Thoái vốn tại VIMC, MobiFone, VRG: Có thể thu về 50.000 tỷ đồng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có tờ trình Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại 3 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) đến hết năm 2025. Ba doanh nghiệp sẽ được thực hiện thoái vốn là: Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC); Tổng công ty Viễn thông (MobiFone) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Theo Bộ KH&ĐT, thu từ việc thoái vốn tại 3 doanh nghiệp này là nguồn thu cần thiết trong điều kiện Quốc hội yêu cầu có 248.000 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn để phục vụ chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025.
Về kế hoạch sắp xếp lại VIMC, MobiFone và VRG, Bộ KH&ĐT cho biết, các bộ, ngành liên quan đã có góp ý, đề xuất. Đa số các ý kiến đều ủng hộ, thống nhất với đề xuất thoái vốn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lo ngại khó khăn, vướng mắc về thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, vai trò, lĩnh vực mà các doanh nghiệp nhà nước này đang nắm giữ.
Việc thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại VIMC, MobiFone, VRG dự kiến thu về 40.000 – 50.000 tỷ đồng |
Với VIMC, Bộ KH&ĐT có ý kiến thống nhất với UBQLV và đề xuất đưa vào phương án riêng trong giai đoạn 2023 - 2025, Nhà nước giữ trên 65% vốn điều lệ. Việc giảm tỷ lệ sở hữu thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ, Nhà nước không góp thêm khi tăng vốn. UBQLV phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng.
Trong trường hợp của MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ đồng thuận với phương án thoái vốn.
Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính không thể hiện quan điểm, trong khi UBQLV tiếp tục đề xuất chưa thực hiện cổ phần hóa MobiFone trong giai đoạn 2023 - 2025. Ủy ban nêu khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và khó tìm nhà đầu tư chiến lược.
Trong khi đó, Bộ KH&ĐT chỉ ra, việc duy trì 100% vốn nhà nước tại MobiFone là không cần thiết, khi doanh nghiệp này chủ yếu kinh doanh thương mại, không thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng, MobiFone có hệ thống quản trị hiện đại, hiệu quả hoạt động cao, trên cơ sở đó, có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đề nghị thực hiện cổ phần hóa MobiFone. Để đảm bảo tính khả thi và linh hoạt trong triển khai thực hiện, Bộ KH&ĐT dự kiến bổ sung vào dự thảo quyết định quy định về việc kéo dài thời gian thực hiện cho doanh nghiệp trong trường hợp không hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp trong năm 2025.
Với VRG, Bộ KH&ĐT thống nhất với UBQLV về việc thoái vốn có thể phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, cần thiết phải triển khai, thực hiện ngay trong giai đoạn này để có bước chuẩn bị tốt cho giai đoạn 2026 - 2040.
Tương tự MobiFone, VRG là doanh nghiệp quy mô lớn, được giao quản lý diện tích đất lớn, theo đó, Bộ KH&ĐT dự kiến quy định tại dự thảo quyết định về việc kéo dài thời gian hoàn thành thoái vốn.
Việt Linh
- IPO kém sôi động, thoái vốn Nhà nước cũng “ế” khách năm 2024 (17/02/2024)
- SCIC miệt mài đấu giá thoái vốn chuỗi nhà thuốc Dược Khoa (17/02/2024)
- SCIC muốn bán 25% vốn TTL, giá khởi điểm gần 223 tỷ đồng (17/02/2024)
- BW Industrial úp mở phương án IPO tại Việt Nam trong tương lai (17/02/2024)
- Sơn Hòa Bình cổ phần hóa nhưng không vội trở thành công ty đại chúng (17/02/2024)
- Thanh tra Chính phủ nêu sai phạm trong cổ phần hóa tại CIENCO 4 (17/02/2024)
- Thoái sạch vốn Nhà nước tại Khoáng sản Bình Định, giá khởi điểm 22,300 đồng/cp (17/02/2024)
- Chân dung doanh nghiệp nhựa chuẩn bị “chào sân” UPCoM (17/02/2024)
- Nhiều vi phạm trong cổ phần hoá Tổng công ty Tín Nghĩa ở Đồng Nai (17/02/2024)