Câu hỏi lớn đặt ra là sau tái cấu trúc, DN bảo hiểm sẽ làm gì để phát triển.
Lặng lẽ đổi chủ
Năm qua, Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) là một trong số ít DN bảo hiểm kinh DN vụ bảo hiểm có lãi. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư thất bại khiến DN này phải nhanh chóng ra quyết định tái cấu trúc. Cuối năm 2012, sau khi tính toán kỹ lưỡng, VASS được Bộ Tài chính cho phép thực hiện cơ chế giảm vốn xóa lỗ từ 400 tỷ đồng xuống còn 40 tỷ đồng (do lỗ gần hết vốn). Bộ Tài chính cũng chấp thuận cho nhà đầu tư góp thêm 260 tỷ đồng vào Viễn Đông nhằm “lấp đầy” vốn điều lệ theo quy định (DN bảo hiểm phi nhân thọ phải có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng). Nhà đầu tư tham gia vào thương vụ trên là Bamboo Capital, một cái tên khá xa lạ trên thị trường tài chính. Truy cập website của công ty này thấy nội dung khá sơ sài, không có thông tin về các hoạt động của DN. Nhưng với cổ đông của VASS, điều đó không quá quan trọng bằng việc đã có dòng tiền bơm vào cứu Công ty. Ngay sau khi có nghị quyết của Hội đồng quản trị, Bamboo Capital đã đặt cọc khoản tiền 52 tỷ đồng để tham gia tái cấu trúc VASS với tư cách là cổ đông chính.
Được thành lập từ năm 2006, CTCP Bảo hiểm Bảo Tín, có số vốn điều lệ ban đầu 80 tỷ đồng. Đến năm 2010, Công ty tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng với sự đóng góp của các cổ đông nước ngoài như CTCP CXT (công ty con của một CTCK tại Đài Loan), CTCK Phú Hưng, một số nhà đầu tư đã đầu tư Khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng… Cuối năm 2011, được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, Bảo hiểm Bảo Tín đã đổi tên thành CTCP Bảo hiểm Phú Hưng, hoàn tất một quá trình đổi chủ kéo dài 4 năm.
Cũng trong giai đoạn cuối năm 2011, Bảo hiểm Thái Sơn đã đổi tên thành Bảo hiểm Xuân Thành. Mặc dù chỉ công bố thông tin là thay đổi thương hiệu, nhưng ai cũng hiểu đây là cuộc đổi chủ khi cổ đông mới tham gia vào Bảo hiểm Xuân Thành là một tập đoàn xây dựng có tiếng.
Tại CTCP Bảo hiểm SHB Vinacomin (SVIC) cũng vừa thay đổi cổ đông lớn. Mặc dù đánh giá đây là một trong những khoản đầu tư hiệu quả nhưng trước áp lực thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cuối năm 2012, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thoái toàn bộ 19,8% vốn điều lệ mà đơn vị này sở hữu tại SVIC. Theo đó, CTCP Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ trở thành cổ đông lớn sau khi mua 2,97 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 9,9% vốn điều lệ Công ty. Số cổ phần còn lại do một số nhà đầu tư cá nhân sở hữu.
Hướng đi nào hậu tái cấu trúc?
Tái cấu trúc tài chính mà cụ thể là kêu gọi các nhà đầu tư mới tham gia vào DN là bước đi đầu tiên trong quá trình hồi phục DN bảo hiểm. Tái cấu trúc có thành công hay không lại phụ thuộc vào việc DN mở rộng thị phần và quản trị rủi ro như thế nào. Đây quả thực là điều không dễ dàng, bởi cuộc chơi hiện tại đang được định hình bởi các ông lớn.
Nhìn vào thị phần của các DN bảo hiểm phi nhân thọ năm 2012 có thể thấy, chiếc bánh phần lớn được chia cho các “đại gia”: Bảo Việt, PVI, Bảo Minh, PJICO, PTI. 5 DN này chiếm gần 64% thị phần nhờ có cổ đông rất mạnh với nhiều lợi thế như: Bảo Việt (Bộ Tài chính, SCIC); PVI (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); PJICO (Tổng công ty Xăng dầu), Bảo Minh (Tổng công ty Hàng không, Tổng công ty Lương thực miền Nam...), PTI (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam). Ngoài ra, kinh nghiệm hoạt động lâu năm là vũ khí cạnh tranh lợi hại của các DN này. Mặt khác, khi đã có doanh thu phí ổn định từ các khách hàng truyền thống, khách hàng đồng thời là cổ đông, các DN bảo hiểm lớn không quan tâm đến các nghiệp vụ bảo hiểm quá rủi ro và dành “miếng xương” này cho các DN bảo hiểm nhỏ. Họ tập trung đầu tư công nghệ để quản lý chặt chẽ quy trình bồi thường, chống gian lận. Các DN bảo hiểm quy mô nhỏ đã khó lại càng khó khăn hơn.
