bãi Sau Vũng Tàu ồ ạt từ nhiệm (06/07/2024)
- Xung đột lợi ích leo thang, nhóm cổ đông lớn cho rằng Eximbank đang vi phạm tiêu chí trong chuẩn mực Basel (06/07/2024)
- Lời sau cùng tại tòa của bà Trương Mỹ Lan (06/07/2024)
- Tồn kho của doanh nghiệp bất động sản quý 3 lập lỷ lục mới (06/07/2024)
- Tập đoàn CNT cơ cấu công ty con, mở đường cho dự án bất động sản mới? (06/07/2024)