Doanh nghiệp hạn chế nguồn lực: Làm cách nào để chuyển đổi xanh?
Chuyển đổi xanh theo ESG mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như tăng doanh thu, tạo lợi thế cạnh tranh, tác động tích cực đến thương hiệu, nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, thu hút nhà đầu tư và dòng vốn đầu tư xanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi xanh còn gặp nhiều thách thức.
Tại tọa đàm "Chuyển đổi xanh theo ESG - Doanh nghiệp làm gì khi hạn chế nguồn lực?" sáng ngày 19/11/2024, các chuyên gia bàn giải pháp giúp doanh nghiệp thực thi chuyển đổi xanh theo ESG.
Tiêu chí xanh trở thành hàng rào kỹ thuật buộc doanh nghiệp Việt Nam phải làm
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA)
|
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho biết đại bộ phận doanh nghiệp hiện nay là nhỏ và vừa, nên nguồn lực và điều kiện của doanh nghiệp có những giới hạn nhất định. Tuy vậy, việc thực hiện ESG, thực hiện chuyển đổi xanh đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp đạt được phát triển bền vững.
Trước hết là đòi hỏi của thị trường. Doanh nghiệp nếu không thực hiện chuyển đổi xanh, không thực hiện ESG thì không bán được hàng, đặc biệt là vào các thị trường xuất khẩu. Hiện nay, tiêu chí xanh đã trở thành hàng rào kỹ thuật mới buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải làm.
Điều này không diễn ra đồng bộ ở tất cả mặt hàng mà diễn ra ở từng nhóm ngành hàng khác nhau, hay nói cách khác, đối với một ngành hàng thì trước sau gì cũng đến lượt phải thực hiện ESG.
Song, với nguồn lực hữu hạn, chỉ khi nào sức ép của khách hàng, thị trường đòi hỏi thì doanh nghiệp mới tích cực chuyển động.
Để thúc đẩy quá trình này, theo ông Hòa, đầu tiên, doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ đây là xu thế bắt buộc phải làm, không làm thì không thể tồn tại và phát triển.
Thứ hai, mặc dù tình hình thị trường hiện nay khó khăn do tổng cầu giảm nhưng chính bối cảnh khó khăn cũng cho phép chi phí đầu tư rẻ hơn.
Thứ ba, đối với TPHCM, với tinh thần của Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho Thành phố, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 09 và UBND TPHCM đã có Quyết định 42 về chương trình hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Ông Hòa cho rằng đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tận dụng, có thể tiến hành đầu tư thực hiện chuyển đổi xanh, đáp ứng đòi hỏi của thị trường và chuẩn bị đón đầu cho chu kỳ phát triển tiếp theo từ nguồn hỗ trợ lãi suất này.
Về phía HUBA, Hiệp hội đã cùng Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM - là doanh nghiệp đầu mối được giao cho chương trình hỗ trợ lãi suất này - thành lập một tổ liên ngành để lắng nghe, quảng bá, xúc tiến cho chương trình giữa doanh nghiệp muốn chuyển đổi và đơn vị cho vay, từ đó giải quyết các khúc mắc, giải đáp những thông tin chưa đầy đủ và thúc đẩy quá trình diễn ra.
Bàn về giải pháp, ông Hòa cho biết thứ nhất, doanh nghiệp phải cân nhắc phân tích điều kiện đặc thù của ngành nghề và nhận diện rõ những lĩnh vực, tiêu chí nào đang phải đối mặt và xếp theo thứ tự ưu tiên để có phân kỳ cho việc đầu tư.
Thứ hai, Hiệp hội cũng đề xuất các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi xanh nên phân loại và giới thiệu cho doanh nghiệp biết các giải pháp tương ứng với từng chữ cái trong ESG, hoặc tương ứng với từng ngành nghề và phân kỳ đầu tư trong thời hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm… cái gì làm trước, cái gì làm sau.
Thứ ba, Tổ liên ngành (HUBA phối hợp cùng với Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM) hỗ trợ giải pháp về vốn, đồng thời Hiệp hội cũng thành lập các ban công tác về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ban này sẽ là đầu mối tích hợp tất cả kinh nghiệm chuyển đổi xanh của tất cả doanh nghiệp trên các ngành nghề khác nhau để từ đó quảng báo và nhân rộng.