Ông Đỗ Quang Hiển, người mới ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT SVIC cho biết, DN này sẽ tìm lối đi riêng trong hoàn cảnh mới. “Trước mắt, SVIC sẽ hợp tác với Ngân hàng SHB triển khai sản phẩm liên kết bảo hiểm - ngân hàng (bancassurance). Bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm truyền thống hiện có trên thị trường, SVIC tập trung nghiên cứu các sản phẩm bảo hiểm trọn gói phục vụ các DN và các sản phẩm bảo hiểm phục vụ khách hàng cá nhân giao dịch tại ngân hàng… Với nền tảng hàng nghìn khách hàng DN và cá nhân, 5.000 CBNV của SHB cùng mạng lưới 300 đơn vị kinh doanh SHB trên toàn quốc, triển khai bancassurance với SHB sẽ mang lại lợi thế to lớn cho SVIC”, ông Hiển cho biết.
Nói về việc thoái vốn của TKV - một cổ đông rất quan trọng đối với hoạt động của SVIC, ông Hiển cho rằng, mặc dù Tập đoàn TKV thoái vốn nhưng một số công ty liên kết, CBNV ngành than - khoáng sản vẫn là cổ đông của SVIC. Mặt khác, với những sản phẩm, dịch vụ được thiết kế phù hợp với nhu cầu đặc thù hoạt động của ngành khai thác than, khoáng sản nên nền tảng khách hàng của SVIC vẫn đảm bảo ổn định.
Với thị phần môi giới 1,5%, xếp hạng 14/29 DN bảo hiểm năm 2011, mục tiêu lọt vào Top 10 của SVIC không phải quá khó khăn bởi khoảng cách giữa các DN (ngoại trừ Top 5) không quá lớn. Mục tiêu này có vẻ khiêm tốn đối với một người có phong cách hay “làm lớn” như ông Đỗ Quang Hiển. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu có vẻ phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Sau ĐHCĐ công bố nhà đầu tư mới, VASS cũng xác định sẽ hoàn thiện các sản phẩm bảo hiểm: xây dựng lắp đặt, cháy nổ, hàng hóa, tàu thủy, tập trung và phát triển cung cấp các dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trọn gói dành cho các hộ gia đình, cho các DN vừa và nhỏ, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu cung cấp các dịch vụ cá nhân về bảo hiểm… Một điểm đáng chú ý là VASS không chạy đua cạnh tranh bằng việc giảm phí.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, trong bối cảnh kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục, thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu không có sự khác biệt thực sự về sản phẩm và dịch vụ, thật khó cho các DN quy mô nhỏ cạnh tranh. Mặt khác, hoạt động đầu tư cần được kiểm soát chặt chẽ, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của DN bảo hiểm. Thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các cuộc đổi chủ. Tuy nhiên, cho dù như thế nào, các DN bảo hiểm hẳn không quên hai bài học “đau đớn” trong quá khứ nhưng vẫn rất thời sự: đầu tư dễ dãi và hạ phí tràn lan.
Tìm hướng đi mới
Khó khăn của nền kinh tế, tổng mức đầu tư toàn xã hội sụt giảm đã tác động mạnh mẽ đến các DN bảo hiểm trong năm 2012. Các DN bảo hiểm đã tìm đến đối tượng khách hàng “phi tổ chức” khi chú trọng vào bảo hiểm sức khỏe và tính mạng con người, bảo hiểm cá nhân, hộ gia đình. Trên thực tế 600 tỷ đồng doanh thu phí từ bảo hiểm sức khỏe, 200 tỷ đồng bảo hiểm nông nghiệp, 400 tỷ đồng từ bảo hiểm vệ tinh góp phần vào tăng trưởng của ngành bảo hiểm phi nhân thọ năm 2012. Các nghiệp vụ truyền thống khác (bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm công trình, xây lắp, bảo hiểm vận tải hàng hóa…) không tăng trưởng thậm chí sụt giảm.
Nguồn: Hiệp hội Bảo hiểm
Nguyên Thành - ĐTCK
- Sôi động M&A: BAF thâu tóm thêm công ty chăn nuôi thứ 7 trong gần 1 tháng (26/01/2013)
- Lộ diện loạt nhân sự mới tại Tập đoàn 911 sau biến cố (26/01/2013)
- Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử, tiêu dùng từ Trung Quốc (26/01/2013)
- HSV muốn thâu tóm một công ty vận tải với giá chưa đến 80% vốn điều lệ (26/01/2013)
- VKS giữ quan điểm đề nghị tử hình bà Trương Mỹ Lan (26/01/2013)
- “Của để dành” doanh nghiệp bất động sản phình to trong 9 tháng đầu năm (26/01/2013)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 25/11: Tâm lý phân vân còn hiện hữu (26/01/2013)
- Lộc Trời chốt 20/12 họp bất thường về nhân sự (26/01/2013)
- Cựu Chủ tịch Xuyên Việt Oil bị đề nghị 30 năm tù, bồi thường hơn 1.400 tỷ đồng (26/01/2013)