Doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó về thị trường
Trong khi xuất khẩu nhiều loại nông, thủy sản tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2022 thì ngành hàng rau quả lại đi ngược xu hướng chung với sự sụt giảm liên tục trong cả 5 tháng qua...
Ảnh minh họa. |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm ước đạt 1,43 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến, hàng loạt các yếu tố như dịch bệnh, xung đột giữa Nga và Ukraine cùng tình hình lạm phát trên thế giới đã khiến cho xu hướng tiêu dùng của thị trường toàn cầu có sự thay đổi lớn. Người tiêu dùng tại nhiều nước ngày càng thắt chặt hơn trong việc chi tiêu, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Một số dòng sản phẩm bổ sung, ăn vặt, đặc sản địa phương… không còn hút hàng như trước.
Khó khăn khi đóng hàng xuất khẩu
Giám đốc Công ty TNHH Vân Phát (Trảng Bom, Đồng Nai) Bùi Thanh Vân cho biết, xuất khẩu rau, quả đông lạnh, sản phẩm rau, trái cây sấy chưa bao giờ gặp khó như hiện nay. Chi phí đầu vào sản xuất tăng 20 - 30%, trong khi sản phẩm đầu ra khó tiêu thụ vì người tiêu dùng nội địa ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Ngay cả thị trường vốn dễ tính là Trung Quốc hiện nay cũng bộc lộ nhiều rủi ro. “Gần đây, công ty xuất 3 container trái cây sấy đi Trung Quốc, hàng bị tồn lại ở biên giới hơn 3 tháng, công ty tốn cả trăm triệu đồng tiền kho bãi”.
Ông Đoàn Trung Ngọc, chủ vựa chế biến thanh long, xoài, mít sấy khô xuất khẩu tại xã Hưng Thịnh (Đồng Nai), cho biết, vài tháng trở lại đây, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã tạm ngưng nhập mặt hàng này khiến đầu ra cho trái cây sấy khô càng khó khăn. Những thị trường khác như Nga, Hàn Quốc... hầu như khó tìm được khách hàng mới, đơn hàng của khách quen cũng giảm sút mạnh. “Dự báo thời gian tới, thị trường xuất khẩu và cả tiêu thụ trái cây sấy trong nước vẫn khó khăn nên hiện nhiều nhà vườn không đầu tư vì lo ngại càng làm càng lỗ”, ông Ngọc nói.
Tại Hội nghị sơ kết ngành điều 6 tháng đầu năm 2022, ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), phân tích rằng những diễn biến của thế giới như xung đột Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu khiến người dân phải chi nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu… dẫn đến những mặt hàng không thiết yếu như hạt điều, trái cây sấy, trái cây chế biến sẽ tiêu thụ chậm. Trong khi đó, một thị trường lớn của Việt Nam là Trung Quốc vẫn duy trì chính sách "Zero Covid" khiến việc xuất khẩu nhân điều cũng như các nông sản khác tiếp tục gặp bất lợi.
“Tình hình xuất khẩu năm 2022 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cước tàu biển vẫn neo ở mức cao so với trước dịch Covid-19. Trong khi đó, giá điều nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu. Vì vậy, số lượng nhân điều xuất khẩu dự báo sẽ giảm trong những tháng tiếp theo, có thể kéo dài đến hết năm 2022”, ông Trần Văn Hiệp nói.
Số lượng nhân điều xuất khẩu dự báo sẽ giảm trong những tháng tiếp theo, có thể kéo dài đến hết năm 2022. |
Đồng quan điểm, ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc CTCP Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), cho biết các doanh nghiệp đang gặp vấn đề về giá điều thô nguyên liệu tăng cao hơn 15 - 20% so với năm trước, cộng với chi phí xăng dầu, vận chuyển liên tục tăng trong khi giá điều nhân xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm. Tại thủ phủ chế biến điều Bình Phước, nhiều nhà máy chế biến nhỏ đã phải tạm dừng sản xuất để “cắt lỗ”, các nhà máy lớn cũng giảm công suất và chế biến cầm chừng vì càng chế biến nhiều thì càng lỗ.
