IPO khi nào mới sôi động trở lại?
Thị trường Việt Nam chững lại dòng vốn FII khi thiếu vắng các thương vụ IPO lớn thời gian qua. Chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải nâng hạng thị trường, bên cạnh ổn định một số yếu tố vĩ mô, có như vậy dòng vốn ngoại mới quay trở lại.
Nhận định trên được ông Nguyễn Duy Linh – Tổng Giám đốc Chứng khoán VPBank (VPBankS) chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền” diễn ra chiều 09/11.
Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng phát triển của nền kinh tế, chất lượng hàng hóa, sự minh bạch của thị trường. Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chí đầu tư của các tổ chức quốc tế.
Ông Linh cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2018, việc tăng lãi suất của Fed không có quá nhiều tác động đến vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do phần lớn các quỹ ngoại đầu tư vào Việt Nam với định hướng đầu tư dài hạn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và tỷ giá USD/VNĐ ổn định.
Quy mô thị trường chứng khoán gia tăng do có thêm nhiều cổ phiếu chất lượng cao được niêm yết và việc đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, IPO, cổ phần hóa, cùng với kỳ vọng Việt Nam được xem xét lên thị trường mới nổi.
Trong năm 2017 có 70 doanh nghiệp Nhà nước lên sàn chứng khoán, nhiều trong số đó là những doanh nghiệp đầu ngành như Sabeco (SBC), Petrolimex (PLX) hoặc những doanh nghiệp tư nhân như Vincom Retail (VRE), đây là những chất xúc tác cho dòng vốn FII.
Tuy nhiên bước sang năm 2018, khi Fed quyết định gia tăng tốc độ thu hẹp bảng cân đối tài sản và câu chuyện nâng hạng không còn hấp dẫn. Tâm lý sợ rủi ro đã khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi về thị trường phát triển. Hiện vẫn còn nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước lớn vì nhiều lý do chưa niêm yết hoặc chưa đẩy mạnh thoái vốn, khiến lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế.
Ông Nguyễn Duy Linh – Tổng Giám đốc Chứng khoán VPBank (VPBankS) tại sự kiện Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024. Ảnh: TM
|
Hiên tại, câu chuyện rút vốn dường như đang xảy ra tại không chỉ Việt Nam mà với hầu hết thị trường ở châu Á trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao buộc các ngân hàng trung ương áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam chứng kiến quý thứ hai liên tiếp bị rút ròng mạnh, và là quốc gia bị rút vốn ít nhất trong khu vực Đông Nam Á, với giá trị rút ròng khoảng 340 triệu USD chủ yếu do áp lực tỷ giá tăng cao, đồng USD tăng mạnh so với VNĐ.
Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, xu hướng này sẽ dần thu hẹp lại trong năm 2024 khi Fed có khả năng không tăng lãi suất, thậm chí có thể hạ nhẹ lãi suất vào cuối năm sau.
Dòng tiền ngoại sẽ quay trở lại chọn lọc hơn tại các thị trường có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt và có câu chuyện riêng.
“Chúng ta đang đạt tới hạn về việc thu hút vốn FII do chúng ta đã được đưa lên mức tỷ trọng cao nhất của thị trường cận biên. Trong tương lai, để có thể thu hút thêm dòng vốn này, mấu chốt là việc thị trường chứng khoán Việt Nam phải nâng hạng lên thị trường mới nổi”, ông Linh đánh giá.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì khá ổn và lạm phát trong mức kiểm soát, ông Linh dự báo Việt Nam sẽ có thể chứng kiến dòng vốn quay trở lại mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2024.
Thu Minh
- Thanh tra Chính phủ nêu sai phạm trong cổ phần hóa tại CIENCO 4 (09/11/2023)
- Thoái sạch vốn Nhà nước tại Khoáng sản Bình Định, giá khởi điểm 22,300 đồng/cp (09/11/2023)
- Chân dung doanh nghiệp nhựa chuẩn bị “chào sân” UPCoM (09/11/2023)
- Nhiều vi phạm trong cổ phần hoá Tổng công ty Tín Nghĩa ở Đồng Nai (09/11/2023)
- “Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE (09/11/2023)
- Ông Lê Hồng Minh: VNZ đã sẵn sàng, chỉ chờ “gió đông” để IPO tại Mỹ (09/11/2023)
- 19 doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hóa vẫn chưa cán đích mục tiêu (09/11/2023)
- Kiểm toán đề nghị kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang (09/11/2023)
- SCIC công bố danh sách bán vốn đợt 2 năm 2024, góp mặt FPT, NTP (09/11/2023)