Petrolimex bị truy thu thuế do tạm nhập - tái xuất nhưng không tái xuất hết mà chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012.
Tiền Phong ngày 16/5 dẫn lời ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, tập đoàn sẽ thực hiện nộp khoản thuế 170 tỷ đồng mà cơ quan hải quan vừa yêu cầu truy thu do tạm nhập - tái xuất nhưng không tái xuất hết mà chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012.
Tương tự trường hợp của Petrolimex, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cũng nằm trong danh sách bị truy thu thuế.
Trong đó, công ty TNHH MTV Xăng dầu Quân đội (Mipec) cũng sẽ phải nộp thêm 19,785 tỷ đồng thuế do cơ quan chức năng xác định lại thời điểm áp dụng tính thuế đối với lượng xăng dầu được doanh nghiệp tạm nhập nhưng không tái xuất mà chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012, cho các tờ khai được mở tại Cục Hải quan Hải Phòng.
Đối với Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, tổng số tiền thuế phải nộp thêm là 648 triệu đồng, cho số dầu DO được công ty tạm nhập, nhưng không tái xuất, thay vào đó là chuyển tiêu thụ nội địa.
Ngoài ra, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt cũng có khả năng phải nộp thêm trên 66 tỷ đồng và 26 tỷ đồng.
Trước đó, để giải quyết những bất cập trong lĩnh vực quản lý xăng dầu tạm nhập tái xuất và các mặt hàng khác tạm nhập tái xuất, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hải quan đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Theo đó, ngành hải quan cũng đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các lô hàng tạm nhập tái xuất, trong đó có cả mặt hàng xăng dầu từ năm 2009 đến tháng 6/2012 để xác định doanh nghiệp có thực hiện đúng thời gian về kê khai tạm nhập, tái xuất, nộp thuế khi chuyển đổi.
Về quản lý tạm nhập, tái xuất mặt hàng xăng dầu, lãnh đạo Tổng cục Hải quan từng thừa nhận là rất khó trong việc phân biệt giữa lô hàng xăng dầu tạm nhập với lô hàng kinh doanh. Nguyên do mặt hàng xăng, dầu có nhiều chủng loại, có thể bị trộn chung và 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh không chứa riêng xăng dầu tạm nhập nên việc kiểm tra không dễ dàng.
Bên cạnh đó, việc Bộ Công thương chưa có quy định về lượng hàng xăng dầu từ tạm nhập chuyển sang tiêu thụ nội địa dẫn tới một lượng lớn hàng tạm nhập được chuyển sang tiêu thụ trong nước. Đây chính là sơ hở để doanh nghiệp đầu mối hưởng mức chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, khi thuế nhập khẩu xăng dầu có những biến động mạnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp xăng dầu có thể hưởng chênh lệch lãi suất khi gửi tiền vào ngân hàng, do thời hạn nộp thuế xăng dầu tạm nhập tái xuất là 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập tái xuất (tức sau 195 ngày), trong khi xăng dầu nhập khẩu cho mục đích kinh doanh nội địa chỉ được ưu đãi nộp thuế 30 ngày.
Theo Dân Việt
- Tổng doanh thu Vinataba vượt 15% kế hoạch năm, đạt trên 35,000 tỷ (16/05/2013)
- Người đàn ông bị chiếm đoạt 3.8 tỷ khi đầu tư chứng khoán (16/05/2013)
- Tập đoàn Cao su ước lãi cả năm hơn 3,700 tỷ, tăng 11% (16/05/2013)
- Thủ tướng: Đà Nẵng phải đạt tăng trưởng 2 con số (16/05/2013)
- Searefico muốn bán bớt vốn công ty con lâu đời cho người Nhật (16/05/2013)
- Phong Phú báo doanh thu cao nhất 5 năm (16/05/2013)
- Nissan-Honda: Thương vụ thế kỷ hay canh bạc tuyệt vọng? (16/05/2013)
- Dự báo thị trường 2025: Vì sao nên cẩn trọng với chúng? (16/05/2013)
- Diễn biến lạ trên thị trường giỏ quà Tết 2025 (16/05/2013)