Dịch vụ
“Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE
Với mục tiêu chuẩn bị cho những bước đột phá mới và thực hiện cam kết đối với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nỗ lực đẩy nhanh các bước cuối cùng trong việc chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên sàn HOSE.
Ngày 21/08/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 3.1 tỷ cổ phiếu BSR lên HOSE của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, tương ứng số vốn điều lệ hiện tại hơn 31,004 tỷ đồng.
BSR là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. BSR đã tổ chức IPO thành công vào tháng 01/2018 và cổ phiếu BSR được đưa vào giao dịch tại sàn UPCoM thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội từ tháng 03/2018.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia
|
Giai đoạn từ năm 2020-2023, BSR chưa thể niêm yết cổ phiếu tại HOSE do mới đáp ứng đủ 8/9 tiêu chí (Vốn điều lệ; Được ĐHĐCĐ chấp thuận thông qua; Thời gian niêm yết trên sàn UpCom tối thiểu 2 năm; Kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất có lãi và ROE năm gần nhất trên 5%; Có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông (không phải cổ đông lớn) nắm giữ; Cam kết của cổ đông nội bộ về nắm giữ cổ phiếu; Không bị xử lý vi phạm trong thời gian 2 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký niêm yết). BSR chỉ còn 01 tiêu chí không đáp ứng đó là về các khoản nợ quá hạn, liên quan đến công ty con là Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF). Theo BCTC, BSR đã tiến hành trích lập dự phòng toàn bộ đối với các khoản công nợ nêu trên đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các rủi ro đối với tình hình tài chính của Công ty. Tại ĐHĐCĐ 2024, BSR khẳng định đang đôn đốc hoàn thiện các thủ tục để nộp đơn phá sản BSR-BF tại Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời tích cực làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện các thủ tục cuối cùng nhằm mục tiêu đưa cổ phiếu BSR niêm yết tại HOSE sớm nhất.
Dấu mốc quan trọng đối với BSR được ghi nhận khi ngày 15/08/2024, BSR đã công bố Báo cáo tài chính bán niên được soát xét. Kết luận của kiểm toán viên tại báo cáo này nêu rõ: ngày 27 tháng 5 năm 2024, Tòa án đã ban hành Quyết định số 01/2024/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với BSR-BF nên đã chấm dứt quyền kiểm soát của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn tại BSR-BF và theo đó, báo cáo tài chính của BSR-BF được chấm dứt hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Công ty từ ngày này. Điều này đồng nghĩa với việc BSR giải quyết được tiêu chí: các khoản nợ quá hạn và đủ điều kiện niêm yết trên HOSE.
Những nỗ lực trong việc chuyển từ UPCoM sang HOSE thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo BSR trong việc thực hiện cam kết đối với cổ đông. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng tính minh bạch, gia tăng thanh khoản của cổ phiếu BSR, qua đó giúp Công ty sẽ dễ dàng tiếp cận các dòng vốn trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc “chuyển nhà” cũng giúp cổ phiếu BSR trở nên hấp dẫn hơn, gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.
Với mức vốn hóa lên đến 74,700 tỷ đồng (xếp thứ 21 nếu đem so sánh với các Công ty trên HSX tại ngày 16/08/2024), khi được chấp thuận chuyển sàn sang niêm yết tại HOSE, BSR sẽ trở thành một cổ phiếu Blue-chip và kỳ vọng lọt vào rổ VN30 trong tương lai không xa. Sự xuất hiện của “bom tấn” cực kỳ chất lượng này kỳ vọng thu hút thêm dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Nguồn: Bloomberg, PSI tổng hợp
|
Theo phân tích từ CTCK Dầu khí (PSI), BSR được dự báo sẽ tăng sản lượng trong 6 tháng cuối năm để bù đắp cho lượng sản phẩm đã bị hao hụt trong thời gian bảo dưỡng tổng thể nhà máy, vì thế doanh thu nửa cuối năm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh so với 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, BSR đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 50,000 tỷ đồng nhằm cân đối nguồn vốn cho dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Phương án tăng vốn đang được báo cáo với cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, BSR cũng đang tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Công Thương và Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện đề cương Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất với mục tiêu hoàn thành đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2024. Theo đề án, NMLD Dung Quất sẽ là hạt nhân của Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất.
- IPO kém sôi động, thoái vốn Nhà nước cũng “ế” khách năm 2024 (21/08/2024)
- SCIC miệt mài đấu giá thoái vốn chuỗi nhà thuốc Dược Khoa (21/08/2024)
- SCIC muốn bán 25% vốn TTL, giá khởi điểm gần 223 tỷ đồng (21/08/2024)
- BW Industrial úp mở phương án IPO tại Việt Nam trong tương lai (21/08/2024)
- Sơn Hòa Bình cổ phần hóa nhưng không vội trở thành công ty đại chúng (21/08/2024)
- Thanh tra Chính phủ nêu sai phạm trong cổ phần hóa tại CIENCO 4 (21/08/2024)
- Thoái sạch vốn Nhà nước tại Khoáng sản Bình Định, giá khởi điểm 22,300 đồng/cp (21/08/2024)
- Chân dung doanh nghiệp nhựa chuẩn bị “chào sân” UPCoM (21/08/2024)
- Nhiều vi phạm trong cổ phần hoá Tổng công ty Tín Nghĩa ở Đồng Nai (21/08/2024)