Đến bao giờ mới hết… lòng vòng?
Ngày 09/05, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 (PCI 2023) được công bố. Có 51.5% doanh nghiệp nhận định “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, tăng so với 50.4% năm 2022; 44.7% doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, giảm so với 45.2% năm 2022. Đáng nói là chỉ 40.8% doanh nghiệp thấy “chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán” vào năm 2023, giảm đáng kể so với 50% năm 2022 và 53.4% năm 2021...
Một ngày sau, 10/5 UBND TPHCM tổ chức hội nghị phân tích kết quả các chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của thành phố. Tại đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi một mặt đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá làm rõ vì sao thành phố đã quyết tâm, tập trung nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Từ đó, đề ra giải pháp cụ thể để cải thiện trong năm nay. Mặt khác, ông yêu cầu các sở, ngành, địa phương phân tích, đưa ra các giải pháp cụ thể để cải thiện rõ nét trong năm 2024. Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch cụ thể triển khai trong thời gian tới.
Tôi còn nhớ, 4 năm trước, cũng vào tháng 5/2020, Chủ tịch UBND TPHCM khi đó, ông Nguyễn Thành Phong đã ký công văn chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, quận huyện phải chủ động trong giải quyết các nhiệm vụ được phân công. Theo đó, đối với cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì phải chủ động lấy ý kiến của đơn vị liên quan (phải gửi kèm đầy đủ hồ sơ) và đảm bảo hồ sơ trình UBND TP có chính kiến của đơn vị chủ trì… Đối với cơ quan, đơn vị phối hợp phải chủ động nghiên cứu, có ý kiến, đảm bảo thời hạn trả lời được nêu trong văn bản đề nghị. Nếu văn bản đề nghị không quy định thời hạn thì thực hiện trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ liên quan. Chấm dứt tình trạng chờ văn bản chỉ đạo của UBND TP hoặc văn bản chuyển văn phòng UBND TP mới thực hiện.
Thế nhưng, thực tế vẫn không chuyển biến bao nhiêu, đường vòng ngày càng có vẻ… quanh co hơn. Trong 2 năm trở lại đây, nhất là giai đoạn phục hồi sau đại dịch, lãnh đạo thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp từ giải quyết về mặt tâm lý, ra văn bản chấn chỉnh và đặc biệt là có biện pháp cụ thể, nhất là đích thân từng vị trí lãnh đạo trực tiếp chịu trách nhiệm chính trị trước các văn bản tham mưu, tờ trình… Tất cả đều nhằm chấm dứt tình trạng né tránh, lòng vòng giữa các đơn vị sở ngành, quận huyện; khắc chế bệnh sợ sai, vô cảm, lập thành bộ máy liên tịch và cơ chế vận hành nó một cách thông suốt hiệu quả.
Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM (mở rộng) ngày 10/10/2023, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong các mối quan hệ giữa TP.HCM và các bộ, ngành, giữa các sở, các địa phương với nhau. Đây là thực trạng làm các công việc còn chậm trễ, lòng vòng, gây mất thời gian, phiền toái, làm mất cơ hội của người dân, doanh nghiệp. Ông dẫn chứng trường hợp ông nghe được việc có những sở, ngành nhận câu hỏi của đơn vị khác rồi trả lời rất khéo léo, đến mức đơn vị nhận câu trả lời không biết làm gì nhưng cũng khó bắt lỗi. "Giữa thẩm quyền chung và trách nhiệm cá nhân tạo ra khoảng trống cho sự trì hoãn, né tránh, đùn đẩy một cách công khai, hết sức khéo léo và khó bắt lỗi. Lần này, lãnh đạo thành phố sẽ gặp gỡ các lãnh đạo cấp phòng để lắng nghe, chia sẻ và cùng tháo gỡ khó khăn"
Chỉ 1 ngày sau phát biểu trên, tại Hội nghị gặp gỡ lãnh đạo cấp phòng của các cơ quan thành phố “Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đưa ra gợi ý cụ thể, sát sườn: với chuyên viên, nghiên cứu, tham mưu và lãnh đạo phòng trước vấn đề chưa có quy định đầy đủ hoặc còn chưa rõ cần phải vận dụng đề xuất 2 phương án. Đó là theo quy định có thể thực hiện theo phương án 1. Nhưng nếu vận dụng để có lợi cho thành phố, cho công việc chung thì đề xuất thực hiện phương án khác. Từ đó để lãnh đạo đơn vị xem xét. Lãnh đạo sở, ngành, địa phương có thể quyết định. Trong trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thường trực UBND TPHCM, nếu Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách lĩnh vực cũng chưa quyết được thì Chủ tịch UBND TPHCM sẽ quyết và chịu trách nhiệm với quyết định đó.
Ông Mãi cũng không quên dẫn Quyết định 2536 của UBND TP vừa ban hành 1 năm trước (tháng 6/2023) quy định rất rõ phối hợp xử lý các nội dung. Vậy trách nhiệm, hiệu quả phối hợp thực hiện Quyết định trên như thế nào trong năm qua. Nếu vẫn không chấm dứt hiện trạng né tránh, đẩy đưa, lòng vòng thì những ai trong bộ máy hành chính công sẽ phải “thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác” như các công văn, chỉ đạo đã nêu?
Vẫn xin nhắc lại: kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính toàn thành phố năm 2023 ở cả 2 khối sở ban ngành và UBND các quận huyện và TP Thủ Đức thì chỉ có 2 đơn vị đạt loại tốt; còn lại tất cả đều xếp hạng xuất sắc! Liệu nó có “liên quan” gì đến những thứ hạng từ thấp tới trung bình, trung bình cao của các chỉ số cạnh tranh, cải cách của thành phố trên thang bậc quốc gia?
Rõ ràng, từ 36 (PAPI), 33 (Par Index), 27 (PCI) đến chỉ tiêu trong nhóm 10-15 tỉnh, thành phố đứng đầu về các chỉ số cải cách hành chính không chỉ là những con số!
Quốc Học
- Sau Uniqlo và H&M, thêm ông lớn thời trang Hàn Quốc nhắm đến thị trường Việt (11/05/2024)
- Người Việt chi 1 tỷ USD cho mua sắm trực tuyến mỗi tháng (11/05/2024)
- Doanh nghiệp Trung Quốc đua nhau "đổ bộ" Việt Nam trước thềm Trump 2.0 (11/05/2024)
- Vé tàu hết sớm, vé máy bay khan hiếm lúc cao điểm (11/05/2024)
- Khu thương mại tự do - cơ hội và giải pháp hiện thực hóa (11/05/2024)
- Tiếp tục làm điện hạt nhân Ninh Thuận, Việt Nam nên chọn công nghệ nào? (11/05/2024)
- Một "đại" siêu thị ở Hà Nội đổi tên sau 20 năm (11/05/2024)
- Chủ tịch Quốc hội: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là minh chứng tư duy đổi mới (11/05/2024)
- Bất ngờ về con số bán hàng Việt của Quang Linh Vlog (11/05/2024)