Vì sao sản lượng công nghiệp của các quốc gia Đông Nam Á đi xuống?
Sự suy giảm của doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn thế giới và đà giảm tốc của lĩnh vực thiết bị bán dẫn đang gây nhiều áp lực lên khu vực Đông Nam Á, trong đó các số liệu chính thức về sản lượng công nghiệp đang thể hiện rõ xu hướng suy giảm.
Trong ngày thứ Ba (26/02), Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore thông báo rằng sản lượng tháng 1/2019 từ hoạt động sản xuất công nghiệp giảm 3.1% so với cùng kỳ năm trước, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2017 và cũng là đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016. Trước đó, sản lượng từ hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng 2.7% trong tháng 12/2018.
Trong đó, lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh là thiết bị điện tử, giảm 13.7% so với cùng kỳ năm trước, còn tệ hơn mức giảm 11.5% của tháng 12/2018. Nhất là lĩnh vực bán dẫn – vốn có tỷ trọng lớn nhất trong phân khúc thiết bị điện tử – giảm 14.2%.
Trong tháng 1/2018, ngành cơ khí chính xác cũng rớt 15.7%, tệ hơn cả mức lao dốc 7% của tháng 12/2018. Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore cho rằng “sự đi xuống của hoạt động sản xuất thiết bị bán dẫn là lý do dẫn tới đà giảm này”.
Singapore tập trung vào các sản phẩm cao cấp như thế này. Thế nhưng, là một nền kinh tế nhỏ và mở, Singapore càng dễ bị tác động trước xu hướng trên toàn cầu hơn là các quốc gia láng giềng.
Phần lớn các quốc gia ở Đông Nam Á vẫn chưa công bố số liệu về hoạt động sản xuất chế tạo của tháng 1/2019. Thế nhưng, dữ liệu tính tới tháng 12/2018 đã thể hiện xu hướng suy yếu.
Trong tháng 12/2018, sản lượng công nghiệp của Philippines giảm 9.3% so với cùng kỳ năm trước, lần giảm đầu tiên trong 12 tháng qua. Trong khi đó, tăng trưởng của phân khúc máy móc điện tử giảm xuống 5.8% trong tháng 12/2018, từ mức 19% của tháng 11/2018 và cũng là mức tăng trưởng yếu nhất trong 12 tháng vừa qua.
Tại Việt Nam, tăng trưởng về sản lượng công nghiệp trong tháng 1/2019 cũng giảm xuống 7.9% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 11.4% của tháng 12/2018, dựa trên ước tính của Tổng Cục Thống kê. Trước đó, tăng trưởng của lĩnh vực thiết bị điện tử cũng đã giảm tốc trong tháng 12/2018.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, thiết bị điện tử là một trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp chính, trong đó nhiều quốc gia là nơi đặt trụ sở của các công ty sản xuất toàn cầu và trong nước, từ mảng bán dẫn cho tới thiết bị gia dụng. Chẳng hạn như Samsung Electronics sản xuất điện thoại thông minh ở Việt Nam.
Trong khi sự ổn định về nhu cầu nội địa sẽ giúp níu giữ hy vọng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, thì đà giảm của lĩnh vực công nghệ nhiều khả năng sẽ là rủi ro lớn trong thời gian tới.
Tuần trước, Thống kê Thương mại Bán dẫn Thế giới (WSTS) – một tổ chức phi lợi nhuận của các công ty sản xuất hàng bán dẫn – cho biết thị trường chip điện tử toàn cầu được dự báo suy giảm 3% trong năm nay, trái ngược hoàn toàn với mức tăng mạnh mẽ 13.7% trong năm 2018 và 21.6% trong năm 2017.
Dựa trên kết quả khảo sát của Chính phủ Singapore trong tháng 1/2019, 46% công ty sản xuất thiết bị điện tử dự báo điều kiện kinh doanh sẽ tồi tệ hơn trong nửa đầu năm 2019, trong khi chỉ có 1% đưa ra triển vọng tích cực trong 6 tháng đầu năm.
Đà suy yếu của lĩnh vực công nghệ không chỉ là “cơn gió ngược” duy nhất mà khu vực này đang phải đối mặt. Trước đó trong tháng này, Chính phủ Singapore lưu ý một trong những rủi ro trọng yếu là đà giảm tốc của Trung Quốc – tăng trưởng được dự báo suy giảm từ mức 6.6% của năm 2018. “Đà giảm tốc mạnh hơn dự báo của nền kinh tế Trung Quốc có thể tác động bất lợi tới tăng trưởng khu vực Đông Nam Á vì sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là khi xét tới mối liên kết khắng khít của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc”, Chính phủ Singapore nhận định.
Các nhà sản xuất ở Đông Nam Á chịu nhiều bất lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, khi phần lớn các quốc gia trong khu vực đều nằm trong chuỗi giá trị của Trung Quốc. Việc gia hạn thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung hôm Chủ nhật (24/02) sẽ giúp các nhà sản xuất thở phào nhẹ nhõm đôi chút.
Tuy nhiên, nỗi lo về triển vọng tương lai vẫn còn đó. Sau tuyên bố lùi hạn chót nâng thuế của Donald Trump, Ngân hàng Trung ương Singapore (BoS) cho biết trong báo cáo ngày thứ Hai (25/02) rằng “vẫn còn chưa rõ là liệu các cuộc đàm phán thương mại sẽ kéo dài hay là sẽ có một thỏa thuận thương mại toàn diện ở phía trước”.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FiLi
- Pháp lý về hợp đồng quyền chọn hàng hóa tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều thách thức (26/02/2019)
- Tiếp tục đề nghị truy tố anh em chủ đậu phộng Tân Tân với 2 tội danh (26/02/2019)
- Ngành gỗ đối mặt thách thức mới (26/02/2019)
- Hà Nội: Điều tra vụ Chủ tịch công ty địa ốc chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn (26/02/2019)
- Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên vận hành thử 100% công suất (26/02/2019)
- Xuất khẩu gỗ đối mặt nhiều thách thức khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ (26/02/2019)
- Công ty của Elon Musk cân nhắc chuyển sản xuất đến Việt Nam (26/02/2019)
- Đơn hàng dồi dào, ngành dệt may dự kiến đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD (26/02/2019)
- Thành lập Ban chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ (26/02/2019)