Đề xuất ban hành luật về cổ phần hóa DNNN
Trong thời gian gần đây, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được đẩy mạnh bằng việc bán vốn nhà nước với khối lượng lớn, từ đó góp phần làm giảm số lượng DNNN trong cơ cấu doanh nghiệp của nền kinh tế. Và Quốc hội đã nhận được những lời đề nghị về việc cần có luật về cổ phần hóa DNNN.
Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn là DNNN thực hiện cổ phần hóa thành công cuối năm 2017. Ảnh: brs.com.vn
|
Theo dự kiến, vào tháng 4 sắp tới, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo trước Thường vụ Quốc hội về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016”. Trước đó, ngày 27-2, đoàn đã có những buổi làm việc với Chính phủ để rà soát những nội dung quan trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện đều tăng. Năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1,398 triệu tỉ đồng, tăng 92% so với năm 2011. Quy mô tổng tài sản là 3,05 triệu tỉ đồng, tăng 45,8% cũng so với cùng thời gian đó.
Thế nhưng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN cầm chừng, hiệu suất sử dụng vốn chưa cao do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới 2011-2013 và những chủ quan nội tại. Từ giai đoạn 2014-2016, DNNN đã hoạt động hiệu quả hơn nhưng đến hết năm 2016 vẫn còn doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn của DNNN còn cao, nhiều khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả. Số lượng DNNN cổ phần hóa cao nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước bán ra lại thấp, việc xác định giá trị doanh nghiệp còn nhiều điều bất cập.
Theo tổng hợp kết quả của 350 DNNN sau cổ phần hóa vào năm 2015 cho thấy, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, doanh thu tăng 29% và thu nhập bình quân người lao động tăng 33%. Tiền thu được từ cổ phần hóa đã giúp thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng của quốc gia theo luật ngân sách.
Song, bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa DNNN vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục được khắc phục bằng việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội, cho biết các văn bản quy phạm pháp luật về DNNN, bán cổ phần giai đoạn 2011-206 đã khắc phục được nhiều điểm bất cập trong quá trình bán vốn nhà nước, ví dụ như xác định cổ đông chiến lược, xác định giá trị doanh nghiệp…
Hai năm gần đây, ngoài một số thương vụ tiếp tục bán vốn nhà nước thành công như thương vụ bán cổ phần Sabeco và một số doanh nghiệp dầu khí, điện lực thì nhìn chung, bức tranh cổ phần hóa DNNN có vẻ như chậm lại.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định rằng, trong quá trình đi giám sát tại nhiều đơn vị, do vốn và quy mô vốn tại các doanh nghiệp còn nhiều, nên có nhiều thành viên kiến nghị đẻ làm tốt hơn việc quản lý vốn, tài sản và cổ phần hóa, cần ban hành luật về cổ phần hóa DNNN và hoàn thiện các văn bản hiện có. Tuy nhiên, luật này có khả thi hay không phải được đưa ra thảo luận tại Quốc hội về tính cần thiết trước khi đưa vào chương trình làm luật.
Lan Nhi
- Thoái sạch vốn Nhà nước tại Khoáng sản Bình Định, giá khởi điểm 22,300 đồng/cp (01/03/2018)
- Chân dung doanh nghiệp nhựa chuẩn bị “chào sân” UPCoM (01/03/2018)
- Nhiều vi phạm trong cổ phần hoá Tổng công ty Tín Nghĩa ở Đồng Nai (01/03/2018)
- “Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE (01/03/2018)
- Ông Lê Hồng Minh: VNZ đã sẵn sàng, chỉ chờ “gió đông” để IPO tại Mỹ (01/03/2018)
- 19 doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hóa vẫn chưa cán đích mục tiêu (01/03/2018)
- Kiểm toán đề nghị kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang (01/03/2018)
- SCIC công bố danh sách bán vốn đợt 2 năm 2024, góp mặt FPT, NTP (01/03/2018)
- Thoái vốn tại VIMC, MobiFone, VRG: Có thể thu về 50.000 tỷ đồng (01/03/2018)