Theo báo cáo tài chính năm mới công bố, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) tiếp tục ghi nhận kết quả thua lỗ trong quý cuối cùng của năm 2016 với lợi nhuận sau thuế ghi âm hơn 145 tỷ đồng. Doanh thu trong quý IV cũng sụt giảm chỉ bằng một phần ba cùng kỳ, đạt hơn 263 tỷ đồng.
Kết quả thua lỗ trong quý IV/2016 cũng là quý thứ ba liên tiếp Gỗ Trường Thành ghi nhận lỗ ròng. Lũy kế cả năm, doanh nghiệp này lỗ sau thuế hơn 1.629 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015 lãi gần 205 tỷ đồng.
Khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối năm 2016 âm gần 1.768 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Con số này cũng vượt quá vốn điều lệ công ty (1.446 tỷ đồng), khiến vốn chủ sở hữu của Gỗ Trường Thành ghi âm hơn 195 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với các cổ đông đã mất toàn bộ vốn góp đầu tư vào công ty.
Tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của công ty giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm còn 3.190 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khoản mục nợ phải trả hơn 3.385 tỷ đồng, riêng khoản vay ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng. Nếu báo cáo tài chính năm 2016 sau kiểm toán không có sự thay đổi giúp vốn chủ sở hữu quay lại số dương, cổ phiếu TTF của công ty đang giao dịch trên HOSE cũng sẽ bị hủy niêm yết theo quy định.
Biến cố của Gỗ Trường Thành xảy ra từ đầu năm 2016, bắt đầu từ khoản lỗ đột biến hơn nghìn tỷ trong quý II khi công ty này phải trích lập dự phòng cho gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu sau khi kiểm kê.
Trong báo cáo tài chính, đơn vị kiểm toán Ernst &Young (EY) đã từ chối đưa ra kết luận với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty với 2 nguyên nhân chính liên quan đến hàng tồn kho bị "bốc hơi" và khó xác định chính xác con số doanh thu bán hàng.
Ngoài Tân Liên Phát, ông Võ Trường Thành hiện cũng là cổ đông lớn của doanh nghiệpvới sở hữu hơn 7,7 triệu cổ phiếu, tương đương 5,3% vốn. Trước khi bị bán giải chấp cổ phiếu vào cuối tháng 8/2016, ông Thành từng sở hữu hơn 10% vốn điều lệ công ty. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình ông Thành tính tới cuối tháng 6/2016 cũng sở hữu gần 5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 3% vốn. Sở hữu còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ, nắm dưới 5%. |
Cổ đông lớn là Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát sau đó cũng đã quyết định tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.201 tỷ đồng với 69,7 triệu cổ phiếu TTF để nâng sở hữu vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà công ty đã công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được.
Đến cuối tháng 12/2016, hơn 1.200 tỷ đồng này đã có quyết định thay đổi từ hợp đồng vay chuyển đổi sang hợp đồng vay thông thường có sử dụng tài sản đảm bảo.
Sở hữu của Tân Liên Phát tại Gỗ Trường Thành cũng có sự biến động. Sau khi chi khoảng 1.800 tỷ đồng trở thành cổ đông lớn của công ty này từ tháng 3/2016, đến đầu tháng 12/2016, tỷ lệ nắm giữ đã giảm xuống còn 29,9% sau khi đã bán ra gần 29 triệu cổ phiếu.
Trong báo cáo mới đưa ra, Tân Liên Phát vẫn tồn tại các nghĩa vụ tài chính với Gỗ Trường Thành với tư cách công ty mẹ. Cũng trong cuối năm 2016, sau hơn 2 thập kỷ điều hành Gỗ Trường Thành, ông Võ Trường Thành và con trai đã có đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị công ty, rút lui hoàn toàn khỏi doanh nghiệp do chính tay ông gây dựng và chèo lái.
Theo VnExpress
- Ai dẫn đầu thị trường phòng gym Việt Nam? (04/02/2017)
- Chế biến phụ phẩm thủy sản: Khoảng trống tỷ đô (04/02/2017)
- Cạnh tranh ngành kem nhìn từ que trân châu đường đen giao tận nhà (04/02/2017)
- Shark Dũng: “Startup không nên quá tham lam đẩy giá để bán cho quỹ đầu tư” (04/02/2017)
- Các “ông lớn” quỹ đầu tư sẽ dành 10.000 tỷ đồng đầu tư cho startup Việt (04/02/2017)
- Ông chủ mới khó khăn, xà bông Cô Ba “hồi sinh” bất thành (04/02/2017)
- An Dương Thảo Điền có thể tìm đối tác khôi phục “Xà bông Cô Ba” (04/02/2017)
- Cổ đông HAR bán tháo sau Đại hội đồng cổ đông (04/02/2017)
- Doanh nghiệp tí hon bí ẩn đứng sau cung cấp nguyên liệu trà sữa cho các đại gia tại Việt Nam (04/02/2017)