Giả sử một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản đã chuyển đổi như trường hợp của Phúc Sinh, thì bài học kinh nghiệm của doanh nghiệp sẽ được phân tích, giới thiệu cho những đơn vị cùng lĩnh vực. Như vậy, ở đây có sự chia sẻ thông tin, sự gợi mở và các bài học kinh nghiệm. Thậm chí, HUBA có thể nhờ doanh nghiệp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đi thăm, nghiên cứu, tìm hiểu.
Hay nói cách khác là các doanh nghiệp hợp sức với nhau, cùng chia sẻ, cùng làm. Ngoài vấn đề vốn, vấn đề giải pháp từ đơn vị cung ứng thì bài học từ những doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công và thậm chí từ những doanh nghiệp chuyển đổi thất bại cũng sẽ giúp rút kinh nghiệm, từ đó chọn được giải pháp phù hợp, bảo đảm cho nhu cầu chuyển đổi.
"Làm thật, sửa sai nhanh, không nói quá"
TS. Quản trị kinh doanh bền vững - ông Phạm Việt Anh
|
Ở góc độ chuyên gia về ESG, ông Phạm Việt Anh - TS. Quản trị kinh doanh bền vững, nghiên cứu sinh về phát triển bền vững và ngoại giao, đưa ra 3 từ khóa khuyến nghị các doanh nghiệp khi thực thi ESG.
Theo đó, từ khóa đầu tiên là “làm thật”, ngày nay nền kinh tế ảo, xã hội ảo thì mình phải làm thật, mình đi ngược lại thì mới xây dựng được niềm tin. Nó khác 30-40 năm trước, khi tôi làm một số thương hiệu lớn thì tiếp thị phải ảo hóa mới bán được hàng, còn giờ 15 giây tra google, Chat GPT là có thể tìm thấy hết sự thật.
Từ khóa thứ 2 là “sửa sai nhanh”. Tổ chức học tập là tổ chức có khả năng sửa sai nhanh hơn nơi khác. Bạn không làm thì không sai, đã làm thì phải sai, tôi tin anh Thông sai rất nhiều lần nhưng cái khác là anh có khả năng sửa sai nhanh hơn.
Với công ty tư nhân, đó lại là lợi thế vì mình không cần thông qua HĐQT, không có quá nhiều lợi ích tổ chức liên quan, không xung đột lợi ích với nhau nên chỉ cần có quyết tâm của người chủ thì quyết được ngay. Nên nếu có tư tưởng làm thật thì doanh nghiệp sửa sai rất nhanh.
Từ khóa thứ 3 là "không nói quá". Phát triển bền vững liên quan đến 3 vấn đề là: Chính trị, xung đột đạo đức và xung đột khoa học. Do đó, doanh nghiệp làm tới đâu nói tới đó, tránh được nguy cơ "quy kết tẩy xanh". Nếu nói quá, doanh nghiệp có thể bị mất cơ hội tiếp cận đầu tư.
Nguy cơ nữa sắp xảy ra là bị quy kết tẩy xanh từ các tổ chức chính trị phi lợi nhuận, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Những rủi ro này xóa sạch các thành quả của doanh nghiệp, thậm chí đối diện với những vụ kiện, vụ phạt từ người tiêu dùng.
Ba từ khóa này gồm "làm thật, sửa sai nhanh và không nói quá". Điều này rất hấp dẫn, bởi đầu tư phát triển bền vững là vừa kiếm tiền vừa đạo đức. Khái niệm đạo đức rất mê hoặc, doanh nghiệp nói quá sẽ đối diện rất nhiều rủi ro.
Cát Lam
- Làm đường sắt tốc độ cao: Doanh nghiệp Việt không liên kết sẽ thua trên sân nhà (19/11/2024)
- Ngành đường sắt lý giải chuyện giá vé tàu Tết tăng (19/11/2024)
- Ba cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc bị đề nghị kỷ luật vì liên quan đến vụ án Phúc Sơn (19/11/2024)
- Khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ của ‘ông lớn’ xi măng Vicem có nguy cơ mất vốn (19/11/2024)
- Cựu PGĐ Sở KH&ĐT TPHCM lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại hơn 39 tỷ đồng (19/11/2024)
- Chấm dứt hợp đồng dự án BOT gần 1.600 tỷ ở cửa ngõ TPHCM vì 9 năm chưa xong (19/11/2024)
- Liệu Việt Nam có lọt vào tầm ngắm của Donald Trump? (19/11/2024)
- Các dự án BOT giao thông sẽ bị tạm dừng thu phí trong trường hợp nào? (19/11/2024)
- Ngành logistics tại TPHCM phát triển chưa tương xứng tiềm năng (19/11/2024)