Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Bộ Công Thương đề xuất 10 việc cần làm ngay
Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để khẩn trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công Thương sẽ thực hiện 10 việc cần làm ngay.
Sau 25 năm, đến ngày 25/11/2024 thực hiện nghị quyết của Trung ương, Quốc hội ra nghị quyết tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
|
Theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Từ khi có chủ trương làm dự án điện hạt nhân, chúng ta đã cử 323 sinh viên đi học các trường của Nga; 31 sinh viên và 24 kỹ sư là cán bộ khung đi học ở Nhật Bản. Số nhân lực này một số làm việc ở Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), phần đông là làm việc ở Mỹ và các nước châu Âu. Có nhiều người đang làm việc ở Pháp, Ukraine, Nga sẵn sàng trở về Việt Nam làm việc nếu các dự án điện hạt nhân tái khởi động.
Những việc cần làm ngay
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để khẩn trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ Công Thương sẽ thực hiện 10 việc cần làm ngay.
Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, EVN để rà soát và bổ sung quy hoạch liên quan đến 2 dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VIII. Dự án này dự kiến sẽ được khởi động lại từ tháng 1/2025 và chúng ta cần hoàn thành các công đoạn này trước tháng 3/2025, dự kiến phát điện trước 2035. Đây là một công việc rất quan trọng, bởi trước đó dự án đã bị đóng băng do nhiều lý do, nhưng việc tái khởi động là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu xây dựng và ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực sửa đổi theo qui trình rút gọn, có hiệu lực cùng với hiệu lực của Luật Điện lực sửa đổi (1/1/2025) kèm theo đó là các cơ chế, chính sách cụ thể cho các dự án điện lực.
"Điều đáng mừng là Luật Điện lực sửa đổi đã có các chương quy định về điện hạt nhân, trong đó có các cơ chế, chính sách ưu đãi về đầu tư và khuyến khích đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Thứ ba, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo, rà soát các công việc và triển khai để giao EVN làm chủ đầu tư các dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Việc này sẽ làm và phải hoàn thành xong trước ngày 1/2/2025 để trùng với thời điểm các quy định có hiệu lực.
Thứ tư, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền để xin chủ trương tái đàm phán, ký Hiệp định với Nga hoặc Nhật Bản theo cam kết cũ là vừa hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vừa hỗ trợ về tài chính, ưu đãi. Hiện nay công nghệ đã thay đổi, chúng ta cũng cần rà soát đàm phán lại để xem áp dụng công nghệ nào, vốn vay ra sao, lộ trình thực hiện thế nào? Việc này muộn nhất trong quý I/2025, khi có chủ trương là lên đường đàm phán ngay.
Thứ năm, chủ đầu tư (EVN) phải khẩn trương thuê tư vấn để rà soát, cập nhật các thông tin, điều chỉnh dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại chủ trương đầu tư hoàn chỉnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo quy định, các dự án đầu tư lớn 10 tỷ USD phải đưa ra Quốc hội phê chuẩn. Dự kiến, dự án này sẽ được trình lên Quốc hội muộn nhất là vào đầu quý II/2025.
Thứ sáu, sau khi có chủ trương đầu tư dự án mới theo quyết định của cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư sẽ chọn tư vấn xây dựng dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo tiền khả thi (FS) ngay đầu quý III/2025.
Thứ bảy, chủ đầu tư EVN rà soát lại nguồn nhân lực đã được đào tạo. Nếu còn điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục phối hợp với các đối tác đào tạo lại; đồng thời lập kế hoạch đào tạo mới, chú trọng các đối tác có hỗ trợ về mặt kỹ thuật, công nghệ. Việc này hoàn thành trong quý II/2025.
Thứ tám, EVN khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung (nếu cần) và tiếp tục triển khai xây dựng các dự án hạ tầng điện, nước, khu quản lý vận hành, khu chuyên gia, nhà điều hành… Tất cả những gì chuẩn bị cho dự án này là phải triển khai ngay, không chần chừ, không chờ đợi, không có bất kỳ sự trì hoãn nào.
Thứ chín, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai dự án di dân tái định cư. Vướng việc gì cần báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ.
Thứ mười, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định "phải làm thật tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong nhân dân".
Trong nhóm 10 công việc cần thực hiện ngay này, người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu 7 nhóm công việc đầu tiên sẽ hoàn thành theo lộ trình đã báo cáo còn 3 nhóm cuối cần phải triển khai luôn.
Chủ trương được nhân dân ủng hộ
Về điện hạt nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Trong lịch sử có một số sự cố về các nhà máy điện hạt nhân nhưng xét về xác suất là vô cùng thấp. Hơn nữa, những công nghệ hạt nhân hiện nay đã tiến bộ rất xa, trải qua rất nhiều thế hệ mới so với những công nghệ cũ trước đây.
Vừa qua, Quốc hội đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận, sau 8 năm tạm dừng dự án này, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết và được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.
Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 85,000MW, cần có thêm khoảng 70,000MW vào năm 2030, tức khoảng 150,000MW. Đến năm 2050, tổng công suất cần đạt là 400,000 đến 500,000MW. Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết tại COP26. Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
Nói về việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - cho biết, từ khi tạm dừng chủ trương đầu tư Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đến nay đã 8 năm, nhân dân vùng dự án mong muốn sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Khi nghe tin Trung ương và Quốc hội có chủ trương tiếp tục đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhân dân vùng dự án và cử tri Ninh Thuận luôn đồng tình, tin tưởng, chấp hành các quyết định, chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng.
"Đây là vinh dự rất lớn lao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận khi Trung ương, Quốc hội quyết định tiếp tục khởi động dự án trong bối cảnh tình hình yêu cầu phải đủ nguồn cung năng lượng, nhất là năng lượng sạch, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai theo hướng bền vững hơn", ông Trần Quốc Nam cho biết.
Nhật Quang
- Tiếp nhận gói thầu hơn 13.000 tỷ của tuyến metro số 1 TPHCM (12/12/2024)
- Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch, cựu Phó Chủ tịch An Giang nhận tiền của doanh nghiệp (12/12/2024)
- Chính phủ đề xuất lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư khi áp thuế tối thiểu toàn cầu (12/12/2024)
- Bổ sung vốn điều lệ cho VEC, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nói gì? (12/12/2024)
- Doanh nghiệp dệt may: Thị trường hồi phục, xuất khẩu thu nhiều kết quả khả quan (12/12/2024)
- Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Hoa Kỳ: Việt Nam là đích đến quan trọng, hấp dẫn cho các nhà đầu tư (12/12/2024)
- Tập trung các nguồn lực để hoàn thành sân bay Long Thành vào cuối tháng 12/2025 (12/12/2024)
- Năm 2025 quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD (12/12/2024)
- Đàm phán hợp đồng thương mại: Nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn (12/12/2024)