FTA EU-Việt Nam: đường còn xa!
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam (EVFTA) được khởi động cách đây gần 10 năm và đàm phán đã kết thúc vào tháng 12-2015. Kể từ tháng 5-2017, việc thông qua bị vướng ở phía EU và nhiều khả năng, thời gian chờ sẽ còn kéo dài.
EVFTA dưới góc nhìn của EU
EU và ASEAN đã có những trao đổi đầu tiên về FTA vào năm 2007. Sau đó, do thấy khó có được một FTA sớm giữa hai khu vực nên từ năm 2009, EU đã tiến hành đàm phán riêng với các thành viên của ASEAN. Với Việt Nam, đã có 14 vòng đàm phán trong giai đoạn tháng 6-2012 đến tháng 8-2015 và đàm phán đã kết thúc vào ngày 2-12-2015. EVTFA chuyển sang giai đoạn chờ thông qua và chuẩn y.
Tuy nhiên, ý kiến của Tòa Liên minh châu Âu, tòa Thượng thẩm (the European Court of Justice) vào ngày 16-5-2017 liên quan đến FTA giữa EU và Singapore cũng được áp dụng cho Việt Nam. Theo đó, Ủy ban châu Âu đã hỏi ý kiến của tòa về một số nội dung trong hiệp định không thuộc thẩm quyền toàn bộ của EU, nhất là hai nội dung đầu tư gián tiếp (portfolio invesment) và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với chính quyền sở tại (investor-state dispute settlement). Kết quả là, để được thông qua toàn bộ nội dung, cần sự chuẩn y của cả 28 nước thành viên EU.
Ở góc độ kinh tế, EVFTA được coi là một hiệp định thương mại tham vọng nhất của EU với một quốc gia đang phát triển. Khi FTA này có hiệu lực toàn bộ, hơn 99% dòng thuế sẽ được dỡ bỏ cho hàng hóa EU, mở cửa thị trường dịch vụ cho các doanh nghiệp EU và bảo vệ tốt hơn các đầu tư của EU ở Việt Nam.
Nhưng EU cho rằng, Việt Nam là bên có lợi nhiều hơn trong hiệp định này. Theo tính toán của EU, khi thực hiện EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 35%, GDP sẽ tăng thêm 15% và lương trung bình tăng 13% (so với không có EVFTA). Trong khi đó, về phía EU, sẽ chỉ tăng khoảng 0,2% GDP và xuất khẩu sang ASEAN của EU chỉ tăng khoảng 1%.
EU có mặn mà với EVFTA?
Một số lý do sau có thể khiến EVFTA không thể sớm được thông qua từ phía EU.
Thứ nhất, hiện nay EU đã có quy chế ưu đãi thương mại với Việt Nam, hơn 53% hàng xuất khẩu từ Việt Nam được miễn thuế, phần còn lại chịu thuế suất trung bình khoảng 4,2%. Khả năng Việt Nam chuyển sang nhóm nước thu nhập trên trung bình (ngưỡng hiện nay của GNI là 3.956 đô la Mỹ) trước năm 2028 để không còn hưởng quy chế này là rất thấp.
Thứ hai, phía EU quan ngại các hàng rào kỹ thuật từ phía Việt Nam đưa ra, nhất là trong lĩnh vực ô tô xe máy, dược phẩm, với các quy trình kiểm định phê duyệt chưa theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước cần được lành mạnh hơn, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý (EU có 169 chỉ dẫn địa lý cần được bảo vệ).
Thứ ba, do tác động của các nhóm NGO (tổ chức phi chính phủ), liên quan đến vấn đề môi trường và nhân quyền ở Việt Nam. Việt Nam đã ký Thỏa thuận đối tác và hợp tác (PCA) với EU vào năm 2012 và đã có hiệu lực từ tháng 10-2016 về năng lượng, nhập cư và nhân quyền. Giữa PCA và EVFTA lại có liên hệ với nhau. Chẳng hạn, nếu Việt Nam không tôn trọng PCA thì FTA có thể bị hoãn. Ví dụ điều khoản về nhân quyền và dân chủ (điều 1, PCA) có thể dẫn đến điều khoản X.17(2) FTA và 57 PCA.
Cuối cùng, quy trình thông qua EVFTA là khá phức tạp. Sau quyết định của Tòa Liên minh châu Âu ngày 16-5-2017 liên quan đến FTA giữa EU và Singapore, hiện giờ EVFTA đang ở ngã ba đường. Khả năng thứ nhất là EVFTA phải được thông qua bởi Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu, và tất cả 28 nước thành viên. Nếu vậy, nguy cơ bị trì hoãn và kéo dài là rất lớn. Khả năng thứ hai là hiệp định này sẽ được chia nhỏ, thông qua bởi EU và các nước thành viên riêng, tùy theo nội dung.
Nhưng dù có theo khả năng thứ hai, thì việc thông qua ở cấp độ EU vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các nước thành viên, quy trình thông qua ngày càng minh bạch và có nhiều bên tham gia, từ quốc hội của nước thành viên đến tiếng nói của các nhóm xã hội dân sự. Và, bất kể khả năng nào được lựa chọn, việc dịch toàn bộ tài liệu sang tiếng Việt và các ngôn ngữ chính của EU sẽ mất vài tháng. Điều này có nghĩa quá trình thông qua sẽ được khởi động không thể sớm hơn tháng 10-2018.
EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng mà Việt Nam có thặng dư lớn. Việc đa dạng các đối tác thương mại chính cũng là cách giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn còn lại. EU nhìn Việt Nam trong tổng thể thị trường ASEAN và trong vấn đề địa chính trị ở khu vực ASEAN. Sòng phẳng mà nói, Việt Nam cần EVFTA hơn là EU. Do đó, Việt Nam cần có nhiều thiện chí và hành động cụ thể, để có được một đối tác thương mại bền vững.
Tài liệu tham khảo:
http://www.europarl.europa.eu/thinktank/en/home.html
http://trade.ec.europa.eu/doclib/docs/2017/september/tradoc_156035.pdf
http://curia.europa.eu/juris/document/document.jsf?text=&docid=190727&pageIndex=0&doclang=EN&mode=lst&dir=&occ=first&part=1&cid=882092
Võ Đình Trí
- Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam (12/04/2018)
- TP. Hồ Chí Minh triển khai khảo sát DDCI năm 2024 (12/04/2018)
- Con số thiệt hại trong 5 vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn giữ vai trò chủ mưu (12/04/2018)
- Giao dịch 250 tỷ USD/năm, Việt Nam làm gì để tham gia thị trường tín chỉ carbon? (12/04/2018)
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Tăng cường quản lý chất lượng nhằm ổn định thị trường vật liệu xây dựng (12/04/2018)
- Ông Lê Đức Thọ nêu lý do ưu ái và cho bà chủ Công ty Xuyên Việt Oil tài khoản ngân hàng số đẹp (12/04/2018)
- Giám đốc Xuyên Việt Oil rút quỹ Bình ổn giá xăng dầu để đầu tư bất động sản (12/04/2018)
- Giải ngân vốn đầu tư công đã đạt trên 60% kế hoạch (12/04/2018)
- Cấm cửa nhà thầu không hoàn thành cam kết đúng tiến độ dự án giao thông (12/04/2018)