Pháp lý về hợp đồng quyền chọn hàng hóa tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều thách thức
Ngày 26-6-2023, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) chính thức triển khai giao dịch hợp đồng quyền chọn hàng hóa trên phạm vi toàn quốc, đánh dấu bước tiến lớn trong sự phát triển của thị trường tài chính và hàng hóa tại Việt Nam. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận nhằm hội nhập với các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần thúc đẩy phổ biến hợp đồng quyền chọn cho các tài sản cơ sở khác. Tuy nhiên, thị trường mới mẻ này đang đối mặt với nhiều thách thức pháp lý, gây ra rủi ro cho nhà đầu tư và làm hạn chế phát triển bền vững.
Thị trường quyền chọn hàng hóa là công cụ tài chính phái sinh có tính rủi ro cao. Trong khi các sản phẩm tài chính như chứng khoán, trái phiếu đã có các quy định bảo vệ nhà đầu tư rõ ràng như Luật Chứng khoán 2019, các dạng chứng khoán phái sinh như quyền chọn hàng hóa vẫn thiếu một khung pháp lý chi tiết.
Cơ chế quản lý rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư
Cụ thể, Luật Chứng khoán đã có quy định về nghĩa vụ của các bên tham gia chứng khoán phải cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư về các sản phẩm, dịch vụ tài chính và các rủi ro có thể phát sinh. Tuy nhiên, đối với giao dịch quyền chọn hàng hóa, chưa có một hệ thống văn bản pháp lý nào hướng dẫn chi tiết về cách minh bạch những thông tin này, cũng như các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, làm tăng nguy cơ lạm dụng thị trường hoặc thao túng giá.
Điều này cũng dẫn đến những hậu quả tiêu cực khác như các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt hại do sự thiếu minh bạch trong thông tin giá cả và điều kiện thị trường. Trong một số trường hợp, nhà đầu tư có thể không nhận được cảnh báo kịp thời khi thị trường biến động mạnh, dẫn đến các quyết định sai lầm và thiệt hại tài chính. Việc không có các công cụ hỗ trợ như hệ thống cảnh báo sớm hoặc quản lý rủi ro tự động là một rào cản lớn đối với các bên tham gia thị trường.
Trong trường hợp của Mỹ, nước này đã thành lập Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) có chức năng yêu cầu các sàn giao dịch công khai thông tin về giá cả và khối lượng giao dịch, giúp nhà đầu tư có thể đánh giá và kiểm soát rủi ro. Việc đưa ra các quy định, tổ chức tương tự tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư dự đoán được những biến động trên thị trường, từ đó bảo vệ họ trước những tổn thất không đáng có.
Ngoài ra, các nhà đầu tư tại Việt Nam cũng đối mặt với rủi ro đối tác (khi một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình) và rủi ro thanh khoản (khi nhà đầu tư không để mua hoặc bán tài sản trong thời gian cần thiết để đảm bảo giá trị tài sản). Ở các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, các sàn giao dịch có cơ chế quản lý rủi ro thông qua các biện pháp phòng ngừa như quyền chọn ngược (người sở hữu có thể có thêm các điều kiện hoặc sự linh hoạt trong việc thực hiện quyền) hoặc sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro nhằm giảm thiểu nguy cơ mất mát trong điều kiện thị trường biến động mạnh.
Đồng bộ trong quy định thuế giữa các loại giao dịch tài chính
Tại Việt Nam, quy định về thuế đối với các giao dịch tài chính, đặc biệt là hợp đồng quyền chọn hàng hóa, vẫn chưa rõ ràng và thiếu tính đồng bộ. Điều này tạo ra khó khăn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo Luật Quản lý thuế 2019, mọi khoản thu nhập từ giao dịch tài chính đều phải kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, đối với quyền chọn hàng hóa, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về cách tính thuế cho các khoản lợi nhuận từ loại hợp đồng này, khiến cho việc kê khai thuế của nhà đầu tư trở nên phức tạp và không đồng nhất. Khi nhà đầu tư thực hiện một hợp đồng quyền chọn bán và kiếm lời từ giao dịch này, việc xác định thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận đó vẫn chưa được làm rõ. Điều này gây ra khó khăn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc lập báo cáo tài chính và tuân thủ các quy định thuế. Ngoài ra, do sự thiếu vắng các quy định đồng bộ giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý giao dịch hàng hóa, việc giám sát và thu thuế từ các giao dịch quyền chọn hàng hóa cũng gặp nhiều trở ngại.
Đối với vấn đề này, Việt Nam có thể tham khảo mô hình của các thị trường tài chính lớn như Singapore hay Mỹ, nơi mà mỗi giao dịch phái sinh đều có quy định cụ thể về mức thuế phải nộp, từ đó giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý thuế. Tại Mỹ, lợi nhuận từ các hợp đồng quyền chọn được phân loại rõ ràng là thu nhập chịu thuế, và các nhà đầu tư phải báo cáo chính xác khoản thu nhập này theo quy định của Sở Thuế vụ (IRS). Trong khi đó, ở Việt Nam, sự mơ hồ về các quy định thuế có thể tạo ra những rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư, đặc biệt là trong trường hợp cần kiểm tra hoặc truy cứu trách nhiệm.
