FDI 2019: Số lượng dự án tăng, nhưng quy mô giảm
Khép lại năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 38,02 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,2% so với năm 2018, trong đó số góp vốn mua cổ phần chiếm 40,7% tổng vốn cam kết.
Dòng vốn mua cổ phần công ty tại Việt Nam đang tăng mạnh. Ảnh minh họa: TL.
|
Số liệu trên được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổng kết tính đến ngày 20-12. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm nay dù cả nước có đến 3.883 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% số dự án so với năm ngoái nhưng do số vốn đăng ký của các dự án này thấp, chỉ đạt 16,75 tỉ đô la nên bị giảm 6,8% vốn so với cùng kỳ năm 2018.
Thống kê của cơ quan này cho thấy, quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 5,9 triệu đô la của năm ngoái giảm xuống còn 4,3 triệu đô la trong năm 2019.
Tương tự về vốn điều chỉnh, trong năm có 1.381 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh tổng cộng 5,8 tỉ đô la, tăng 18,1% số dự án nhưng giảm đến 23,6% vốn so với năm 2018 do quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ. Bình quân 4,2 triệu đô la/lượt điều chỉnh, thấp hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu đô la/lượt điều chỉnh. Và, đáng chú ý là cả năm nay không có dự án tăng vốn quy mô lớn như năm 2018.
Trong năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân 20,38 tỉ đô la, tăng 6,7% so với năm 2018. Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ. |
Tuy nhiên, do trong năm nay, lượt dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng cao, đạt 9.842 lượt với tổng giá trị vốn góp 15,47 tỉ đô la, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. Nhờ đó mà tổng vốn ngoại cam kết trong năm nay tăng so với năm ngoái.
Đáng chú ý, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,9%, năm 2019 chiếm 40,7%. Các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 45,8% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản với 17,8% tổng giá trị.
Trong năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỉ đô la, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký, cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỉ đô la, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ,…
Hàn Quốc trở lại đầu bảng vốn cam kết Theo đối tác đầu tư, dù trong suốt 11 tháng đầu năm Hồng Kông luôn dẫn đầu nhưng kết thúc năm nay Hàn Quốc đã có một bước bứt phá để dẫn đầu về nguồn vốn cam kết đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỉ đô la, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỉ đô la (trong đó, có 3,85 tỉ đô la mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 48,9% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông). Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỉ đô la, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc,... Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018. |
Hùng Lê
- Pháp lý về hợp đồng quyền chọn hàng hóa tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều thách thức (25/12/2019)
- Tiếp tục đề nghị truy tố anh em chủ đậu phộng Tân Tân với 2 tội danh (25/12/2019)
- Ngành gỗ đối mặt thách thức mới (25/12/2019)
- Hà Nội: Điều tra vụ Chủ tịch công ty địa ốc chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn (25/12/2019)
- Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên vận hành thử 100% công suất (25/12/2019)
- Xuất khẩu gỗ đối mặt nhiều thách thức khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ (25/12/2019)
- Công ty của Elon Musk cân nhắc chuyển sản xuất đến Việt Nam (25/12/2019)
- Đơn hàng dồi dào, ngành dệt may dự kiến đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD (25/12/2019)
- Thành lập Ban chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ (25/12/2019)