Thị trường lao động Mỹ bùng nổ: Đòn giáng mạnh vào phe bi quan
Nền kinh tế Mỹ một lần nữa thể hiện sự kiên cường đáng kinh ngạc, khiến những kẻ bi quan trên Phố Wall - vốn liên tục cảnh báo về suy thoái suốt năm qua - phải điêu đứng.
Sau nhiều tháng tranh luận gay gắt giữa phe lạc quan và bi quan về cổ phiếu và trái phiếu xoay quanh việc liệu chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thúc đẩy suy thoái hay không, một báo cáo cho thấy mức tăng việc làm lớn nhất trong 6 tháng qua tại Mỹ đã kích hoạt những đảo chiều mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu - nơi các trader đặt cược mạnh vào kịch bản kinh tế chậm lại.
Các công ty vốn hóa nhỏ dẫn đầu đà tăng trong ngày 04/10 khi thị trường lao động Mỹ tiếp tục thể hiện sức mạnh, tiếp thêm sinh khí cho chu kỳ đầu tư và tiêu dùng nội địa. Trong khi đó, một quỹ ETF trái phiếu kỳ hạn dài đã trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 4, sau nhiều tháng tăng giá cùng với cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.
Dù chỉ số S&P 500 gần như đi ngang trong tuần giữa lo ngại về cuộc chiến ở Trung Đông và các mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng báo cáo việc làm bất ngờ đã mang lại sự minh oan cho những người lạc quan về tài sản rủi ro. Họ đã thách thức phe bi quan và liên tục giành chiến thắng tuần này qua tuần khác.
Điều đó khiến những người như Max Kettner của HSBC Bank Plc trở nên táo bạo hơn. Ông đang khuyên khách hàng duy trì trạng thái "mua" đối với cổ phiếu trên toàn cầu, trái phiếu lợi suất cao và trái phiếu thị trường mới nổi.
"Báo cáo này tái khẳng định quan điểm cực kỳ lạc quan của chúng tôi về tài sản rủi ro", ông Max, Chuyên gia chiến lược đa tài sản trưởng tại HSBC, cho biết. "Việc tiếp tục cắt giảm lãi suất, kỳ vọng lợi nhuận thấp trước mùa báo cáo quý 3 và dữ liệu hoạt động của Mỹ tiếp tục mạnh mẽ đều vẽ nên một bức tranh rất tươi sáng cho tài sản rủi ro trong những tuần tới”.
Đồng USD tăng vọt và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm leo lên 3.97% vào cuối tuần, đảo ngược đà giảm kể từ đầu tháng 8. Bên cạnh báo cáo việc làm, hàng loạt dữ liệu gần đây - bao gồm số liệu việc làm khu vực tư nhân và chỉ số đo lường lĩnh vực dịch vụ - cũng vẽ nên một bức tranh tươi sáng về nền kinh tế Mỹ.
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong ngày 04/10, nhưng đà tăng bị hạn chế bởi suy đoán rằng dữ liệu sẽ củng cố quan điểm của các quan chức “diều hâu” tại Fed. Sự gia tăng lợi suất trái phiếu cũng có thể báo hiệu điều không tốt cho thị trường nhà ở. Nhìn lại, đợt tăng 35% của S&P 500 trong năm qua đã đẩy định giá P/E lên mức cao, một yếu tố có thể kìm hãm đà tăng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
April LaRusse, Chuyên gia đầu tư tại Insight Investment, nhận xét: "Chúng tôi đang xem xét động thái trong trái phiếu kho bạc như một sự điều chỉnh thực tế đối với một số lo ngại về tăng trưởng mà thị trường đã tập trung vào kể từ khi dữ liệu thị trường lao động yếu được công bố vào đầu tháng 8. Rõ ràng là nền kinh tế Mỹ có sức mạnh hơn những gì một số nhà đầu tư đã đặt cược”.
