Bộ trưởng VHTT&DL: Cần hơn 122 ngàn tỷ đồng cho chương trình phát triển văn hóa trong 5 năm tới
Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122,250 tỷ đồng. Giai đoạn 2031-2035, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình là 134,000 tỷ đồng. Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trước Quốc hội trong phiên họp ngày 1/11.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035
|
Ngày 1/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Phấn đấu đến năm 2030 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 hướng tới các mục tiêu tổng quát như: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Huy động nguồn lực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam...
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã được xác định.
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử; phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện), 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn, đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn; phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2,542 di tích) được tu bổ, tôn tạo; phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước...
Đến năm 2035, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; hoàn thiện Thư viện số quốc gia, xây dựng thư viện thông minh, mở rộng kết nối, tích hợp dữ liệu với các thư viện trong mạng lưới thư viện Việt Nam và quốc tế...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122,250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu 77,000 tỷ đồng (chiếm 63%); vốn ngân sách địa phương khoảng 30,250 tỷ đồng (chiếm 24.6%); vốn huy động hợp pháp khác: khoảng 15,000 tỷ đồng (chiếm 12.4%).
Giai đoạn 2031-2035, dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình là 134,000 tỷ đồng.
Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra
|
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Hồ sơ Chương trình đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Ủy ban cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về mục tiêu, thời gian, phạm vi thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh sửa một số mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, trong đó cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên, bảo đảm việc bố trí nguồn lực của Chương trình được trọng tâm, trọng điểm, khả thi nhằm tạo sự đột phá trong phát triển văn hóa, quan tâm đầu tư phát triển văn hóa ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tốt hơn cho nhân dân, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước...
Đối với tổng mức đầu tư, Ủy ban cơ bản nhất trí với dự kiến về tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Việc bố trí nguồn lực thỏa đáng là cần thiết để cụ thể hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.
Ngoài ra, Ủy ban cơ bản nhất trí với giải trình về các vấn đề liên quan đến vốn ngân sách địa phương; đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và mức đối ứng của ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, nguồn lực của từng địa phương, xem xét ưu tiên các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn..
Bên cạnh đó, Ủy ban nhất trí với đề xuất đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài vì nội dung này phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; thống nhất quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm cơ sở pháp lý (cơ chế đặc thù thực hiện khác quy định của Luật Đầu tư công).
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với nguồn lực hiện có.
Về cơ chế quản lý, điều hành Chương trình, Ủy ban nhận thấy Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành Chương trình theo nguyên tắc thu hẹp đầu mối quản lý; ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hướng dẫn chung việc thực hiện Chương trình.
Nhật Quang
- Nhiều cơ sở làng nghề ở Bắc Ninh bị xử phạt (01/11/2024)
- TP HCM: 100% cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn bán lẻ từng lượt cho khách hàng (01/11/2024)
- Lộ diện 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Đồng Nai (01/11/2024)
- Đề xuất đầu tư tổ hợp y tế kỹ thuật cao 1.500 tỉ ở Quảng Nam (01/11/2024)
- Tiền số Bitcoin tăng sốc, chuyên gia lý giải nguyên nhân tăng mạnh khi ông Trump đắc cử (01/11/2024)
- Lắp đặt điện mặt trời ở rào chắn tiếng ồn trên cao tốc (01/11/2024)
- Tuyến đường sắt thúc đẩy liên kết vùng (01/11/2024)
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu (01/11/2024)
- Thủ tướng: Dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm (01/11/2024)