Cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Vẫn nghẽn
Trong số các điểm nghẽn và lực cản khiến quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2021 bị chậm và trễ thì đất đai và định giá doanh nghiệp được coi là lực cản lớn nhất...
Trong số các điểm nghẽn và lực cản này, đất đai và định giá doanh nghiệp được coi là lực cản lớn nhất của quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2021. |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, tổ chức ngày 24/3/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước hiện là 4 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp có quy mô tài sản khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định “doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Doanh nghiệp nhà nước đang nắm trong tay một nguồn vốn khổng lồ của Nhà nước (và cũng là của nhân dân) và giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.
Vấn đề là doanh nghiệp nhà nước hoạt động như thế nào để phát huy hiệu quả từ nguồn vốn khổng lồ này cũng như vai trò của nó để đóng góp tương xứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
Thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn và tài sản mà những doanh nghiệp này được giao quản lý, kể cả nguồn lực đất đai.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước, sau cổ phần hóa, đã hoạt động rất hiệu quả, tăng mạnh sức cạnh tranh trên thị trường và ngày càng phát triển, điển hình như Vinamilk và Vietnam Airlines.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng mà Đảng và Nhà nước ta đề ra từ giữa những năm 1990 nhằm cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước mà mục tiêu cuối cùng là để các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn trong cơ chế thị trường.
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư trở lại cho phát triển đất nước mà còn giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, phát huy giá trị thương hiệu doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả ngành nghề kinh doanh, tạo điều kiện phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn.
Tuy chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn không phải áp dụng cho tất cả doanh nghiệp nhà nước mà chỉ thực hiện đối với các doanh nghiệp theo danh mục được Chính phủ phê duyệt, nhưng tiến độ rất chậm, chậm đến mức có người mô tả là “rùa bò” hoặc “hụt hơi”.
Chậm vì vướng nhiều điểm nghẽn và lực cản.
Trong số các điểm nghẽn và lực cản này, đất đai và định giá doanh nghiệp được coi là lực cản lớn nhất của quá trình triển khai thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2021.
Đa phần các doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa theo danh mục của Chính phủ là những doanh nghiệp lớn, có quy mô vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng và được giao quyền sử dụng nhiều đất đai.
Đất đai mà doanh nghiệp nhà nước được giao quyền sử dụng sẽ được xử lý như thế nào khi doanh nghiệp này được cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước? Câu hỏi này, cho đến nay, vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng, cả về mặt pháp lý cũng như thực tiễn.
Thực tế cho thấy đã có không ít trường hợp đất mà Nhà nước giao cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh đã bị thay đổi mục đích sử dụng sau cổ phần hóa, thậm chí bị “phù phép” để đất công biến thành đất tư, khiến nhiều cán bộ có liên quan bị kỷ luật, thậm chí phải ngồi tù.
Khi thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn, bắt buộc phải xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất mà doanh nghiệp đó được giao (gọi tắt là giá trị đất). Giá trị đất sẽ được xác định như thế nào, theo giá do chính quyền địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) quy định theo từng khu vực và từng thời điểm hay theo giá thị trường? Đó cũng là một điểm nghẽn.
Thêm vào đó, việc lên phương án sử dụng đất doanh nghiệp được giao sau cổ phần hóa lại bắt buộc phải tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, mà không ít trường hợp những diện tích đất chưa được sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích đã bị thu hồi. Đây cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước sợ “cổ phần hóa”.
Đã có ý kiến đề xuất tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp để tháo gỡ những điểm nghẽn nói trên. Đề xuất này cũng không dễ thực hiện, khi phải tính toán rất kỹ để bảo đảm tính đúng, tính đủ, nhằm tránh thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa và thực hiện đúng quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.
Tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa và doanh nghiệp sau cổ phần hóa buộc phải thuê đất của Nhà nước cho mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nếu được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, cũng là một giải pháp có thể nghiên cứu.
Quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đã quá kéo dài và xem ra có thể còn lâu mới tới đích, vì các cơ quan chức năng vẫn đang chờ hội tụ đủ ý kiến của các cơ quan nhiều chiều và chiếu theo quy định của pháp luật và định hướng của Đảng để đề xuất ban hành chính sách phù hợp, nhằm tháo gỡ khó khăn.
Nguyễn Quốc Uy
- Thoái sạch vốn Nhà nước tại Khoáng sản Bình Định, giá khởi điểm 22,300 đồng/cp (06/06/2022)
- Chân dung doanh nghiệp nhựa chuẩn bị “chào sân” UPCoM (06/06/2022)
- Nhiều vi phạm trong cổ phần hoá Tổng công ty Tín Nghĩa ở Đồng Nai (06/06/2022)
- “Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE (06/06/2022)
- Ông Lê Hồng Minh: VNZ đã sẵn sàng, chỉ chờ “gió đông” để IPO tại Mỹ (06/06/2022)
- 19 doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hóa vẫn chưa cán đích mục tiêu (06/06/2022)
- Kiểm toán đề nghị kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang (06/06/2022)
- SCIC công bố danh sách bán vốn đợt 2 năm 2024, góp mặt FPT, NTP (06/06/2022)
- Thoái vốn tại VIMC, MobiFone, VRG: Có thể thu về 50.000 tỷ đồng (06/06/2022)