Mạnh dạn tăng vốn
Khoảng 1 tháng trước, CTCK HSC (HCM) công bố thông tin về quyết định vay vốn tại 4 NH với tổng hạn mức 1.400 tỷ đồng. Cuối tháng 10, HĐQT của CTCK Sài Gòn (SSI) cũng công bố thông tin về chủ trương tăng vốn điều lệ qua việc chia thưởng với tỷ lệ 10:2 (sở hữu 10 CP được nhận thêm 2 CP mới) và tạm ứng cổ tức bằng CP tỷ lệ 10:1 cho cổ đông hiện hữu.
Đồng thời, SSI cũng có ý định phát hành trái phiếu để huy động từ 1.000-1.500 tỷ đồng với kỳ hạn từ 1-3 năm với giá chào bán bằng mệnh giá.
Vào ngày 10-11 tới đây, CTCK VN Direct (VND) chốt quyền trả cổ tức bằng CP với tỷ lệ 20:1 cho cổ đông hiện hữu, đồng thời phát hành CP với tỷ lệ 2:1 (nắm giữ 2 CP được hưởng quyền mua 1 CP mới) giá 1.0. Những thông tin này gợi lên suy nghĩ về việc các CTCK đang huy động vốn dễ hơn bao giờ hết, khiến NĐT nhớ lại thời kỳ 5-7 năm trước, lúc đó các CTCK tăng vốn "vù vù" mà ít khi gặp các chướng ngại vật.
Tuy nhiên, tình thế hiện nay có nhiều khác biệt. Hồi tháng 4, tại ĐHCĐ của VND, chủ trương phát hành CP tăng vốn đã được thông qua. Sau đó vấn đề này lại được đem ra bàn bạc, nhất là khi VND có dấu hiệu tăng giá, nhưng cũng phải sau nửa năm mới trở thành hiện thực.
Điều đó cho thấy VND có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong chuyện phát hành hoặc cũng có thể nói là phát hành hiện giờ cũng không còn dễ như trước, không phải cứ muốn tăng vốn là tăng, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ cổ đông, diễn biến trên TTCK, rồi giá CP như thế nào...
Hay như trường hợp của HSC, nhìn thì thấy CTCK này có vẻ "dễ" vay một lúc đến 1.400 tỷ đồng, nhưng nhìn đi nhìn lại số CTCK có thị phần, tên tuổi, năng lực như HSC chỉ rất ít. Ngay đến cả những CTCK có NH mẹ đứng sau lưng nếu có muốn "dùng quyền trợ giúp" từ NH mẹ cũng phải lập kế hoạch, thuyết minh, giải trình đủ kiểu mới được.
Nhìn lại TTCK trong khoảng 1 tháng rưỡi vừa qua, diễn biến không mấy thuận lợi, nhưng có điều "lạ" là thanh khoản vẫn được duy trì ở mức 3.000 tỷ đồng/phiên trên cả 2 sàn. Nói "lạ" là bởi từ trước đến nay phần lớn những giai đoạn thấp điểm của thị trường, thanh khoản đều lùi về các mốc rất thấp, có khi còn dưới 1.000 tỷ đồng/phiên.
Diễn biến lần này gợi ra kỳ vọng về việc thanh khoản trung bình của thị trường sẽ ngày càng được nâng lên và củng cố. Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý đẩy mạnh IPO, cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn và các chủ trương đưa các công ty lên sàn cũng sẽ góp phần nâng cao thanh khoản thị trường. Mà thanh khoản đã tăng, CTCK sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Vậy nên chuyện NĐT dần quay trở lại với CP của CTCK cũng là điều dễ hiểu. Điều này cũng khiến cho các đợt phát hành dễ thở hơn.
Nhiều cửa đầu tư
Cứ nhìn vào lãi suất cho vay margin (đầu ra) của CTCK vào khoảng 15%/năm tất nhiên CTCK cũng không quá kỳ kèo về lãi suất vay (đầu vào) với các NH. Điều quan trọng nữa là tên tuổi, uy tín, khả năng quản trị hệ thống của các CTCK và diễn biến của TTCK cũng thúc đẩy các NH mạnh dạn để bơm vốn. Bản thân các CTCK cũng có lợi khi sử dụng vốn vay, bởi khi nào thị trường nóng, thanh khoản cao sẽ có tiền cho margin.
Nói không quá, cả NH và CTCK đã tìm thấy sự "đồng điệu" trong thời điểm hiện nay trong việc cung ứng và sử dụng vốn. Nói đến đây cũng cần đặt tiếp vấn đề, nếu chỉ tập trung cho margin, rõ ràng sử dụng vốn vay NH linh hoạt hơn sẽ có nhiều lợi thế. Vậy tại sao các CTCK vẫn chủ trương huy động thêm vốn?
Câu trả lời nằm ở chiến lược của các CTCK cũng như sự phát triển của thị trường trong những thời gian tới đây. Với các CTCK lớn, việc tập trung cho môi giới là tất nhiên, nhưng tận dụng sự phát triển của thị trường để tham gia vào một số mảng khác như đầu tư cũng là ý tưởng hay.
Điển hình như việc HSC những năm gần đây bắt đầu tham gia nhiều hơn trong việc đầu tư, đặc biệt là những khoản lãi từ việc giao dịch các chứng chỉ quỹ. Hoặc công ty thành viên của SSI đã và đang tiến hành thành lập các quỹ mở.
Thực tế, ngay chính trong mảng môi giới, các CTCK cũng bắt buộc phải làm mới mình bởi khi quy mô thị trường tăng lên, yêu cầu về công nghệ, hệ thống cũng gia tăng. Nhìn lại những vụ trục trặc lỗi giao dịch trong những năm qua, có thể thấy chính VND và HSC cũng đã từng xảy ra những sự cố.
Yêu cầu nâng cấp hệ thống liên tục là bắt buộc. Sắp tới đây, khi thị trường có thêm các sản phẩm phái sinh có lẽ các CTCK lại phải tiếp tục đầu tư về mặt hệ thống, chuyên môn để có thể đáp ứng yêu cầu từ cơ quan quản lý cũng như khách hàng.
Theo Saigondautu
- “Thay tướng giữa đàng”, chuyện gì đang xảy ra ở REE? (06/11/2014)
- Hiện tượng lạ thường về xuất khẩu cà phê Việt Nam (06/11/2014)
- Red Capital chính thức đón chào quỹ thành viên quy mô 300 tỷ (06/11/2014)
- PNJ thu hơn 3,100 tỷ đồng trong tháng 10 (06/11/2014)
- Chứng khoán Tuần 18-22/11/2024: Kỳ vọng dòng tiền quay trở lại (06/11/2014)
- CII dùng 3.7 triệu cp LGC đảm bảo cho lô trái phiếu 108 tỷ đồng (06/11/2014)
- TP. Hồ Chí Minh triển khai khảo sát DDCI năm 2024 (06/11/2014)
- Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Chiến lược của Temu đang hủy hoại thương hiệu nội địa (06/11/2014)
- Kế toán trưởng SP2 nộp đơn từ nhiệm sau khi Công ty nhận quyết định xử phạt thuế (06/11/2014)