Theo ông Trần Bảo Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu, thị trường sữa Việt Nam có quy mô 3 tỷ USD, với nhiều tên tuổi như Vinamilk, FrieslandCampina Việt Nam (liên doanh giữa Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương với Tập đoàn Royal FrieslandCampina - Hà Lan), Ba Vì Milk, Mộc Châu Milk, Đà Lạt Milk, Long Thành Milk…, trong đó, Vinamilk có thị phần lớn nhất, tiếp theo là FrieslandCampina Việt Nam. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, sự xuất hiện của TH True Milk đã làm thay đổi thị trường sữa Việt Nam.
Thời gian qua, TH Milk dồn dập “thách đố” Vinamilk ở phân khúc sản phẩm sữa tươi 100%, với nhiều tuyên bố sốc của bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, nhà tư vấn tài chính cho Dự án Nhà máy Sữa TH True Milk, gây nhiều dư luận trái chiều về cạnh tranh trong ngành sữa Việt Nam, như: “Tôi không có đối thủ”, “Làm kẻ chiến thắng không khó, giữ được sự cao quý trong thành công mới là hoàn hảo”.
Hiện TH Milk đã đạt tổng doanh thu 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 33% thị phần thị trường sữa tươi. Bà Hương đặt mục tiêu đến năm 2017, TH Milk sẽ chiếm 50% thị phần sữa nước, đạt doanh thu 23.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nguồn nguyên liệu của Vinamilk hiện chỉ đáp ứng được 25% hoạt động sản xuất, với khoảng 7.000 con bò và mua từ các hộ nông dân. Theo kế hoạch phát triển giai đoạn 2012 - 2016, tổng đàn bò của các trang trại Vinamilk đến cuối năm 2012 đạt 9.500 con, đến năm 2015 đạt 25.500 con và năm 2016 tăng lên 28.000 con.
Vinamilk đang nắm giữ phần lớn thị phần trong các phân khúc thị trường hàng tiêu dùng chính như sữa đặc (chiếm 80% thị phần); sữa chua (chiếm 90%) và sữa nước (chiếm 50%). Với mức thị phần gần như độc quyền như vậy, giới phân tích cho rằng, Vinamik sẽ khó gia tăng thêm thị phần; thậm chí theo xu hướng thị trường, thị phần của Vinamik có thể bị giảm nếu đại gia này không đưa ra được những dòng sản phẩm hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk từng khẳng định, Vinamilk sẽ làm mọi cách để không chỉ giữ vững thị phần, mà mỗi năm, còn phải giành thêm được ít nhất 1-2% thị phần. Vinamilk còn đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nguyên liệu sữa tươi từ 25% hiện tại lên khoảng 40% trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng sản phẩm sữa tươi trong nước.
Hiện tại, Vinamilk đang dồn sức đầu tư hàng loạt nhà máy mới. Mới đây, Vinamilk đầu tư 276 tỷ đồng xây Nhà máy Sữa Lam Sơn (Thanh Hóa), với công suất thiết kế khoảng 156 triệu hũ sữa chua ăn/năm, 60 triệu lít sữa tiệt trùng/năm. Nhà máy dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào cuối tháng 4/2013, sẽ cung cấp sản phẩm nhiều hơn cho các thị trường Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.
Hiện Vinamilk có một nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand, 10 nhà máy sản xuất sữa hiện đại từ Bắc vào Nam và đã chạy hết 100% công suất. Để đạt được kế hoạch chiến lược đến năm 2017 sẽ trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới, với doanh số 3 tỷ USD/năm, Vinamilk sẽ có thêm 3 nhà máy mới, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng, trong đó, “siêu nhà máy” ở Bình Dương sẽ vận hành vào quý I/2013, với sản lượng 400 triệu lít sữa tươi/năm. Việc đầu tư 3 nhà máy mới này của Vinamilk nhằm hướng tới thị trường chính là xuất khẩu.
Hiện tại, lượng xuất khẩu của Vinamilk đã chiếm 14% tổng sản lượng. Các sản phẩm sữa của Vinamilk đã có mặt tại Thái Lan, châu Phi, Trung Đông… Trong quý II/2012, xuất khẩu tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với 82,8%, đem về 1.161 tỷ đồng doanh thu.
Tuy nhiên, đại diện một hãng sữa liên doanh tại Việt Nam nhận định, tuy có bước ngoặt lớn trên “mặt trận” xuất khẩu, nhưng Vinamilk chắc hẳn đã biết, ngành sữa thế giới đang ở thời điểm bão hòa, mỗi năm chỉ tăng 2-3%/năm.
Anh Hoa ( Báo Đầu Tư )
- IDP muốn rót 1.5 triệu đô vào Philippines sau khi vay hơn 2.1 ngàn tỷ đồng từ 3 ngân hàng (16/08/2012)
- BIG mở hai công ty kinh doanh nông sản, tập trung loại trái cây xuất khẩu tỷ USD hằng năm (16/08/2012)
- Đừng bỏ lỡ: "Trump 2.0 - Cơ hội hay thách thức cho hàng hóa và chứng khoán 2025?" (16/08/2012)
- Phân tích kỹ thuật phiên chiều 19/11: Quán tính rơi vẫn còn (16/08/2012)
- Làm đường sắt tốc độ cao: Doanh nghiệp Việt không liên kết sẽ thua trên sân nhà (16/08/2012)
- Ngành dệt may quý 3: Ai bế tắc, ai nở hoa? (16/08/2012)
- Một cá nhân sinh năm 1990 làm Tổng và Phó Tổng Giám đốc 3 công ty họ FLC (16/08/2012)
- VietstockFinance: Ra mắt công cụ Technical Rating – bắt ngay tín hiệu mua bán cổ phiếu theo thời gian thực (16/08/2012)
- Ngày 19/11/2024: 10 cổ phiếu nóng dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (16/08/2012)