Câu chuyện kinh doanh
Trồng kiểng treo thu hàng tỷ đồng mỗi năm
Đăng 30/04/2018 | 15:02 GMT+7 |
BizLive
Năm 2017, bà Nguyễn Thị Nga (43 tuổi, ngụ ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách) vinh dự là người phụ nữ duy nhất được nhận danh hiệu "Nông dân Bến Tre xuất sắc". Chia sẻ
Theo đuổi cách làm mới
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, vừa học hết lớp 4 bà Nga phải thôi học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Sau khi lập gia đình, bà được cha mẹ cho 3.000m2 đất làm ăn. Ban đầu, bà phá bỏ vườn tạp trồng cây ăn trái, nhưng liên tiếp nhiều năm bị thất bại vì đầu ra không ổn định. Không nản chí, bà tìm hiểu nghề trồng hoa kiểng và thấy nghề này phù hợp với sở thích cũng như khả năng của mình nên quyết định chuyển hướng kinh doanh.
Năm 2007, bà đi nhiều nơi học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng hoa kiểng của những hộ đã thành công, sau đó vay 30 triệu đồng bắt tay vào làm nghề. Bà tập trung vào kiểng treo, loại kiểng mà thời điểm đó bà con trong ấp chưa ai trồng. “Nhiều người lo trồng kiểng treo sẽ không thành công, nhưng tôi quyết tâm theo đuổi cách trồng mới lạ so với kiểu truyền thống của những hộ xung quanh”, bà Nga chia sẻ.
Đúng như bà Nga dự đoán, khách hàng rất ưa chuộng kiểng treo vì vừa rẻ vừa đẹp lại tiết kiệm diện tích. Mấy năm đầu, bà bán được khoảng 20.000 chậu/năm, sau tăng lên đến hàng trăm ngàn chậu. Qua từng năm bà đều tăng số lượng cũng như chủng loại để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người chơi, nhất là vào dịp lễ Noel, Tết Nguyên đán. Từ 3.000m2 đất ban đầu, bà mở rộng lên 6.000m2 và đến nay đã đạt 1,3ha, trồng đa dạng chủng loại kiểng. Không chỉ tập trung vào kiểng treo, bà còn đầu tư trồng kiểng bông, kiểng lá. Hiện cơ sở hoa kiểng của bà đang bán rất chạy các loại cây kiểng như: đại phát tài, phát lộc hoa, son môi đỏ…
Bà luôn tìm giống mới lạ và thay đổi mẫu mã chậu trồng. Đầu tiên, kiểng treo được trồng trong chậu nhựa, tiếp theo là vỏ ốc và hiện nay là gáo dừa, những vật liệu vừa lạ mắt vừa thân thiện với môi trường. Để tiết kiệm diện tích, bà bố trí trồng cây kiểng thành 2 tầng, tầng trên trồng kiểng treo, tầng dưới đất trồng kiểng bông, kiểng lá. Bà cho biết mỗi năm tổng số cây kiểng bà bán ra lên đến con số hàng trăm ngàn, thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.
Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Bà Nga tự nhận mình là nông dân chân chất, lúc nào bán hàng cũng giữ chữ tín và cư xử niềm nở với khách hàng. Nhờ vậy mà bà đã gặt hái được kết quả hơn cả mong đợi. 5 năm liền bà được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2017, bà là phụ nữ duy nhất trong 7 người được tôn vinh “Nông dân Bến Tre xuất sắc”. Ngoài ra, bà còn nhận được nhiều giấy khen, bằng khen vì thành tích đã đạt được.
Ông Trần Văn Thái Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thành, cho biết bà Nga là phụ nữ tiêu biểu của xã về ý chí vươn lên làm giàu bằng nghề trồng hoa kiểng. Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, bà còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như bắc cầu, làm đường, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, bà đã tạo việc làm cho ổn định cho 15 lao động địa phương; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, kỹ thuật cho các hộ muốn trồng hoa kiểng để thoát nghèo.
Theo Báo Thanh Niên
Tin liên quan
- Ai dẫn đầu thị trường phòng gym Việt Nam? (30/04/2018)
- Chế biến phụ phẩm thủy sản: Khoảng trống tỷ đô (30/04/2018)
- Cạnh tranh ngành kem nhìn từ que trân châu đường đen giao tận nhà (30/04/2018)
- Shark Dũng: “Startup không nên quá tham lam đẩy giá để bán cho quỹ đầu tư” (30/04/2018)
- Các “ông lớn” quỹ đầu tư sẽ dành 10.000 tỷ đồng đầu tư cho startup Việt (30/04/2018)
- Ông chủ mới khó khăn, xà bông Cô Ba “hồi sinh” bất thành (30/04/2018)
- An Dương Thảo Điền có thể tìm đối tác khôi phục “Xà bông Cô Ba” (30/04/2018)
- Cổ đông HAR bán tháo sau Đại hội đồng cổ đông (30/04/2018)
- Doanh nghiệp tí hon bí ẩn đứng sau cung cấp nguyên liệu trà sữa cho các đại gia tại Việt Nam (30/04/2018)
Nuôi rươi nhàn hạ thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm (14/11/2017)
Nuôi ếch khổng lồ thu lãi 3 tỷ đồng mỗi năm (17/11/2017)