Mỗi ngày một nông sản kêu cứu
Danh sách các mặt hàng nông sản rớt giá, chờ "giải cứu" kéo dài theo từng ngày. Chỉ khoảng nửa đầu tháng 6, trên cả nước có hàng loạt mặt hàng nông sản thay nhau kêu cứu.
"Giải cứu" ở khâu tiêu thụ không phải là giải pháp phát triển nông nghiệp. Q.M
|
Nếu không có giải pháp dài hạn, không quá lời khi nói, chung ta có nguy cơ đối diện với tình trạng mỗi ngày một nông sản kêu cứu.
Nước mắt rơi trên đồng ruộng
Năm nay trúng mùa khóm (dứa), tuy nhiên từ bắc tới nam bà con nông dân đồng loạt kêu cứu. Tại huyện Phú Hòa (Phú Yên), giá chỉ có 1.000 đồng/trái, nhiều nông dân thua lỗ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng vụ này. Người trồng khóm ở tỉnh Thanh Hóa cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự.
Cùng với khóm, giá khoai lang ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) rớt từ 10.000 xuống còn 3.000 đồng/kg. Bà con nông dân than lỗ, chính quyền địa phương kêu gọi doanh nghiệp thu mua để “giải cứu”, hỗ trợ bà con ổn định sản xuất. Nông dân tỉnh Gia Lai trước đó thì kêu trời với bí đao thối đầy đồng không ai mua. Đó cũng là cảnh ngộ chung của nông dân ở thành phố Hội An (Quảng Nam). Người trồng bí đao đứng ngồi không yên vì thu hoạch xong không có nơi tiêu thụ, giá chỉ 1.000 - 1.500 đồng/kg vẫn không có người mua. Trước đó không lâu, cũng tại Quảng Nam nông dân kêu cứu vì ớt, dưa hấu không có người mua.
Ở khu vực miền Nam, nông dân trồng mít cũng khốn khổ vì giá mít từ 40.000 - 50.000 đồng rớt xuống còn 5.000 - 7.000 đồng/kg hay như giá dừa từ 170.000 rớt xuống chỉ còn 30.000 đồng/chục. Tại TP.HCM, nông dân nuôi bò sữa lại lao đao vì giá sữa rẻ như... nước lã. Nhiều hộ phải bán bò và chấp nhận chịu lỗ. Hay trước đó là câu chuyện ế ẩm củ cải trắng ở Hà Nội.
Những dẫn chứng trên chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về các mặt hàng nông sản đã và đang kêu cứu. Giải cứu đã không còn là điệp khúc mà trở thành một bản trường ca của nông sản Việt.
Nông dân tự do
Có hai nguyên nhân chính của thực trạng trên. Một là - Trung Quốc không mua, phổ biến với hầu hết các mặt hàng. Thứ hai - chất lượng không đạt yêu cầu của doanh nghiệp.
Thực tế, chuyện sản xuất chạy theo giá cả thị trường, theo phong trào đã kéo dài hàng chục năm chứ không phải ngày một ngày hai và bài học kinh nghiệm cũng không đếm xuể. Tuy nhiên, nhiều nông dân lại dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông, kiếm lời trước mắt với hy vọng mơ hồ sẽ tránh được rủi ro. Bằng chứng cho việc này là tình trạng nóng - lạnh giá heo mấy năm nay. Dù có nhiều thông tin cảnh báo, dù vừa nuôi vừa lo nhưng hầu hết bà con vẫn lao theo cơn sốt. Cứ giá lên là tăng đàn. Thế là đến lúc xuất chuồng, giá lại giảm. Đã có thời điểm, cả nước phải giải cứu thịt heo khi giá lao dốc không phanh.
Tình trạng được mùa mất giá của nông sản Việt từng được GS Võ Tòng Xuân tóm tắt: Vì nông dân Việt Nam là những người tự do nhất thế giới, sản xuất không có kế hoạch và cũng không ai quản lý, lập kế hoạch cho họ. Từ đó hình thành tâm lý sản xuất chạy theo thị trường. Cũng theo GS Xuân, trách nhiệm đầu tiên là của người nông dân nhưng trách nhiệm quan trọng nhất, có yếu tố quyết định là của ngành quản lý - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Củ cải "mở hàng" cuộc giải cứu năm nay. Phan Hậu
|
Báo cáo nông nghiệp vẫn...lạc quan
Hằng năm, hằng tháng các báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều cho thấy những tính hiệu lạc quan. Từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu đều tăng tưởng… Nhưng thực tế, có đến 7/8 nhóm nông sản xuất khẩu tỉ đô phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ Trung Quốc; nông sản cần giải cứu ngày càng tăng, diễn ra ở khắp nơi, với hầu hết mặt hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua nhà nước có nhiều chính sách cho nông nghiệp nhưng nông dân và doanh nghiệp nhỏ vẫn khó tiếp cận. Những gói tín dụng hàng chục, hàng trăm tỉ đồng ưu đãi lãi suất cho nông nghiệp không biết rõ đối tượng đã được thụ hưởng. Theo GS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, với điều kiện tự nhiên, dân số, đất đai của Việt Nam để chấm dứt tình trạng giải cứu phải tổ chức lại theo hình thức hợp tác xã kiểu mới. Theo đó các hộ nông dân cá thể liên kết với nhau trên tinh thần, mục đích làm ăn thật. Có vùng nguyên liệu, hợp tác xã sẽ sản xuất theo yêu cầu về chủng loại, số lượng, chất lượng của doanh nghiệp, theo nhu cầu thị trường. Muốn cho sự hợp tác này bền vững phải có sự tham gia của bên thứ ba là Nhà nước. Nhà nước bằng cơ chế chính sách tạo điều kiện để các nông dân cá thể liên kết được với nhau và môi trường tốt để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Nhà nước phải chọn được những doanh nghiệp làm ăn thật, có dự án, có thị trường thật.
Chí Nhân
- Làn sóng đầu tư chip tỷ USD đổ về Việt Nam giữa căng thẳng Mỹ-Trung (20/06/2018)
- Bộ Công Thương dừng áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ từ 4 thị trường lớn (20/06/2018)
- Để chiếm lại top đầu, ngành 40 tỷ USD của Việt Nam nhìn bài học từ Bangladesh (20/06/2018)
- Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc (20/06/2018)
- Bộ Công Thương lấy ý kiến về điện hạt nhân, tỉnh có dự án dở dang kiến nghị thẳng (20/06/2018)
- Pháp lý về hợp đồng quyền chọn hàng hóa tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều thách thức (20/06/2018)
- Tiếp tục đề nghị truy tố anh em chủ đậu phộng Tân Tân với 2 tội danh (20/06/2018)
- Ngành gỗ đối mặt thách thức mới (20/06/2018)
- Hà Nội: Điều tra vụ Chủ tịch công ty địa ốc chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn (20/06/2018)