Mười năm sau, không ai còn nhận ra cơ sở CTL, tiền thân của Á Châu ngày nào, bởi nó lớn hơn hẳn về quy mô lẫn tầm hoạt động. Thế nhưng chủ nhân của Á Châu vẫn ấm ức vì sao nó chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường và vì sao thị trường hóa chất Việt Nam lại bị các tập đoàn nước ngoài “thôn tính”.
Chính sự ấm ức ấy đã thôi thúc người đàn ông mê đắm các phản ứng hóa học nhưng lại khá nhạy bén trong kinh doanh dốc lòng, dốc sức cho một ước mơ bình đẳng với các tập đoàn nước ngoài...
Trưởng thành trong mỗi chuyến đi
* Rời quê hương lên Sài Gòn với quyết tâm lập nghiệp, ông có thấy mình may mắn hơn những người cùng hoàn cảnh khi dễ dàng tìm được việc làm để có thể bám trụ ở thành phố này?
- Tôi không cảm thấy may mắn trong chuyện này vì Sài Gòn luôn có đủ chỗ cho mọi người. Vấn đề là công việc mình tìm được có như ý mình hay không. Ở khía cạnh này thì tôi thấy chọn được công việc tốt hay không là do mình đã đầu tư như thế nào trong quá khứ.
Như người ta vẫn nói, Sài Gòn không cho không ai cái gì. Nếu có khả năng anh sẽ vượt lên sự mòn xói của quy luật đào thải. Có thể những người đã chọn học đại học ở tỉnh lẻ như tôi sẽ có ý định bám trụ ở quê hương hơn là bon chen nơi thành thị.
Tôi chọn thành phố này làm điểm đến bởi tôi cần có cơ hội học cao hơn ngoài kiến thức của một kỹ sư hóa chất.
* Chắc hẳn ước mơ của ông ngày trước là trở thành giảng viên...?
- Tiếc là tôi chỉ mê những phản ứng hóa học, mê hóa chất chứ không mê giảng dạy. Tôi muốn học lên cao chỉ là để thỏa khát khao nâng tầm kiến thức của mình.
Lên Sài Gòn, tôi đầu quân vào văn phòng đại diện của một công ty trong ba năm liền. Lúc đó không có ý định giảng dạy nên thay vì học chuyên ngành hóa, tôi lại chọn quản trị kinh doanh. Đến bây giờ thì tôi thấy quyết định ấy hoàn toàn hợp lý.
* Nghĩa là ông đã có ý định kinh doanh ngay từ khi đầu quân về công ty ấy?
- Môi trường làm việc mang đến cho tôi cơ hội đi nhiều nơi, quan sát thị trường trong nước cũng như thế giới. Tôi cũng học được cách điều hành công ty của người nước ngoài. Những kiến thức lượm lặt được trong đời sống giúp tôi trưởng thành hơn từng ngày và khiến ước mơ kinh doanh trong tôi nảy mầm.
* Khi nào thì cái mầm ấy được gieo trồng và phát triển thành cây, thưa ông?
- Tôi có cái tật hễ thấy cái gì lạ là phải hỏi, phải tìm hiểu... Chẳng hạn, khi ra nước ngoài, thấy cái bánh có vị lạ, tôi thường thắc mắc công thức làm bột bánh như thế nào. Hay ăn món ăn lạ tôi cũng nghĩ không biết món này ở Việt Nam có không.
Khi những cái lạ ấy ngày một nhiều hơn, tôi quyết định ra riêng. Và tôi biết sẽ vất vả nhưng không làm thì phí những gì mình được học, được thấy... bởi chúng không được ứng dụng.
* Và câu chuyện 2.000USD của ông được viết nên từ đấy?
- May mắn là tôi cũng biết cần kiệm, tích cóp dù độc thân, sống xa gia đình. 2.000USD tiền tiết kiệm ngày đó tôi dùng để mở một cơ sở nhỏ. Do mới lạ nên sản phẩm của cơ sở nhanh chóng được thị trường chấp nhận và chúng tôi có điều kiện phát triển.
Nhìn lại tấm hình chụp ngày xưa thấy cơ sở èo uột lắm, nhưng không hiểu sao lúc đó mình tự hào quá chừng. Công ty chỉ có ba người, ai nấy đều cật lực làm việc nhưng lúc nào cũng vui vẻ.
Chia sẻ để bền vững
* Không kể nhà máy thì Công ty CP Hóa chất Á Châu bây giờ là một văn phòng khang trang trong một tòa nhà hiện đại. Nhưng treo tấm ảnh công ty ngày xưa ở vị trí trang trọng có phải là cách ông nhắc nhớ mình về những ngày khó khăn?
