“Đã 30 năm lắp ráp gia công, đến nay đất nước mới có đủ điều kiện cơ bản để chuyển sang sáng tạo, tạo ra các sản phẩm công nghệ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp công nghệ Make in Vietnam ngày 9/5 vừa qua. Rốt ráo hơn chứ không đơn thuần là một khẩu hiệu, Thủ tướng yêu cầu xây dựng chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ ngay trong tháng 6, làm cơ sở để Make in Vietnam sớm hình thành.
Make in Vietnam tham chiếu từ cụm Make in India của Ấn Độ. Sau khi phát động, tới năm 2016, sáng kiến Make in India đã giúp nước Nam Á này thu hút được các cam kết đầu tư tới 230 tỷ USD, chuyển nước này thành trung tâm sản xuất toàn cầu. Việt Nam có đủ thực lực để theo đuổi một chiến lược tham vọng như Ấn Độ? Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018, ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam có doanh thu ước đạt 98,9 tỷ USD, tăng trưởng 8%. Trong đó, công nghiệp phần cứng - điện tử đạt 88 tỷ USD, công nghiệp phần mềm đạt 4,3 tỷ USD, dịch vụ công nghệ thông tin đạt 5,7 tỷ USD và công nghiệp nội dung số trên 800 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 94 tỷ USD, xuất siêu khoảng 26 tỷ USD.
Lâu nay, Việt Nam thường được nhắc đến như một “công xưởng” tại Đông Nam Á khi thu hút hàng loạt thương hiệu lớn của thế giới như Intel, Samsung, LG, Nokia... đặt nhà máy. Làn sóng này đã giúp hình thành các chuỗi sản xuất của thế giới tại Việt Nam trong những lĩnh vực như dệt may, đồ gỗ, thủy sản, đến smartphone... Theo dữ liệu từ Oxford Economics, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất Việt Nam, được thúc đẩy bởi sản xuất điện tử, đã tăng lên 11% mỗi năm trong 5 năm qua.
Từ một trung tâm sản xuất cho các đại gia công nghệ Hàn Quốc và Nhật, giờ đây, Việt Nam nay chú trọng tập trung chuyển đổi từ nhà sản xuất linh kiện điện tử thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới và phát triển. “Việt Nam có cơ hội tốt nhất trở thành Thung lũng Silicon ở Đông Nam Á”, bà Nicholle Linder, Giám đốc Dịch vụ - Công nghệ tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Global Financial Services nhận định. Thậm chí, Việt Nam sẽ vượt Singapore trở thành Silicon Valley của Đông Nam Á sau 5 năm nữa. Cơ sở của nhận định này là Việt Nam đang đứng đầu khu vực về xuất khẩu phần mềm. Việt Nam cũng có hàng chục ngàn sinh viên về công nghệ và cả nước có hơn 10.000 công ty công nghệ.
Theo Topica Founder Insitute (TFI), năm 2018, Việt Nam có 92 startup được đầu tư với tổng số vốn đầu tư đạt 890 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Việt Nam cũng đã có một loạt startup thành công như Tiki, MoMo, VNG... khi nhận vốn lớn từ các tập đoàn lớn thế giới như JD.com, CyberAgent Ventures, Sumitomo, Standard Chartered và Goldman Sachs...
Nhưng những con số trên mới chỉ là kết quả bước đầu. Trong tiến trình Make in Vietnam, các doanh nghiệp công nghệ phải chủ động toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, giải pháp phát triển công nghệ mới. Nhưng nhìn lại, công ty công nghệ đầu đàn như FPT ngoài dấu ấn xuất khẩu phần mềm thì nay mới chỉ công bố vài mẫu robot, xe tự hành đơn giản. BKAV tự hào ra mắt smartphone Made in Vietnam nhưng còn quá đơn độc. Dấu hiệu tích cực hơn là gần đây, nhóm tập đoàn có doanh thu và thị trường lớn như Viettel, Vingroup chuyển hướng mạnh đầu tư sang công nghệ.
Dự án VinTech City quy mô lớn được Vingroup giới thiệu sẽ hướng đến trở thành Thung lũng Silicon tại Việt Nam, ươm mầm cho các công ty công nghệ mới thành lập. “Đây là cách tiếp xúc đỉnh cao ngay từ đầu”, bà Lê Thị Thu Thủy, người phụ nữ đang dẫn dắt dự án VinFast, cho biết. Tập đoàn này ngoài điện thoại sẽ sản xuất máy điều hòa, TV, tủ lạnh. Bà Thủy cho rằng hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu chính sách nhằm thúc đẩy mạnh các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, như sản xuất ô tô, xe máy điện hay các công nghệ có thể ứng dụng với mục đích nhân đạo. “Không có sự vào cuộc của Nhà nước sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp khi những sản phẩm công nghệ cao thì đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, lợi nhuận thấp”, bà Thủy cho biết.
Năm 2019, Việt Nam tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia - Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số. Cơ hội này được ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNG, một “kỳ lân” của Việt Nam, cho rằng, Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để vượt lên trong lĩnh vực công nghệ khi các làn sóng công nghệ đã và đang tiếp cận thị trường Việt Nam nói riêng như Uber, Grab... Thị trường dành cho các startup Việt Nam không chỉ là ở Việt Nam, mà cần nhìn ra toàn thị trường Đông Nam Á với quy mô 200 tỷ USD, 250 triệu người dùng internet trên tổng số 650 triệu dân.
Theo NCĐT
- Ai dẫn đầu thị trường phòng gym Việt Nam? (24/05/2019)
- Chế biến phụ phẩm thủy sản: Khoảng trống tỷ đô (24/05/2019)
- Cạnh tranh ngành kem nhìn từ que trân châu đường đen giao tận nhà (24/05/2019)
- Shark Dũng: “Startup không nên quá tham lam đẩy giá để bán cho quỹ đầu tư” (24/05/2019)
- Các “ông lớn” quỹ đầu tư sẽ dành 10.000 tỷ đồng đầu tư cho startup Việt (24/05/2019)
- Ông chủ mới khó khăn, xà bông Cô Ba “hồi sinh” bất thành (24/05/2019)
- An Dương Thảo Điền có thể tìm đối tác khôi phục “Xà bông Cô Ba” (24/05/2019)
- Cổ đông HAR bán tháo sau Đại hội đồng cổ đông (24/05/2019)
- Doanh nghiệp tí hon bí ẩn đứng sau cung cấp nguyên liệu trà sữa cho các đại gia tại Việt Nam (24/05/2019)