TS Trần Du Lịch: TP.HCM đã hoàn toàn bỏ công cụ đầu tư công trong lộ trình kích thích kinh tế
Không đưa ra giải pháp mới cho kinh tế TP trong quý II-2023, TS Trần Du Lịch nói TP cần tập trung vào ba trụ cột chính đã được đưa ra trước đó. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là phải thúc tỉ lệ giải ngân đầu tư công.
Sáng 1-4, UBND TP.HCM sẽ họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội quý I-2023 và nhiệm vụ, giải pháp trong quý II với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm”.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh kết thúc quý I-2023, GRDP TP.HCM tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cùng chủ trì hội nghị. Ảnh: TTBC |
Từ quý IV- 2022, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo tình hình kinh tế TP sẽ tiếp tục biến động trong những tháng đầu năm 2023. Nhưng mức tăng trưởng 0,7% là con số bất ngờ, gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà TP đã đặt ra là 7,5-8%.
Với con số này, tăng trưởng của TP.HCM thấp nhất trong số năm thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.
Đáng chú ý, tỉ lệ giải ngân đầu tư công của TP.HCM đang ở mức báo động. Đến 24-3, TP chỉ mới giải ngân được hơn 952 tỉ đồng, đạt 2% tổng số vốn được giao là 43.443,336 tỉ đồng.
TP từng đặt mục tiêu giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công để làm "vốn mồi", lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư xã hội. Dù vậy, kết quả giải ngân khiến mục tiêu này cũng đứng trước nhiều trở ngại.
TS Trần Du Lịch- chuyên gia theo dõi TP.HCM trong nhiều năm, nói dù đã được dự báo trước nhưng ông vẫn bất ngờ với con số tăng trưởng 0,7%. Kể từ khi có Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị năm 1982, đây là lần đầu tiên, mức tăng trưởng của nền kinh tế TP giảm sút mạnh.
TS Trần Du Lịch nói, TP.HCM cần nhìn thẳng vào những cái chưa làm được trong quý I-2023. Ảnh: TTBC |
Vị chuyên gia này từng nhiều lần nói rằng, TP.HCM là địa phương đi đầu trong mọi lĩnh vực nhưng cũng là địa phương chịu tác động trực tiếp từ tình hình kinh tế thế giới và trong nước.
Nếu tình hình kinh tế thế giới tích cực, kinh tế TP cũng sẽ khởi sắc hơn. Ngược lại, khi kinh tế thế giới tiêu cực, TP.HCM là địa phương chịu tác động nặng nhất so với các địa phương khác.
TS Trần Du Lịch nhiều lần chỉ ra những nguyên nhân từ quý IV-2022. Khách quan là do nền kinh tế Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng chịu tác động của thị trường tài chính thế giới và thị trường bất động sản. Hai yếu tố này cộng hưởng gây áp lực lên nền kinh tế của TP.
“Tuy nhiên, đến thời điểm quý I-2023, tình hình trong cả nước đã dễ chịu hơn, khi ngân hàng là vượt qua nguy cơ đỗ vỡ; kiểm soát được lạm phát, tỷ giá và ứng phó thị trường tài chính thế giới. Lẽ ra tình hình phải được cải thiện, nhưng tại sao tăng trưởng lại thấp như vậy”- vị chuyên gia đặt vấn đề.
Chính phủ và TP.HCM đã đề ra ba trụ cột chính để kéo kinh tế TP dần tăng trưởng trở lại. Trong đó, trụ cột quan trọng nhất vẫn là đầu tư công.
“Đầu tư công diễn ra thế nào sẽ dẫn dắt đầu tư xã hội như thế đó. Nhưng kết thúc quý đầu tiên của năm, TP chỉ giải ngân được 2%. TP đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế”- vị chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ mắt xích quan trọng nhất về sự sụt giảm kinh tế của TP.
Thứ hai, TP vẫn chưa hấp thụ được vốn. Vấn đề này từng ông cũng nêu ra trong cuộc họp cuối năm 2022 với 10 nhóm giải pháp. Trong đó, ông cho rằng trọng tâm là phải công khai, minh bạch các dự án đang tồn đọng, cái nào làm hay không làm phải chỉ rõ. Nhưng theo quan sát của vị chuyên gia, TP cũng chưa tận dụng được công cụ hấp thụ vốn này.
Trụ cột về thị trường nội địa, ông cho là chưa bao giờ tổng doanh thu dịch vụ bán hàng của TP.HCM thấp hơn cả nước. Cả nước đạt 10,3% thì TP chỉ bằng 1/3 cả nước.
"Ba trụ cột thúc đẩy nền kinh tế, được xem là liều thuốc để TP có thể vượt qua cơn bạo bệnh nhưng không được sử dụng hiệu quả"- TS Lịch nói và trăn trở không biết TP đã triển khai được đến đâu.
TS Lịch không đưa thêm giải pháp nào cho kinh tế TP trong thời điểm bước sang tháng đầu tiên của quý II-2023. Ông khẳng định, TP phải tập trung làm được ba trụ cột đã được đề ra từ cuối năm ngoái; nhất là phải gỡ được đầu tư công, đầu tư tư nhân, minh bạch trong đầu tư để tạo niềm tin, hấp thụ được vốn…
Ông cũng nêu thực tế qua làm việc với 40 doanh nghiệp, họ đều nói rằng TP.HCM hiện nay không có gì để làm.
"Nhiều việc đang đứng tại chỗ thì làm sao thành phố phát triển được. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề này để giải quyết vấn đề thực sự có hiệu quả"- ông nói và bày tỏ tin tưởng vào khoảng quý III-2023, kinh tế TP.HCM sẽ khởi sắc trở lại.
Ông nhấn mạnh lại một lần nữa về truyền thống năng động, sáng tạo của TP. Nghị quyết 31 Bộ Chính trị càng khẳng định vị thế của TP với cả nước.
Ông kỳ vọng TP sẽ giải quyết được những vấn đề trì trệ, gỡ khó để hấp thụ vốn. Việc này không thể làm chung chung mà phải công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
"Nếu làm được, TP sẽ bù đắp được những cái mất thời gian qua"- TS Lịch nói.
THANH TUYỀN- NGUYỄN THẢO
- Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng khắc phục thiệt hại do bão số 3 (01/04/2023)
- Cần Thơ: Đẩy mạnh công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (01/04/2023)
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư tại Lào (01/04/2023)
- Một công ty bị truy tố tội trốn thuế trong vụ mua bán trái phép hóa đơn trị giá 13.000 tỉ đồng (01/04/2023)
- TPHCM: Đến năm 2030, kinh tế số sẽ đóng góp 40% GRDP, xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (01/04/2023)
- Dồn lực khắc phục sự cố lưới điện sau bão số 3 (01/04/2023)
- Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên: Bộ Công an đã phát hiện những vụ lừa đảo qua mạng rất lớn (01/04/2023)
- Lo thiếu điện, Bộ Công Thương đề xuất phát triển điện hạt nhân cỡ nhỏ (01/04/2023)
- Bộ Tài chính: Giải ngân vốn đầu tư công đạt 290 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch (01/04/2023)