Apple sắp được Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm iPhone 16?
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã chấp nhận đề xuất đầu tư 1 tỷ USD từ Apple, qua đó có thể tạo điều kiện để gỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16, theo các nguồn thạo tin về vấn đề này.
Cái nhìn của chính phủ Indonesia về đề xuất của Apple đã trở nên tích cực hơn sau cuộc họp cuối tuần qua, khi Tổng thống Prabowo được báo cáo về tình hình đàm phán. Trước đó, vào tháng trước, Indonesia đã cấm Apple bán iPhone 16 với lý do công ty không đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa đối với điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Kế hoạch đầu tư của Apple bao gồm một án xây dựng nhà máy sản xuất AirTag trên đảo Batam. Vị trí này được lựa chọn bởi những ưu đãi hấp dẫn như miễn thuế giá trị gia tăng, thuế xa xỉ và thuế nhập khẩu nhờ vào quy chế khu thương mại tự do. Nhà máy dự kiến sẽ tuyển dụng 1,000 công nhân trong giai đoạn đầu và đóng góp 20% sản lượng AirTag toàn cầu - thiết bị theo dõi đồ đạc thông minh của Apple.
Phần còn lại của khoản đầu tư sẽ được phân bổ cho việc xây dựng nhà máy sản xuất phụ kiện tại Bandung, cách Jakarta khoảng 3 giờ di chuyển về phía đông nam. Apple cũng cam kết tài trợ cho các học viện công nghệ tại Indonesia nhằm đào tạo kỹ năng lập trình cho sinh viên địa phương.
Mặc dù Tổng thống Prabowo đã chỉ đạo Bộ Điều phối Các vấn đề Kinh tế hoàn tất thỏa thuận, nhưng Chính phủ Indonesia vẫn chưa đưa ra thời hạn cụ thể về việc dỡ bỏ lệnh cấm iPhone 16. Một số nguồn tin cho biết kế hoạch vẫn có thể thay đổi, nhắc lại tiền lệ Indonesia từng rút lại quyết định trong quá khứ.
Nếu Indonesia chính thức chấp nhận đề xuất của Apple, đây sẽ là chiến thắng cho Prabowo, người đang tìm kiếm thêm đầu tư nước ngoài để tài trợ cho các cam kết chính sách của mình.
Điều này cũng cho thấy chiến thuật cứng rắn của quốc gia nhằm khiến các công ty nước ngoài lớn phát triển hàng hóa của họ tại Indonesia như một phần của nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước dường như đang phát huy tác dụng.
Về phía Apple, khoản đầu tư này sẽ giúp công ty tiếp cận thị trường tiềm năng với 278 triệu người tiêu dùng Indonesia, trong đó hơn một nửa dưới 44 tuổi và am hiểu công nghệ.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang theo dõi sát sao vụ việc này với lo ngại rằng họ cũng có thể bị ép buộc mở rộng hoạt động hoặc đối mặt với các biện pháp trừng phạt tương tự.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
- Điều gì khiến chứng khoán Mỹ lao dốc hơn 1,000 điểm? (19/12/2024)
- Dow Jones sụt 1,100 điểm sau quyết định của Fed (19/12/2024)
- Chuyên gia Mỹ dự báo thị trường chứng khoán giảm trong năm tới (19/12/2024)
- Honda cược lớn vào xe hybrid, đặt mục tiêu nhân đôi doanh số vào 2030 (19/12/2024)
- Giảm 9 phiên liền, Dow Jones chứng kiến chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 1978 (19/12/2024)
- Những nỗi lo của Phố Wall trong năm 2025: Chiến tranh thương mại và cú đổ đèo của AI (19/12/2024)
- Nasdaq Composite lập kỷ lục mới, còn Dow Jones giảm 8 phiên liên tiếp (19/12/2024)
- Nhìn lại 1 năm của Warren Buffett: Cổ phiếu tăng 27%, bán mạnh Apple và kỷ lục tiền mặt 300 tỷ USD (19/12/2024)
- Sàn giao dịch chứng khoán London "vắng lặng" nhất trong 15 năm (19/12/2024)