Chợ truyền thống xoay xở để thoát ế
Mô hình “chợ trực tuyến” hiện đã được triển khai tại 26 chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM.
Thời gian qua, hơn 200 chợ truyền thống tại TP.HCM hoạt động lại trong trạng thái bình thường. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ vẫn rơi vào cảnh đìu hiu, không có khách mua. Để nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống, mô hình “chợ trực tuyến” đã được triển khai.
Sức mua thấp, nhiều tiểu thương nghỉ bán
Bà Mai, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau tại chợ Phạm Văn Hai, cho biết chợ này bán lại từ giữa tháng 10-2021. Tuy nhiên, khách vắng nên nhiều sạp nghỉ bán, “bỏ của chạy lấy người”.
“Tình hình buôn bán không khả quan cùng với việc xăng dầu tăng giá, hàng hóa cũng tăng theo, khiến sức mua giảm sút nên có lẽ phải xin nghỉ bán tiếp” - bà Mai chia sẻ.
Chợ Bàu Cát, quận Tân Bình, một trong các chợ có triển khai mô hình “chợ trực tuyến”. Ảnh: T.UYÊN |
Ông Thái Bình Sơn, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Phạm Văn Hai, cho biết hiện người dân chủ yếu mua sắm tại khu vực tự phát xung quanh chợ nên hoạt động trong chợ không sôi động.
Từ sau dịch đến nay đã có 60% tiểu thương ngành hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống trong lồng chợ nghỉ bán. Ngành quần áo thời trang tính trên số hộ đăng ký kinh doanh so với thực tế hiện nay có trên 400 hộ xin nghỉ bán.
“Nguyên nhân do sức mua giảm, đặc biệt là bị cạnh tranh từ những người buôn bán ở lòng, lề đường nên thậm chí có tình trạng tiểu thương rủ nhau ra bên ngoài bán mới có khách mua” - ông Sơn lý giải.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng BQL chợ Phước Long (quận 7), cho biết hiện chợ chỉ còn khoảng 100 tiểu thương đang buôn bán. Tiểu thương ngày càng rời chợ vì sau dịch COVID-19 nhiều người bán tại nhà, các cung đường xung quanh chợ có nhiều điểm bán mọc lên.
“Xung quanh chợ buôn bán nhộn nhịp thì trong lồng chợ vắng khách. Tiểu thương thấy chợ vắng khách lại bỏ chợ ra ngoài để tiếp tục buôn bán cũng là dễ hiểu” - ông Hùng nói.
Thay đổi để tồn tại
Ông Nguyễn Vĩnh Hà, Đội trưởng Đội nghiệp vụ chợ Bến Thành, cho biết tính đến nay chợ nhận được 300 đơn tiểu thương xin tạm ngưng kinh doanh đến cuối năm.
Trước tình hình trên, BQL chợ đã vận động các hộ kinh doanh tham gia bán hàng khuyến mãi. Theo đó, có 178 hộ kinh doanh khuyến mãi bằng nhiều hình thức như giảm giá 5%-30%, bán hàng kèm quà tặng… để thu hút khách.
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho du khách có nơi dừng chân, tham quan mua sắm, chợ đã vận động tiểu thương kéo dài thêm thời gian hoạt động đến 21-22 giờ và có trên 100 hộ đăng ký tham gia. Thời gian tới, chợ tăng cường quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook.
Bên cạnh đó, BQL chợ kiến nghị cơ quan thuế quận 1 xem xét tỉ lệ giảm doanh thu làm căn cứ xét giảm thuế đối với hộ kinh doanh tại chợ.
“Chúng tôi đã kiến nghị quận nhiều lần về vấn đề hoạt động buôn bán tự phát xung quanh, lấn chiếm lòng, lề đường nhưng đâu cũng vào đấy. Do đó, phía BQL đề xuất cải tạo dãy mặt tiền giáp với khu chợ bên ngoài để có mỹ quan, thu hút khách hàng hơn” - ông Sơn nói.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết trong bối cảnh sức mua của người dân chưa phục hồi và để nâng cao năng lực cạnh tranh chợ truyền thống, mô hình “chợ trực tuyến” đã được thông tin đến BQL chợ các quận, huyện trên địa bàn TP. Mô hình này cũng nhằm hỗ trợ các tiểu thương tại chợ truyền thống tiếp cận và sử dụng ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT).
Qua phối hợp thực hiện, đội ngũ nhân sự Công ty Phần mềm FPT đã tổ chức các buổi tập huấn, trực tiếp hướng dẫn tiểu thương các thao tác, hình thức vận hành, kỹ năng tương tác trên ứng dụng UTOP.
Đến nay, mô hình “chợ trực tuyến” đã triển khai tại 26 chợ truyền thống và hiện có 23 ngành hàng như rau củ, thịt, hải sản, trái cây, đồ khô, trứng, sữa… được đăng bán trực tuyến.
“Thời gian qua đã có 8.774 đơn hàng trên “chợ trực tuyến” được xử lý với tổng giá trị hơn 2,6 tỉ đồng. Điều này phần nào cho thấy hiệu quả mô hình chợ giúp tiểu thương cải thiện được tình hình kinh doanh” - đại diện Sở Công Thương chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam, cho biết trong dịch COVID-19, hiệp hội phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ tiểu thương bán hàng trên nền tảng TMĐT, đáng mừng là sau dịch COVID-19 một số tiểu thương quen dần.
Thông qua điện thoại, tin nhắn Zalo, các app…, người tiêu dùng có thể đặt hàng. Tiểu thương tại chợ truyền thống sẽ tiếp nhận đơn hàng và liên kết với các xe ôm để có lực lượng giao hàng.
Theo ông Dũng, khó khăn ban đầu là bản thân tiểu thương chưa bao giờ hình dung bán hàng qua TMĐT thế nào. Tuy nhiên, khi họ nhận thức được và thay đổi thì việc sử dụng ứng dụng này cũng đơn giản.
“Tiểu thương không phải là doanh nghiệp nên việc ứng dụng TMĐT cần từng bước mới có thể lan tỏa. Thời gian tới, tùy tình hình, hiệp hội sẽ có những chương trình hỗ trợ cho tiểu thương” - ông Dũng chia sẻ.
TÚ UYÊN
- Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc (04/07/2022)
- Bộ Công Thương lấy ý kiến về điện hạt nhân, tỉnh có dự án dở dang kiến nghị thẳng (04/07/2022)
- Pháp lý về hợp đồng quyền chọn hàng hóa tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều thách thức (04/07/2022)
- Tiếp tục đề nghị truy tố anh em chủ đậu phộng Tân Tân với 2 tội danh (04/07/2022)
- Ngành gỗ đối mặt thách thức mới (04/07/2022)
- Hà Nội: Điều tra vụ Chủ tịch công ty địa ốc chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn (04/07/2022)
- Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên vận hành thử 100% công suất (04/07/2022)
- Xuất khẩu gỗ đối mặt nhiều thách thức khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ (04/07/2022)
- Công ty của Elon Musk cân nhắc chuyển sản xuất đến Việt Nam (04/07/2022)