Câu chuyện kinh doanh
Hệ sinh thái khởi nghiệp: Cần nâng cao chất lượng hơn số lượng
Đăng 08/11/2017 | 20:34 GMT+7 |
BizLive
Để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển bền vững cần chú trọng chất lượng chứ không nên phát triển theo phong trào. Chia sẻ
Cùng với các nước trên thế giới, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang ngày càng phát triển ở Việt Nam với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chất lượng tốt, quỹ đầu tư mạo hiểm có uy tín… Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta chưa phát huy được tiềm năng do các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp vẫn hoạt động rời rạc, chưa có sự gắn kết.
Sau 10 năm say mê nghiên cứu vật liệu Bio-Sap - một dạng vật liệu có khả năng thấm hút lớn như bỉm, băng, gạc y tế và các hạt gel giữ nước trong nông nghiệp (có thể giúp giảm 50-70% lượng nước cần tưới cho cây trồng), nhóm khởi nghiệp của TS. Phan Thị Tuyết Mai, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được thành công bước đầu.
Ưu điểm của dự án nghiên cứu này là vật liệu Bio-Sap được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp như lá dứa, cùi ngô, bã mía... có rất nhiều tại Việt Nam. Giá thành rẻ hơn ít nhất từ 30-35% so với vật liệu Bio-Sap ngoài thị trường đang phải nhập từ nước ngoài được sản xuất từ tinh bột.
Tuy nhiên, cũng như các nhóm khởi nghiệp khác, nhóm khởi nghiệp của TS. Phan Thị Tuyết Mai gặp khó khăn trong việc tìm nhà đầu tư để đưa sản phẩm vào sản xuất công nghiệp ở quy mô 10.000 tấn/năm.
“Những nhà khoa học thường chỉ tập trung nghiên cứu nên gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm từ phòng nghiên cứu ra ngoài thị trường. Ngoài ra, các nhà khoa học rất cần nguồn vốn hỗ trợ để sản xuất thử nghiệm. Hiện nay, tuổi thọ của mỗi sản phẩm ngắn hơn so với ngày xưa nên những muốn tìm nhà đầu tư, tạo ra được môi trường kết nối, hợp tác giữa nhà đầu tư và nhà khoa học để sản phẩm đó được "sống" mãi”, TS. Mai cho biết.
Các doanh nghiệp luôn đi tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp tốt. Thế nhưng, chương trình đào tạo trong các trường đại học hiện nay vẫn thiếu hơi thở cuộc sống, khiến cho việc kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp còn hạn chế.
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, các trường đại học cần xác định vấn đề đào tạo thực nghiệm.
“Hiện nay xã hội, doanh nghiệp đều có nhu cầu thật từ nguồn nhân lực đến thành quả nghiên cứu khoa học. Khi doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận, nhà trường cũng xác định được việc đào tạo thực nghiệm gắn liền với hơi thở cuộc sống hiện đại. Như vậy, 2 bên mới gặp gỡ được nhau. Các ý tưởng khởi nghiệp, thành quả nghiên cứu mới có chỗ đứng trong xã hội và có cơ hội để phát triển”, ông Khôi lưu ý.
Không chỉ hạn chế trong kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, việc thiếu năng lực và văn hóa khởi nghiệp cũng khiến hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phân tích, tại các quốc gia khởi nghiệp như Hoa Kỳ, Israel...nhiều dự án có thể phát triển nhanh là do họ có văn hóa tự lập của sinh viên, văn hóa dám mạo hiểm và thất bại là bình thường.
Theo Tổ hợp Công nghệ giáo dục Topica, tại Việt Nam, độ tuổi khởi nghiệp thành công sau nhiều lần thất bại là khoảng 28-29 tuổi, trong khi ở các nước là 22-23 tuổi, ngay lúc đang học đại học.
“Làm sao để khi ra trường các sinh viên đã có dự án của riêng mình nên cần được đẩy nhanh để rút ngắn khoảng cách này. Cần nâng cao năng lực kinh doanh, kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cách thương mại ý tưởng nghiên cứu và làm thị trường", ông Quất mong muốn.
Doanh nhân Nguyễn Phan Huy Khôi.
Trong thời gian qua, nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nhiều bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển bền vững cần chú trọng chất lượng chứ không nên phát triển theo phong trào.
Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch nhóm công tác khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam khuyến cáo, hiện nay có thể các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gọi được vốn đầu tư, nhưng nếu 2 năm tới, số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công không đạt đến 1% sẽ không còn ai đầu tư. Đó chính là nguy cơ của hệ sinh thái khởi nghiệp nếu Việt Nam không nhìn ra điều cốt lõi.
“Nếu Việt Nam làm đại trà, doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng đầu tư, đẩy lên, tạo ra tinh thần thì số thất bại sẽ rất lớn. Chúng ta cần chọn ra doanh nghiệp khởi nghiệp nào thực sự cần đầu tư, start-up nào thực sự có năng lực để tập trung phát triển start-up đó", ông Giang cảnh báo.
Theo VOV News
Tin liên quan
- Ai dẫn đầu thị trường phòng gym Việt Nam? (08/11/2017)
- Chế biến phụ phẩm thủy sản: Khoảng trống tỷ đô (08/11/2017)
- Cạnh tranh ngành kem nhìn từ que trân châu đường đen giao tận nhà (08/11/2017)
- Shark Dũng: “Startup không nên quá tham lam đẩy giá để bán cho quỹ đầu tư” (08/11/2017)
- Các “ông lớn” quỹ đầu tư sẽ dành 10.000 tỷ đồng đầu tư cho startup Việt (08/11/2017)
- Ông chủ mới khó khăn, xà bông Cô Ba “hồi sinh” bất thành (08/11/2017)
- An Dương Thảo Điền có thể tìm đối tác khôi phục “Xà bông Cô Ba” (08/11/2017)
- Cổ đông HAR bán tháo sau Đại hội đồng cổ đông (08/11/2017)
- Doanh nghiệp tí hon bí ẩn đứng sau cung cấp nguyên liệu trà sữa cho các đại gia tại Việt Nam (08/11/2017)
Nuôi rươi nhàn hạ thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm (14/11/2017)
Nuôi ếch khổng lồ thu lãi 3 tỷ đồng mỗi năm (17/11/2017)