Để tồn tại trong điều kiện chi phí sản xuất tăng cao, nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận và nỗ lực mở thêm nhiều thị trường ngách để ổn định hoạt động sản xuất. Sau dịch Covid-19, ngành du lịch đang trên đà hồi phục, một số doanh nghiệp chế biến nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh kênh tiêu thụ tại chỗ phục vụ nhu cầu của người dùng, làm quà tặng của du khách. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng quan tâm đưa hàng về nông thôn, vào các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ, trạm dừng chân các tuyến quốc lộ… Nhiều doanh nghiệp thì nỗ lực mở rộng các thị trường xuất khẩu, quay về tiếp cận các thị trường ngách như: Campuchia, Lào, Thái Lan…
Đầu tư công nghệ cao và xuất khẩu trực tuyến
Sản phẩm nông - lâm - thủy sản của Việt Nam dù đã chinh phục được nhiều thị trường quốc tế song xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung vào 4 thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn luôn phải tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường, tìm khách hàng mới nhằm giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tăng lợi thế hàng hóa.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1,43 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021. |
Ông Huỳnh Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử - Công ty OSB (đại lý ủy quyền chính thức của Tập đoàn Alibaba), cho hay nông sản và trái cây chế biến của Việt Nam rất được quan tâm trên sàn Alibaba.com. Với hệ thống khách hàng ở 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, cơ hội cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến là rất lớn. “Gần đây, có một số thị trường gia tăng nhu cầu đối với nông sản chế biến, như: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Nga, các nước châu Phi... Doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này”, ông Hòa thông tin.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhìn nhận thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều khách hàng trên toàn thế giới một cách đơn giản, tiết kiệm chi phí so với cách truyền thống là đến các hội chợ quốc tế, gặp gỡ từng khách hàng... Hiện doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu trực tuyến thông qua 2 sàn Alibaba.com (bán sỉ gần như toàn thế giới) và Amazon.com (bán lẻ trên các quốc gia Amazon hiện diện) với mô hình khác nhau.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, các cấp, ngành cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy công nghệ bảo quản, chế biến nông sản. Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết, cùng với việc doanh nghiệp chủ động đầu tư hệ thống kho lạnh, chế biến nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch..., các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn, công nghệ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến để nâng tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô.
|
Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) Đào Thế Anh, việc quy hoạch hệ thống kho lạnh cần phù hợp với từng vùng sản xuất, không thể tự phát như hiện nay; cần có kho lạnh cỡ nhỏ do hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý tại các vùng trồng cây ăn quả, như: vải thiều, thanh long, nhãn… Còn tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cần đầu tư hệ thống kho lạnh phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định: các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến để nâng tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất các cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có vùng nguyên liệu đạt chuẩn; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; đồng thời tập trung phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản.
Lưu Hà
- Lội ngược dòng năm 2024, dệt may sẵn sàng cho các yêu cầu mới (04/07/2022)
- Thị trường carbon rất tiềm năng nhưng doanh nghiệp Việt đã thật sự sẵn sàng để tham gia? (04/07/2022)
- Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục 62,4 tỷ USD trong năm 2024 (04/07/2022)
- Năm 2024, lợi nhuận trước thuế của SCIC vượt xa so với kế hoạch (04/07/2022)
- Đề xuất cơ chế mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp giữa doanh nghiệp với khách hàng sử dụng điện lớn (04/07/2022)
- Bộ trưởng Bộ GTVT: Cần tránh tâm lý nóng vội để hoàn thành 3,000km cao tốc Bắc Nam (04/07/2022)
- Nhóm lừa đảo tín chấp bị buộc bồi thường hơn 18 tỉ đồng (04/07/2022)
- Lời khai việc đưa và nhận hối lộ trong vụ “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 (04/07/2022)
- Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng trưởng 12% (04/07/2022)