Nhìn lại lịch sử, từ vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley vào tháng 3/2023, các nhà đầu tư nghiêng quá nhiều vào kịch bản kinh tế tiêu cực thường bị trừng phạt. S&P 500 đã tăng vượt mục tiêu cuối năm cao nhất do các chuyên gia dự báo Phố Wall đưa ra trong cuộc khảo sát của Bloomberg vào tháng 1. Nhiều chuyên gia chiến lược như Binky Chadha của Deutsche Bank AG và Brian Belski của BMO Capital Markets đã buộc phải nâng dự báo của họ để theo kịp thực tế.
Trên thị trường cổ phiếu, gần 500 triệu USD đã được đổ vào trong bốn tuần liên tiếp vào một quỹ ETF được thiết kế để thu lợi lớn khi Nasdaq 100 giảm điểm. Tuy nhiên, quỹ này đã giảm khoảng 17% trong tháng qua. Kết quả tương tự cũng xảy ra với những giao dịch đặt cược vào biến động tăng, từ các giao dịch phòng ngừa rủi ro quyền chọn vanilla đến các hình thức bảo hiểm danh mục đầu tư thiên nga đen phức tạp hơn.
Phe bi quan nhận trái đắng
|
Dữ liệu việc làm tháng 9 đã khiến các nhà kinh tế tại Bank of America Corp. dự báo Fed chỉ giảm 25 điểm cơ bản. "Một đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản khác là không cần thiết", họ cho biết trong ngày 04/10. Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co., cũng đã cắt giảm dự báo của họ xuống chỉ còn 25 điểm cơ bản vào tháng 11.
Steve Chiavarone, quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Federated Hermes, nhận định: "Đối với cổ phiếu, chúng tôi cho rằng đây là kịch bản tốt nhất - lãi suất sẽ giảm và tăng trưởng không rơi tự do." Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng một báo cáo việc làm duy nhất không phải là bằng chứng cho thấy Fed đã hành động vội vàng với đợt nới lỏng đầu tiên.
Một thành phần của báo cáo việc làm, tăng trưởng tiền lương, đã khiến các nhà phân tích lo ngại về lạm phát vẫn còn dai dẳng phải dừng lại. Kết quả cao hơn dự kiến xuất hiện khi giá dầu tăng mạnh, trong khi nickel tăng vọt sau khi Trung Quốc tung ra một loạt kích thích đẩy cổ phiếu nước này vào thị trường tăng giá.
"Một điểm đang bị bỏ qua là Trung Quốc đã xuất khẩu giảm phát thông qua giá kim loại công nghiệp khi nền kinh tế, thị trường bất động sản và người tiêu dùng của họ đang suy yếu", George Cipolloni, quản lý danh mục đầu tư tại Penn Mutual Asset Management cho biết. "Trong tuần qua, Trung Quốc đã thay đổi kịch bản đó với gói kích thích đáng kể và lớn của mình, dẫn đến sự gia tăng của nhiều kim loại công nghiệp chủ chốt".
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
- Nissan-Honda: Thương vụ thế kỷ hay canh bạc tuyệt vọng? (05/10/2024)
- Dự báo thị trường 2025: Vì sao nên cẩn trọng với chúng? (05/10/2024)
- Dow Jones bật tăng gần 500 điểm (05/10/2024)
- Cổ phiếu của công ty đứng sau cơn sốt Labubu, túi mù tăng 370% (05/10/2024)
- Dow Jones kết thúc chuỗi 10 phiên giảm liên tiếp (05/10/2024)
- Apple sắp được Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm iPhone 16? (05/10/2024)
- Điều gì khiến chứng khoán Mỹ lao dốc hơn 1,000 điểm? (05/10/2024)
- Dow Jones sụt 1,100 điểm sau quyết định của Fed (05/10/2024)
- Chuyên gia Mỹ dự báo thị trường chứng khoán giảm trong năm tới (05/10/2024)