- Lịch sử thuộc về quá khứ nhưng lại là nền tảng của tương lai. Tôi trân trọng từng giai đoạn của Á Châu bởi giai đoạn nào cũng có vai trò quan trọng của nó.
* Sự khác biệt giữa CTL ngày xưa và Á Châu bây giờ trong cái nhìn của ông?
- Việc quản lý công ty nhỏ sẽ khác rất nhiều so với việc lãnh đạo một công ty lớn như ngày nay, đặc biệt là quản lý con người. Những người ngày xưa vẫn còn ở Á Châu và tính gắn bó của chúng tôi vẫn thế. Tuy có mặt ở Cần Thơ, TP.HCM và Hà Nội nhưng nhân sự của Á Châu chỉ tầm 90 người. Chúng tôi tinh chứ không đông.
Nói thật, Á Châu có được như ngày nay chủ yếu là nhờ sự chia sẻ. Chúng tôi chia sẻ thông tin, chia sẻ quyền lợi. Chia thông tin để cùng nhau hiểu tình hình cụ thể của công ty, để cùng nhau làm việc đúng hướng. Còn chia quyền lợi để mọi người có thể bình đẳng với nhau, cùng nhau cố gắng để có thể hưởng mức quyền lợi tương xứng với sức lao động của mình.
Doanh nghiệp muốn phát triển được phụ thuộc nhiều vào việc có nhân lực tốt hay không. Thế nên, tôi chú trọng đến yếu tố nhân viên mình có hạnh phúc hay không.
* Nhưng chia sẻ nhiều quá, khi có việc không như ý, những thông tin mà nhân viên sở hữu cũng có thể trở thành mối họa, ông có nghĩ vậy không?
- Tất nhiên tôi có phân quyền rõ ràng trong việc tiếp xúc thông tin. Nhưng trên hết vẫn là tinh thần cởi mở. Thuật quản trị dù ứng dụng tốt nhưng thế nào cũng có những rủi ro riêng của nó. Nếu đó là do yếu tố thuộc về con người thì khó lòng đoán trước.
Tôi đã làm hết mình vì tập thể và tập thể cũng đáp lại tôi nhiệt tình. Trong trường hợp xấu nhất, cho đi mà không được đáp lại, tôi cũng đành chịu. Tôi chọn cách nghĩ đơn giản như vậy. Trong kinh doanh cũng thế!
* Mộc mạc trong kinh doanh không phải là điều được khuyến khích. Ông không nghĩ thế sao?
- Nhìn một cách sâu sắc thì thị trường hóa chất ở Việt Nam bị chi phối hoàn toàn bởi các công ty nước ngoài. Các tập đoàn nước ngoài có chân rết chi chít trên thị trường. Nếu cứ đắn đo thì tôi làm thế nào đủ can đảm lao đầu vào lĩnh vực này?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình phải cố gắng hết sức, tận dụng hết năng lực của bản thân để xem có thể tồn tại và phát triển hay không. Nghĩ đơn giản để tự tin, để có chiến lược phù hợp hoàn toàn khác với hời hợt, bộp chộp... trên thương trường.
Niềm tin chính sách
* Nếu đánh giá một cách “đơn giản” như ông thì hiện giờ Á Châu đang ở đâu trên thương trường?
- Trong hoàn cảnh thực tế là các “đại gia” trong ngành hóa chất đều là công ty nước ngoài thì rất khó để nói thứ hạng của Á Châu. Tôi chỉ đặt mục tiêu đến năm 2012 Á Châu phải tăng trưởng gấp 10 lần và mỗi năm cố gắng phát triển 50% so với cùng kỳ năm trước rồi thực hiện nó một cách đơn giản như cách tôi vẫn làm trước nay.
* Ông nhìn thấy tiềm năng nào ở thị trường mà tự tin đến thế?
- Á Châu sẽ từng bước lấn sân sang sản xuất thay vì chỉ phân phối như hiện nay. Công nghiệp thực phẩm Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mà những thứ đơn giản như dầu mực, dầu gan cá...đều phải nhập khẩu, trong khi nguyên liệu sản xuất thì có sẵn trong nước.
Tôi nghĩ, còn quá nhiều khoảng trống trong lĩnh vực này nhưng do lớn về quy mô nên các tập đoàn nước ngoài chưa chú ý đến những ngách hẹp này. Cơ hội cũng còn nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam. Thế nên tôi nguyện làm con ong chăm chỉ của thị trường, với ước mơ được bình đẳng với các tập đoàn nước ngoài trên quê hương.
* Việc lấn sân sang lĩnh vực sản xuất của ông cũng có nhiều trắc trở chứ?
- Năm 2008, tôi thành lập AFI - nhà máy sản xuất kem không sữa đầu tiên ở Việt Nam, có sự tham gia của Vinamilk. Khi vừa mới quyết định đầu tư mua đất xây dựng nhà máy thì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra. Lúc đó tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như lãi suất, tỷ giá tăng cao, kinh doanh tại Á Châu giảm sút...