Trong thời đại hội nhập, cơ cấu thuế cũng cần được điều chỉnh linh hoạt để không chỉ đảm bảo nghĩa vụ thuế của nhà đầu tư mà còn khuyến khích sự phát triển của thị trường. Hướng đi cho vấn đề này là áp dụng chính sách thuế linh hoạt dựa trên loại sản phẩm giao dịch, mức độ rủi ro, và thời gian nắm giữ hợp đồng. Điều này không chỉ giúp tạo ra một hệ thống thuế công bằng hơn, mà còn khuyến khích nhà đầu tư tham gia dài hạn, từ đó giúp thị trường phát triển bền vững.
Hơn nữa, việc minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục kê khai và nộp thuế cho giao dịch quyền chọn hàng hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hướng dẫn chi tiết về cách thức khai báo thu nhập từ giao dịch này, cùng với các cơ chế giảm thuế hoặc ưu đãi thuế cho nhà đầu tư dài hạn, cũng sẽ là một bước tiến đáng kể trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam hội nhập quốc tế.
Cơ chế giám sát chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường và gian lận
Hợp đồng quyền chọn hàng hóa là một công cụ tài chính phức tạp, cho phép người đầu tư mua hoặc bán hàng hóa với một mức giá đã định trong tương lai, do đó, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về gian lận và thao túng. Để đảm bảo tính minh bạch và công bằng, các cơ quan quản lý cần thiết lập một khung giám sát toàn diện và hiệu quả.
Thứ nhất, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tự quản trong lĩnh vực tài chính để tăng cường hiệu quả giám sát và tạo ra một môi trường pháp lý ổn định. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam cần hợp tác với Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam để theo dõi, đánh giá các giao dịch quyền chọn hàng hóa. Thông qua việc chia sẻ dữ liệu và thông tin, các cơ quan này có thể phát hiện nhanh chóng các dấu hiệu bất thường, từ đó ngăn chặn kịp thời các hành vi thao túng. Sự phối hợp trên cũng nên tham vấn, hợp tác với các tổ chức quốc tế để đảm bảo việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong giám sát, phục vụ cho quá trình chuẩn hóa và hội nhập.
Thứ hai, cần áp dụng công nghệ tiên tiến vào hệ thống giám sát. Hệ thống giám sát giao dịch tự động (EDGAR) của Cơ quan Quản lý chứng khoán và Giao dịch (SEC) tại Mỹ là ví dụ điển hình cho một công cụ quan trọng nhằm phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận và thao túng trên thị trường chứng khoán. Hệ thống này hoạt động bằng cách thu thập một khối lượng lớn dữ liệu giao dịch từ các sàn chứng khoán, bao gồm thông tin về giá cả, khối lượng giao dịch và thời gian thực hiện.
Không chỉ dừng lại ở việc thu thập dữ liệu, hệ thống còn tiến hành phân tích chi tiết thông qua các thuật toán học máy hiện đại, nhằm phát hiện các mẫu hành vi giao dịch đáng ngờ. Việc phân tích này giúp xác định các giao dịch có dấu hiệu bất thường, như những giao dịch diễn ra với tần suất cao trong một khoảng thời gian ngắn hoặc giao dịch giữa các tài khoản có mối liên hệ. Khi hệ thống phát hiện các mẫu giao dịch đáng ngờ, nó sẽ tự động gửi cảnh báo đến các nhà phân tích của SEC. Các cảnh báo này thường chứa thông tin chi tiết về các giao dịch hoặc hành vi bị nghi ngờ, cho phép các nhà phân tích dễ dàng tiếp cận và điều tra. Dựa trên kết quả điều tra, SEC có thể quyết định đưa ra các biện pháp xử lý, từ việc cảnh báo đến việc khởi kiện.
Một điểm đáng chú ý là hệ thống giám sát giao dịch tự động này không ngừng được cải thiện để đối phó với những kỹ thuật gian lận ngày càng tinh vi. Hệ thống không chỉ sử dụng dữ liệu từ các vụ gian lận trước đó để cải thiện khả năng phát hiện mà còn thường xuyên cập nhật các thuật toán và mô hình của mình. Việc này cho phép hệ thống phản ánh những thay đổi trong hành vi giao dịch và các xu hướng mới trên thị trường, từ đó tăng cường hiệu quả giám sát. Do đó, việc áp dụng mô hình giám sát tương tự cho thị trường quyền chọn hàng hóa Việt Nam có thể mang lại nhiều lợi ích tương tự mà cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc trong thời gian tới.
LS. Nguyễn Nhật Dương - Hồ Trần Phú Lộc (Công ty Luật TNHH HM&P)
- Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc (12/11/2024)
- Bộ Công Thương lấy ý kiến về điện hạt nhân, tỉnh có dự án dở dang kiến nghị thẳng (12/11/2024)
- Tiếp tục đề nghị truy tố anh em chủ đậu phộng Tân Tân với 2 tội danh (12/11/2024)
- Ngành gỗ đối mặt thách thức mới (12/11/2024)
- Hà Nội: Điều tra vụ Chủ tịch công ty địa ốc chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn (12/11/2024)
- Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên vận hành thử 100% công suất (12/11/2024)
- Xuất khẩu gỗ đối mặt nhiều thách thức khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ (12/11/2024)
- Công ty của Elon Musk cân nhắc chuyển sản xuất đến Việt Nam (12/11/2024)
- Đơn hàng dồi dào, ngành dệt may dự kiến đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD (12/11/2024)