Trao đổi với P.V tại phiên họp cổ đông thường niên ngày 29/4, ông Nguyễn Nhân Bảo – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền (mã chứng khoán: HAR) cho biết ban lãnh đạo vẫn muốn khôi phục thương hiệu Xà bông Cô Ba sau khi đầu tư hơn 200 tỷ đồng để sở hữu 30,88% cổ phần tại Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Phương Đông. Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty Trương Văn Bền và các con – Dầu và Xà Bông Việt Nam, thành lập năm 1932.
Từ giữa năm ngoái, dây chuyền sản xuất xà bông đã hoạt động trở lại sau thời gian dài "đóng băng". Sản lượng ước tính khoảng vài chục tấn mỗi năm. Sản phẩm được phân phối chủ yếu tại thị trường miền Tây thông qua kênh truyền thống.
Ban lãnh đạo An Dương Thảo Điền nhận định, thương hiệu này vẫn có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nhưng rất khó để cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp cùng ngành. Do đó, chủ trương của công ty là không rót quá nhiều tiền vào đây để hạn chế rủi ro.
"Tham gia ngành hàng tiêu dùng nhanh là cuộc chơi đòi hỏi vốn lớn và nhiều rủi ro, trong khi đây không phải thế mạnh của công ty nên phương án được ưu tiên là hợp tác với các nhà sản xuất, phân phối có kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ đóng góp công thức, bản quyền thương hiệu... để thành lập một liên doanh khôi phục Xà bông Cô Ba", ông Bảo nói.
Cũng theo ông Bảo, ngoài xà bông, công ty Phương Đông mỗi năm đều có nguồn thu từ việc cho thuê mặt bằng tại chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM). Sau khi giữ lại một khoản lợi nhuận để trả phí thiết kế, tư vấn dự án trung tâm thương mại, công ty này chia cổ tức và An Dương Thảo Điền nhận được khoảng 700 triệu đồng.
Lý giải về việc định giá công ty này gần 700 tỷ đồng, trong khi trước đó Tổng công ty Hoá chất Việt Nam (Vinachem) thoái hơn 50% vốn chỉ thu được 60 tỷ đồng, ông Bảo cho biết mục đích chính của thương vụ này là thâu tóm quỹ đất gần 10.000 m2 tại các quận trung tâm. Chỉ tính riêng tài sản là bất động sản, bình quân mỗi m2 để phát triển dự án có giá 70 triệu đồng là phù hợp.
Thương vụ này được An Dương Thảo Điền chuẩn bị từ năm 2016 khi thoái vốn một số khoản vay tài chính dài hạn, thu hồi công nợ để tập trung nguồn lực phục vụ kế hoạch thâu tóm. Sau khi tiếp quản điều hành, An Dương Thảo Điền cắt gọn một số mảng kinh doanh không hiệu quả và tập trung cho thuê mặt bằng thời hạn từ 6 tháng đến một năm để đảm bảo có thể thu hồi ngay khi bắt đầu triển khai dự án xây trung tâm thương mại.
"Chúng tôi đã lập quy hoạch 1/2000 cho dự án này và đang chờ ý kiến của các sở ban ngành. Lãnh đạo công ty cũng liên tục đốc thúc để đẩy nhanh tiến trình này, nhưng đến đầu tháng 3 vẫn chưa thể triển khai bước tiếp theo", ông Bảo nói.
Năm nay An Dương Thảo Điền đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 150 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. Nguyên nhân doanh thu giảm mạnh so với thực hiện năm trước là do công ty không còn chuyển nhượng bất động sản, thay vào đó tập trung cho lĩnh vực cho thuê.
Theo VnExpress
- Ai dẫn đầu thị trường phòng gym Việt Nam? (17/06/2019)
- Chế biến phụ phẩm thủy sản: Khoảng trống tỷ đô (17/06/2019)
- Cạnh tranh ngành kem nhìn từ que trân châu đường đen giao tận nhà (17/06/2019)
- Shark Dũng: “Startup không nên quá tham lam đẩy giá để bán cho quỹ đầu tư” (17/06/2019)
- Các “ông lớn” quỹ đầu tư sẽ dành 10.000 tỷ đồng đầu tư cho startup Việt (17/06/2019)
- Ông chủ mới khó khăn, xà bông Cô Ba “hồi sinh” bất thành (17/06/2019)
- Cổ đông HAR bán tháo sau Đại hội đồng cổ đông (17/06/2019)
- Doanh nghiệp tí hon bí ẩn đứng sau cung cấp nguyên liệu trà sữa cho các đại gia tại Việt Nam (17/06/2019)
- Người dân thay ong bướm thụ phấn cho hoa na (17/06/2019)