Đồng USD giảm mạnh nhất trong 6 tuần vì kết quả thăm dò bầu cử Mỹ
Đồng USD ghi nhận đà giảm mạnh nhất trong 6 tuần qua khi các nhà đầu tư điều chỉnh kỳ vọng về chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Diễn biến này diễn ra sau khi kết quả thăm dò mới nhất không cho thấy lợi thế rõ ràng của bất kỳ ứng viên nào.
Cuộc thăm dò từ Des Moines Register cho thấy Kamala Harris dẫn trước với tỷ lệ 47% so với 44% của Trump tại Iowa - bang mà Trump từng thắng trong mọi cuộc bầu cử trước đó. Các chuyên gia nhận định việc Trump chiến thắng sẽ thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều cuộc khảo sát khác cho thấy hai ứng viên đang bám đuổi sít sao, với cử tri chia rẽ nhẹ cả ở cấp quốc gia và tại các bang chiến địa then chốt.
"Về cơ bản không thể dự đoán kết quả tại thời điểm này", Homin Lee, Chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Lombard Odier ở Singapore, chia sẻ với Bloomberg TV. Điều tốt nhất cần làm là "chờ đợi sự kiện diễn ra và sau đó đưa ra quyết định hợp lý dựa trên tình hình thị trường".
Chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm gần đây đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 7, sau khi các nhà đầu tư đặt cược mạnh vào khả năng Trump tái đắc cử. Lo ngại về chính sách tài khóa nới lỏng và thuế quan cao của ông có thể làm trầm trọng thêm thâm hụt liên bang và thúc đẩy lạm phát, từ đó làm suy yếu trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số châu Á đồng loạt tăng điểm, với Hồng Kông và Trung Quốc đại lục dẫn đầu đà tăng. Hợp đồng tương lai cổ phiếu Mỹ ổn định sau khi tăng vào cuối tuần trước nhờ kết quả kinh doanh tích cực từ Amazon.com và Intel Corp. Thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.
Tuần này, ngoài cuộc bầu cử Mỹ, thị trường tài chính còn chịu tác động từ các quyết định về lãi suất của Fed, Ngân hàng Trung ương Anh và Úc. Fed được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào thứ Năm, sau khi số liệu việc làm mới cho thấy tăng trưởng việc làm Mỹ yếu nhất kể từ năm 2020.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu WTI tăng hơn 1% vào đầu phiên thứ Hai, kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp. OPEC+ đã quyết định hoãn kế hoạch tăng sản lượng tháng 12 thêm một tháng, trong khi căng thẳng giữa Iran và Israel tiếp tục leo thang. Giá vàng ổn định sau khi rút khỏi mức cao kỷ lục trong tuần trước.
Tại Trung Quốc, Chính phủ vừa công bố các biện pháp thu hút vốn nước ngoài chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Mỹ. Theo đó, các cá nhân nước ngoài được phép cung cấp vốn cho công ty niêm yết với tư cách nhà đầu tư chiến lược. Động thái này diễn ra khi có lo ngại về tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc nếu Trump trở lại Nhà Trắng.
Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc sẽ họp tại Bắc Kinh từ 4-8/11, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư về khả năng phê duyệt gói kích thích tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
- Giảm 7 phiên liền, Dow Jones chứng kiến chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 2020 (04/11/2024)
- Phố Wall giảm điểm sau báo cáo PPI (04/11/2024)
- Nasdaq Composite lần đầy vượt ngưỡng 20,000 điểm (04/11/2024)
- Trụ sở của Adidas bị khám xét (04/11/2024)
- Dow Jones giảm 4 phiên liên tiếp (04/11/2024)
- Chuyên gia cảnh báo chứng khoán Mỹ có thể giảm 35% trong nửa đầu năm 2025 (04/11/2024)
- Phố Wall nhuốm sắc đỏ vì cổ phiếu công nghệ (04/11/2024)
- "Vua trái phiếu" cảnh báo về cơn sốt đầu cơ trên Phố Wall (04/11/2024)
- S&P 500 tăng 3 tuần liên tiếp (04/11/2024)