Doanh nghiệp FDI chỉ coi Việt Nam là "xưởng gia công"?
Giá trị gia tăng nội địa hàng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chỉ 10 – 20%, chưa bằng một nửa của Thái Lan, 45%.
Đây là một trong những số liệu được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề "Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài", được tổ chức mới đây.
ường như doanh nghiệp FDI vẫn đang "chần chừ" trong việc chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam.(Ảnh minh họa, nguồn Internet).
|
Phải xác định lộ trình công nghệ
Các số liệu tại hội thảo dẫn chứng, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI từng chia sẻ rằng, Việt Nam rất tự hào về kết quả xuất khẩu, nhưng có đến 73% giá trị xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp FDI. Họ chỉ coi Việt Nam như là xưởng gia công, họ nhập khẩu đầu vào, xuất khẩu đầu ra, còn Việt Nam chỉ hưởng tiền gia công. Giá trị gia tăng nội địa hàng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chỉ 10 – 20%, chưa bằng một nửa của Thải Lan, 45%.
Nhìn lại giai đoạn 2006 – 2015, gần 14.000 dự án FDI mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ, đạt 4,28%. Theo đó, hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên và có xu hướng ngày càng tụt hậu. Năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57, năm 2014 ở vị trí thứ 103, giảm 46 bậc. Trong khi đó, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Malaysia thứ 13.
Kinh nghiệm chuyển giao công nghệ ở Thái Lan cho thấy tầm quan trọng của lộ trình công nghệ. Theo ông Sootiporn Chittmittrapap, Tổng thư ký Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Thái Lan nhận định: "Lộ trình công nghệ là một công cụ mạnh mẽ để Thái Lan phát triển, không chỉ trong khoa học, chuyển giao công nghệ mà trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội".
Chính vì vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan đã có 17 công ty ô tô, 7 công ty xe máy, doanh nghiệp phụ trợ cấp 1 có 648 doanh nghiệp, doanh nghiệp phụ trợ cấp 2,3 có 1700 doanh nghiệp.
Bên cạnh, việc xác định lộ trình công nghệ, Thái Lan đã xây dựng mạng lưới công viên khoa học quốc gia ứng với từng khu vực vùng miền.
Cụ thể, tương ứng với khu vực phía Bắc, Thái Lan tập trung phát triển các lĩnh vực: Nông nghiệp và chế biến thực phẩm, phần mềm và nội dung số, y tế, khoa học sức khoẻ, y sinh tương ứng với 4 đại học đào tạo các chuyên ngành như trên. Khu Đông Bắc, Thái Lan tập trung phát triển 4 công viên khoa học tương ứng với phát triển các lĩnh vực như nông nghiệp và chế biến thực phẩm, ổ cứng, phần mềm, doanh nghiệp và phần mềm nhúng, công nghiệp mỏ và năng lượng thay thế. Ngoài ra, khu phía Nam có 2 công viên khoa học ứng với phát triển các ngành như thực phẩm, nông nghiệp, thuốc tự nhiên, mỹ phẩm.
Kinh nghiệm từ Trung Quốc
Ngoài ra, nhận định về kết quả thu hút, chuyển giao công nghệ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết: "Điểm chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam là rất thấp. Với kết quả thu hút như vậy, đứng trước thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đây là việc rất đáng lo ngại".
Theo phân tích của ông Doanh, về mặt kinh tế, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Khu vực kinh tế tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đóng góp khoảng 9,6% GDP, hộ kinh tế gia đình là 31, 2% GDP, trong đó 17% là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, còn lại là hộ gia đình.
"Hộ gia đình, không có thương hiệu, không có sản phẩm, không có đăng ký theo luật, cũng không nộp thuế theo hoá đơn chứng từ, mà nộp thuế khoán. Vì vậy, hộ kinh doanh gia đình này là khối phi hình thức, và cũng không có khả năng cạnh tranh và không có khả năng hợp tác với khối doanh nghiệp FDI và cũng không muốn vận dụng khoa học công nghệ", ông Doanh phân tích.
Theo Luật Doanh nghiệp, khi sử dụng quá 10 lao động phải đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, có những hộ gia đình có sử dụng từ 50 – 80 lao động tại Hà Nội vẫn không muốn đăng ký trở thành doanh nghiệp. Bởi họ đã chịu thuế khoán. Ngoài ra, các doanh nghiệp có đăng ký, hầu như không có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trên địa bàn Hà Nội có kết hợp với doanh nghiệp FDI.
"Phần lớn các doanh nghiệp có đăng ký hợp tác theo tư duy tìm kiếm lợi nhuận, có lợi ích nhóm, tạo mối quen biết vì vậy, nhu cầu sử dụng công nghệ cao là thấp", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích.
Vì vậy ông cho rằng: "Hãy nghiên cứu một số điển hình có kinh nghiệm tốt, xây dựng những bài học có thể vận dụng khuyến khích doanh nghiệp tư nhân vận dụng khoa học và tốt hơn. Một số doanh nghiệp tư nhân đã làm tốt, ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng, xây dựng trang trại và kết quả là xuất khẩu tạo giá trị gia tăng nhiều hơn. Điều này cho thấy, chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cần tốt hơn".
Chia sẻ kinh nghiệm từ Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, Trung Quốc đã thành lập một học viện về người máy và công nghệ cao để giúp doanh nghiệp tư nhân muốn vận dụng khoa học kỹ thuật gì họ sẽ đưa ra phương án đào tạo cán bộ và giúp đỡ.
Ví dụ, doanh nghiệp nào muốn mua người máy, chính quyền sẽ hỗ trợ 60% chi phí. Nếu doanh nghiệp muốn đào tạo người lao động, chính quyền sẽ hỗ trợ 40 – 60% chi phí tuỳ theo ngành nghề. Nếu người máy được sử dụng để thay công nhân, những người công nhân này sẽ được đào tạo những kỹ năng mới để thích nghi với công việc khác.
Ngoài ra, công ty nào muốn thu hút đầu tư lớn, họ sẵn sàng tặng một tỷ lệ cổ phần nhất định để biến nhà đầu tư đó trở thành cổ đông trong doanh nghiệp của họ.
Với những kinh nghiệm từ Thái Lan, Trung Quốc như vừa nêu, hy vọng đây sẽ là những case study Việt Nam có thể tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.
Ngọc Hà
- Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam (26/06/2018)
- TP. Hồ Chí Minh triển khai khảo sát DDCI năm 2024 (26/06/2018)
- Con số thiệt hại trong 5 vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn giữ vai trò chủ mưu (26/06/2018)
- Giao dịch 250 tỷ USD/năm, Việt Nam làm gì để tham gia thị trường tín chỉ carbon? (26/06/2018)
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Tăng cường quản lý chất lượng nhằm ổn định thị trường vật liệu xây dựng (26/06/2018)
- Ông Lê Đức Thọ nêu lý do ưu ái và cho bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil tài khoản ngân hàng số đẹp (26/06/2018)
- Giám đốc Xuyên Việt Oil rút quỹ Bình ổn giá xăng dầu để đầu tư bất động sản (26/06/2018)
- Giải ngân vốn đầu tư công đã đạt trên 60% kế hoạch (26/06/2018)
- Cấm cửa nhà thầu không hoàn thành cam kết đúng tiến độ dự án giao thông (26/06/2018)