Điều kiện kinh doanh đang “ưu ái” doanh nghiệp FDI?
Ông Đậu Anh Tuấn Trưởng ban pháp chế (VCCI) khẳng định, doanh nghiệp FDI đang được ưu ái hơn doanh nghiệp nội trong các quyết định liên quan đến điều kiện kinh doanh.
Dù đánh giá cao cải thiện trong môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua nhưng khi nhìn lại “bức tranh” điều kiện kinh doanh ở thời điểm hiện tại, ông Đậu Anh Tuấn vẫn cho rằng ở phương diện nào đó Việt Nam vẫn chưa đạt được yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh khi chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn cao, đứng thứ 123 trên thế giới, vẫn còn có sự “bất bình đẳng” giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong việc thực hiện điều kiện kinh doanh.
Doanh nghiệp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính?
"Có nhiều điều kiện kinh doanh ưu ái doanh nghiệp nước ngoài hơn. Thậm chí lịch làm việc của Chủ tịch UBND một số tỉnh dành thời gian cho nước ngoài nhiều hơn cho doanh nghiệp trong nước", Trưởng ban Pháp chế VCCI nói.
Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn khẳng định, doanh nghiệp FDI đang được ưu ái hơn doanh nghiệp nội.
|
Dẫn chứng cụ thể, ông Tuấn nói: “Ví dụ như tại thủ tục đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, FDI hoạt động theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, doanh nghiệp trong nước lại hoạt động theo Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, doanh nghiệp FDI chỉ cần có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng để kinh doanh nhưng doanh nghiệp trong nước phải có vốn 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp Việt Nam phải có diện tích tối thiểu 5ha, nhưng doanh nghiệp FDI thì không cần. Doanh nghiệp FDI được thuê trụ sở, doanh nghiệp tư nhân phải xây trụ sở...”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cũng khẳng định hiện tại doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. “Kết quả một điều tra của VCCI cho thấy cứ 10 doanh nghiệp thì có tới gần 6 doanh nghiệp cho biết họ phải trả chi phí không chính thức. Doanh nghiệp hiện rất khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính, ví như thủ tục xuất nhập khẩu các nước khác được tính bằng giờ thì Việt Nam tính bằng ngày. Thời gian thuế theo đánh giá các nước tiên tiến chỉ 100 giờ nhưng ở Việt nam thời gian thuế lên đến hơn 500 giờ”, ông Tuấn nói.
Chưa hết, ông Tuấn còn khẳng định việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cấp phép, khai thuế vẫn đang… rất nửa vời.
"Tôi tham gia hội nghị ở Luông Pha Băng (Lào), đại biểu Singapore trình bày ấn tượng về khởi sự kinh doanh của nước này, tại đó doanh nghiệp không cần biết đến cơ quan nào cấp phép cả, tất cả đều thực hiện qua mạng theo luật lệ chung.
Còn tại Việt Nam hiện nay ngay cả đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin vào cấp phép, khai thuế... cũng đang nửa vời. Một số thủ tục thì phải gặp gỡ công chức nhà nước, tòa án, thẩm phán mới thu nhập được thông tin. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt làm ăn có lãi còn thấp, tỷ trọng doanh nghiệp trong nước đóng góp vào xuất khẩu đang giảm...."
Chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh thôi là chưa đủ
Về vấn đề giải pháp, Trưởng ban Pháp chế VCCI đề xuất: “để thuận lợi hoá cho doanh nghiệp, cải cách của Chính phủ cần tiếp cận theo hướng đa ngành, bãi bỏ mạnh mẽ các thủ tục gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Cần các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để họ bước vào thị trường thuận lợi hơn thì Việt Nam vẫn chưa làm được”.
Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định nếu chỉ chặt bỏ... các điều kiện, giấy phép của chính các bộ, ngành tự đặt ra thôi thì chưa đủ.
|
Cũng bàn về các giải pháp tháo gỡ để môi trường kinh doanh được cải thiện, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định nếu việc tháo gỡ các điều kiện kinh doanh là chặt bỏ các giấy phép của chính các bộ, ngành tự đặt ra thôi thì chưa đủ.
“Vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay chỉ được hiểu là sự xoá bỏ rào cản, cởi trói nhưng tôi cho rằng trọng tâm của cải cách không đơn thuần là gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh mà là tạo ra điều kiện để thúc đẩy sự phát triển. Trong vòng 3 năm vừa qua, chúng ta có nhiều chủ trương, cam kết từ phía trung ương, đến các bộ ngành. Khi đi tham dự các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, người ta nói cam kết nhà lãnh đạo mức cao nhất là yếu tố giúp cải cách thành công”, ông Hiếu nói và nhấn mạnh cải cách phải để tạo ra giá trị phát triển, chứ không chỉ đơn thuần dỡ bỏ vài ba rào cản, điều kiện kinh doanh.
Vì vậy, khi nhìn lại 4 năm với 4 Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh lần lượt được ban hành ông Hiếu tỏ ra khá quan ngại kết quả thực hiện.
"Còn bao nhiêu năm mới hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 19 đề ra? Thế giới ghi nhận năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh Việt Nam tăng hạng; thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội có bước nhảy vọt... Tuy nhiên, kết quả này đáng ghi nhận nhưng chưa đạt yêu cầu về cải cách", ông Hiếu phân tích.
Huyền Trang
- Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam (20/06/2018)
- TP. Hồ Chí Minh triển khai khảo sát DDCI năm 2024 (20/06/2018)
- Con số thiệt hại trong 5 vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn giữ vai trò chủ mưu (20/06/2018)
- Giao dịch 250 tỷ USD/năm, Việt Nam làm gì để tham gia thị trường tín chỉ carbon? (20/06/2018)
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Tăng cường quản lý chất lượng nhằm ổn định thị trường vật liệu xây dựng (20/06/2018)
- Ông Lê Đức Thọ nêu lý do ưu ái và cho bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil tài khoản ngân hàng số đẹp (20/06/2018)
- Giám đốc Xuyên Việt Oil rút quỹ Bình ổn giá xăng dầu để đầu tư bất động sản (20/06/2018)
- Giải ngân vốn đầu tư công đã đạt trên 60% kế hoạch (20/06/2018)
- Cấm cửa nhà thầu không hoàn thành cam kết đúng tiến độ dự án giao thông (20/06/2018)