Tuy nhiên, nghĩ kỹ lại, tôi không hối hận và kiên định với quyết định của mình. Có đi mới đến được đích! Thay vì tham gia thị trường chứng khoán hay tích lũy để sinh lời thì tôi vẫn thích đầu tư vào sản xuất bởi nó mang lại lợi ích cho xã hội, có thể giảm nhập siêu, tạo công ăn việc làm cho người lao động... Theo tôi, đó mới là nhiệm vụ xã hội của doanh nghiệp. Đầu tư cho sản xuất là đầu tư lâu dài.
* Nhưng rồi ông cũng đã vượt qua những thử thách ấy?
- Tôi đi qua khó khăn bằng sự quyết tâm, tinh thần kiên định và tham vọng của mình. Sau ba năm, tình hình vẫn còn khó khăn nhưng ít nhất tôi đã có sản phẩm đưa ra thị trường. Trong đó vốn vay vẫn là bài toán nan giải cho đến hiện giờ. Lãi suất tăng mà tổng cầu lại giảm.
Cũng may, sau 4 tháng có sản phẩm, thị trường nhanh chóng chấp nhận chúng tôi. Tuy nhiên, đó chỉ là trường hợp của riêng AFI. Với tình hình kinh tế chung, để phát triển hơn nữa trong điều kiện này, doanh nghiệp chúng tôi đang chờ đợi chính sách!
* Người ta vẫn nói, chờ đợi không phải là cách nên làm, nhất là chờ đợi chính sách!
- Chính sách vĩ mô tác động rất lớn đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, không làm gì mà chỉ ngồi chờ mới là đáng trách. Trong giai đoạn này, cần nhất là chọn và mời gọi được những đối tác chiến lược để tạo lực tổng hợp cùng nhau vượt bão.
Ví dụ, nhờ hợp tác với Quỹ Đầu tư Mekong, Á Châu phần nào giải quyết được những rào cản trong quá trình phát triển của mình. Chúng tôi đang rất cố gắng bằng niềm tin của mình!
* Ông có vẻ rất tự tin về sản phẩm mà AFI sản xuất?
- Bột kem không sữa là nguyên liệu chính trong sản xuất các loại thực phẩm như: đồ uống, ngũ cốc, bánh kẹo, kem... Tính ứng dụng cao như thế nên nhu cầu của thị trường cũng rất lớn. Do đó, tôi không sợ mình thất bại với AFI.
Điều tôi mong mỏi nhất là nhà máy sẽ gián tiếp giúp tiêu thụ tinh bột sắn của nông dân. Chúng tôi sẽ có chính sách hỗ trợ nông dân để họ không bị thiệt thòi như khi bán cho thương lái Trung Quốc như hiện nay.
* Nhiều việc như vậy nhưng ông vẫn tham gia và là một trong những doanh nhân có mặt ở vòng chung kết giải thưởng Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2011 do VCCI và Ernst & Young, Techcombank đồng tổ chức?
Đến đâu, tham gia vào hoạt động nào... mình cũng sẽ có được những bài học hữu ích. Với tôi, giải thưởng này cũng là một công việc quan trọng bởi tôi cho rằng đây là một hoạt động có tính chất cộng đồng và có ý nghĩa.
* Tính toán, ôm đồm nhiều thứ như thế, làm sao ông có giấc ngủ yên?
- Tôi chưa hài lòng với bản thân nên vẫn luôn cố gắng hàng ngày. Còn quá nhiều việc phải làm, còn nhiều sản phẩm cần phát triển... Nhưng, như đã nói, tôi lúc nào cũng hết mình với công việc, với mọi người nên giấc ngủ đến với tôi êm ả lắm!
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
- “Thay tướng giữa đàng”, chuyện gì đang xảy ra ở REE? (08/09/2011)
- Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam (08/09/2011)
- Red Capital chính thức đón chào quỹ thành viên quy mô 300 tỷ (08/09/2011)
- PNJ thu hơn 3,100 tỷ đồng trong tháng 10 (08/09/2011)
- Chứng khoán Tuần 18-22/11/2024: Kỳ vọng dòng tiền quay trở lại (08/09/2011)
- CII dùng 3.7 triệu cp LGC đảm bảo cho lô trái phiếu 108 tỷ đồng (08/09/2011)
- TP. Hồ Chí Minh triển khai khảo sát DDCI năm 2024 (08/09/2011)
- Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Chiến lược của Temu đang hủy hoại thương hiệu nội địa (08/09/2011)
- Kế toán trưởng SP2 nộp đơn từ nhiệm sau khi Công ty nhận quyết định xử phạt thuế (08/09/2011)