Khi nào EVN sẽ thoái vốn tại PGV?
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 tổ chức sáng 14/06/2022, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có chia sẻ về lộ trình giảm, thoái vốn tại Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO 3, HOSE: PGV) trong giai đoạn 2022-2025.
Vị đại diện cho biết EVN hiện đang nắm giữ hơn 99% cổ phần tại PGV. Theo quy định hiện hành, một doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ cần phải quyết toán xong phần vốn Nhà nước trước khi tiến hành quá trình giảm vốn. Thêm vào đó không giống với các nhà đầu tư thông thường, doanh nghiệp Nhà nước như EVN muốn giảm vốn phải đăng ký kế hoạch với Thủ tướng Chính phủ.
Theo lời vị đại diện, EVN đã hoàn thành đăng ký thoái vốn trong giai đoạn 2022-2025. Tập đoàn kỳ vọng rằng quá trình quyết toán sẽ được hoàn thành trong năm 2022, và nếu thành công, quá trình thoái vốn sẽ diễn ra vào năm 2023.
Tuy nhiên, EVN dự kiến đến năm 2025 sẽ vẫn giữ cổ phần chi phối - cụ thể là 51%.
EVN dự tính vẫn nắm cổ phần chi phối tại PGV vào năm 2025.
|
Trước đó, PGV đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình CTCP sau khi thực hiện IPO và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 21/03/2018. Đại diện EVN cho biết, tập đoàn kỳ vọng rằng sẽ tìm kiếm được các nhà đầu tư lớn để cùng tham quản trị PGV.
Về kế hoạch kinh doanh, PGV đặt mục tiêu tăng doanh thu 22% so với thực hiện năm trước, lên 45 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lãi sau thuế công ty mẹ chỉ là 1,827 tỷ đồng, giảm 40% so với thực tế thực hiện năm qua.
Giai đoạn 2022 - 2025, PGV sẽ tiếp tục tham gia góp vốn và đầu tư vào các dự án nguồn điện mới - bao gồm các loại hình nhà máy điện (NMĐ): Tuabin khí LNG, thủy điện, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… với tổng quy mô công suất 2,613MW (trong đó điện gió chiếm 750MW, điện khí 1,500MW, còn lại là các nhà máy thủy điện nhỏ). Công ty cũng nghiên cứu thị trường để mua bổ sung nguồn khí LNG cho NMĐ khí Phú Mỹ và triển khai các gói thầu bổ sung than nhiên liệu cho NMĐ than Vĩnh Tân 2.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc PGV – ông Lê Văn Danh cũng chia sẻ về việc chưa triển khai kế hoạch thoái vốn tại CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) - chiếm 30.5% và CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) do đánh giá khả năng hoạt động của cả hai doanh nghiệp đều đã có sự tiến triển, mang lại nguồn thu tốt cho Công ty.
Hồng Đức
- Thoái sạch vốn Nhà nước tại Khoáng sản Bình Định, giá khởi điểm 22,300 đồng/cp (14/06/2022)
- Chân dung doanh nghiệp nhựa chuẩn bị “chào sân” UPCoM (14/06/2022)
- Nhiều vi phạm trong cổ phần hoá Tổng công ty Tín Nghĩa ở Đồng Nai (14/06/2022)
- “Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE (14/06/2022)
- Ông Lê Hồng Minh: VNZ đã sẵn sàng, chỉ chờ “gió đông” để IPO tại Mỹ (14/06/2022)
- 19 doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hóa vẫn chưa cán đích mục tiêu (14/06/2022)
- Kiểm toán đề nghị kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang (14/06/2022)
- SCIC công bố danh sách bán vốn đợt 2 năm 2024, góp mặt FPT, NTP (14/06/2022)
- Thoái vốn tại VIMC, MobiFone, VRG: Có thể thu về 50.000 tỷ đồng (14/06/2022)