Cấm cửa nhà thầu không hoàn thành cam kết đúng tiến độ dự án giao thông
Các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng thi công.
Nhà thầu thi công thảm nhựa nền đường tại Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
|
Các nhà thầu thi công các dự án giao thông trọng điểm đã và đang dốc lực đẩy nhanh tiến độ thi công “3 ca, 4 kíp”, với quyết tâm rút ngắn thời gian thi công, phấn đấu cơ bản hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra.
Nỗ lực hoàn thành tiến độ
Sau gần hai năm triển khai thi công, Ban Quản lý Dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, đến nay công tác thi công Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng đang đạt được những bước tiến vượt bậc.
Theo đó, hạng mục nhà ga hành khách phần xây thô kiến trúc đạt 97% khối lượng. Hiện các đơn vị đang tổ chức sơn bả, hoàn thiện các khu phòng kỹ thuật, phòng chức năng đạt 80% khối lượng.
Đối với hạng mục nhà để xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không phần xây thô kiến trúc đạt 95%. Dự kiến hoàn thành toàn bộ trụ cầu, nhịp cầu và hoàn thiện cầu ngày 20/2/2025. Phần hoàn thiện kiến trúc, các đơn vị đang triển khai thi công mái nhôm đạt 40%, dự kiến hoàn thành thi công toàn bộ các lớp mái nhà ga hành khách trong tháng 12/2024.
Theo yêu cầu của Chính phủ dự án phải được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp 30/4/2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, các nhà thầu huy động hơn 2.500 công nhân và kỹ sư, hàng trăm máy móc thiết bị triển khai thi công ngày đêm “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tại Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, sản lượng thi công đến nay đạt hơn 50% kế hoạch. Trong đó, tuyến chính đã đắp hoàn thành gia tải 36%; hoàn thành bản mặt 41 cây cầu. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành đắp gia tải tuyến chính và các cầu còn lại.
Nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam tập trung máy móc, nhân lực làm 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. (Ảnh: PV/Vietnam+)
|
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thừa nhận nguồn vật liệu cát để thi công dự án vẫn còn khó khăn khi còn thiếu 4 triệu m3 cát.
“Dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau là dự án nằm trong chương trình 3.000km cao tốc hoàn thành năm 2025. Do đó ban, tư vấn giám sát và nhà thầu đã lập kế hoạch chi tiết cho từng hạng mục công việc, xác định các điểm nghẽn, đưa ra giải pháp phù hợp để quyết tâm hoàn thành các dự án đảm bảo tiến độ hoàn thành vào 31/12/2025,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quả quyết.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang triển khai, có 6 dự án thành phần phấn đấu hoàn thành ngày 30/4/2025 gồm: Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Vân Phong-Nha Trang. Có 3 dự án thành phần phấn đấu hoàn thành ngày 30/9/2025 gồm: Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong.
Riêng dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có công trình hầm dài 3,2km tiến độ hoàn thành năm 2026, song nhà thầu là Tập đoàn Đèo Cả cũng đã nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để hoàn thành trong năm 2025.
Xử lý mạnh tay nhà thầu yếu kém
Chỉ đạo tại các cuộc họp về tiến độ các dự án giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành năm 2025 cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ, đặc biệt là công tác xử lý nền đất yếu, thi công hầm, cầu lớn để bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông, đảm bảo khi tuyến cao tốc vào khai thác, hệ thống giao thông thông minh hoạt động đồng thời.
“Nhà thầu phải có giải trình một cách rõ ràng từng khối lượng, công việc để đánh giá tính khả thi. Nếu không khả thi, phải điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác trong liên danh ngay tuần tới. Tất cả các nhà thầu bị điều chuyển khối lượng, ban quản lý dự án ra thông báo vi phạm hợp đồng và cấm tham gia các dự giao thông của Bộ Giao thông Vận tải trên toàn quốc. Không ưu ái, không có ngoại lệ," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Thi công hạng mục trụ cầu bắc qua sông trên một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
|
Đối với nguồn vật liệu, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải yêu cầu cố gắng tối đa sử dụng cát biển. Những vị trí cấp thiết, không dùng được cát biển thì mới sử dụng cát sông. Tuy nhiên, ông cũng đặc biết lưu ý đến chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu, vừa phải đảm bảo tiến độ vừa đảm bảo chất lượng.
“Các ban quản lý dự án phải làm việc với từng nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu đang chậm tiến độ, rà soát các kế hoạch, cam kết của nhà thầu phải hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra; tăng cường, nhân sự để kịp thời hoàn thành hồ sơ nội nghiệp và thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng đã thi công, đảm bảo nguồn tài chính phục vụ thi công," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo./.
Việt Hùng
- Giám đốc Xuyên Việt Oil rút quỹ Bình ổn giá xăng dầu để đầu tư bất động sản (21/11/2024)
- Giải ngân vốn đầu tư công đã đạt trên 60% kế hoạch (21/11/2024)
- Bà chủ Xuyên Việt Oil mang cả ‘chai nước tương và đôi dép’ đi tặng (21/11/2024)
- Điện lực TP HCM bảo đảm điện phục vụ mùa cao điểm cuối năm (21/11/2024)
- Bộ trưởng GTVT: Năm 2027 là thời điểm thích hợp để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao (21/11/2024)
- ‘Chỉ bàn làm, không bàn lùi’, đại biểu Quốc hội hiến kế hiện thực hóa tuyến đường sắt tốc độ cao (21/11/2024)
- Cần gì để phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam (21/11/2024)
- Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu xơ sợi staple nhân tạo từ polyester (21/11/2024)
- Kịch bản xuất khẩu dệt may năm 2025 (21/11/2024)