Làn sóng đầu tư chip tỷ USD đổ về Việt Nam giữa căng thẳng Mỹ-Trung
Làn sóng dịch chuyển sản xuất chip khỏi Trung Quốc đang mở ra cơ hội hấp dẫn cho Việt Nam.
Tại đất nước hình chữ S, các công ty nước ngoài đang mở rộng công suất thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp trong nước cũng đang nhắm đến các khoản đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn, theo chia sẻ của các lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ leo thang, đặc biệt với việc Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, các công ty đa quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam, với lợi thế về vị trí địa lý và môi trường đầu tư thuận lợi, đang trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Ngành sản xuất bán dẫn giai đoạn sau (về đóng gói và thử nghiệm), vốn ít thâm dụng vốn hơn so với sản xuất chip giai đoạn đầu tại các xưởng đúc chip. Hiện Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) đang thống trị thị trường này nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất lĩnh vực trị giá 95 tỷ USD này.
Hana Micron, tập đoàn công nghệ Hàn Quốc, đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 930 triệu USD để mở rộng hoạt động đóng gói chip tại Việt Nam từ nay đến năm 2026. Mục tiêu là đáp ứng yêu cầu của khách hàng muốn dịch chuyển một phần công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc, ông Cho Hyung Rae, Phó Chủ tịch Hana Micron tại Việt Nam chia sẻ.
Amkor Technology của Mỹ cũng dự định đổ 1.6 tỷ USD vào một siêu nhà máy rộng 200,000 m2 tại Việt Nam. Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất và tiên tiến nhất của Amkor, tập trung vào công nghệ đóng gói bán dẫn thế hệ mới. Đáng chú ý, một số thiết bị của nhà máy này được chuyển trực tiếp từ các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Amkor không phản hồi yêu cầu bình luận về việc chuyển giao máy móc.
Intel, gã khổng lồ công nghệ Mỹ, cũng đang đặt cược lớn vào Việt Nam. Nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip của họ tại đây là lớn nhất trong mạng lưới toàn cầu của tập đoàn.
Nhờ phần lớn vào đầu tư từ các công ty nước ngoài, Việt Nam dự kiến sẽ có 8% đến 9% thị phần công suất toàn cầu trong lĩnh vực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (ATP) vào năm 2032, tăng từ mức chỉ 1% năm 2022, theo báo cáo được công bố tháng 5 bởi Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ và Boston Consulting Group.
Doanh nghiệp Việt cũng đẩy mạnh lĩnh vực bán dẫn
Làn sóng đầu tư nước ngoài đang tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước. FPT, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, đang xây dựng nhà máy thử nghiệm chip gần Hà Nội với vốn đầu tư 30 triệu USD, Reuters dẫn lại 3 nguồn tin thân cận. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm sau với 10 máy thử nghiệm, và số lượng này sẽ tăng gấp ba vào năm 2026. Tuy nhiên, họ vẫn đang tìm kiếm đối tác chiến lược.
FPT không phản hồi yêu cầu bình luận.
Tập đoàn Sovico cũng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài để phát triển cơ sở ATP tại Đà Nẵng, trong khi Viettel đang lên kế hoạch xây dựng xưởng đúc chip đầu tiên của Việt Nam, theo hai nguồn tin từ công ty. Điều này nhằm đáp ứng mục tiêu tham vọng của Chính phủ là có ít nhất một nhà xưởng đúc chip đi vào hoạt động vào năm 2030.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
- Khởi tố ông Võ Văn Chánh, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (13/11/2024)
- Bộ Công Thương dừng áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ từ 4 thị trường lớn (13/11/2024)
- Để chiếm lại top đầu, ngành 40 tỷ USD của Việt Nam nhìn bài học từ Bangladesh (13/11/2024)
- Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc (13/11/2024)
- Bộ Công Thương lấy ý kiến về điện hạt nhân, tỉnh có dự án dở dang kiến nghị thẳng (13/11/2024)
- Pháp lý về hợp đồng quyền chọn hàng hóa tại Việt Nam: Vẫn còn nhiều thách thức (13/11/2024)
- Tiếp tục đề nghị truy tố anh em chủ đậu phộng Tân Tân với 2 tội danh (13/11/2024)
- Ngành gỗ đối mặt thách thức mới (13/11/2024)
- Hà Nội: Điều tra vụ Chủ tịch công ty địa ốc chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn (13/11/2024)